Việt Nam-Lào thảo luận việc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại và đầu tư
Việt Nam-Lào thảo luận việc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại và đầu tư
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Lào vừa trao đổi chuyên môn nhằm thúc đẩy hiện thực hóa việc sử dụng đồng nội tệ kíp-VNĐ trong thương mại-đầu tư giữa hai nước.
Các đại biểu tham quan một gian hàng tại Hội chợ Thương mại Việt-Lào 2024 ở Thủ đô Vientiane hồi tháng trước. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)
|
Ngân hàng Nhà nước Lào và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo trao đổi chuyên môn với chủ đề “Thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ giữa Lào và Việt Nam” nhằm thúc đẩy hiện thực hóa việc sử dụng đồng nội tệ kíp-VNĐ trong thương mại-đầu tư song phương giữa hai nước, giúp ngăn ngừa các rủi ro từ bên ngoài.
Theo dữ liệu về thương mại và đầu tư, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Lào và hai bên đã hợp tác về thương mại và đầu tư từ rất lâu.
Đây là cơ sở quan trọng để hợp tác thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ kíp-VNĐ giữa hai nước thời gian tới.
Việc kiểm soát hệ thống thanh toán chung của cả hai nước sẽ do Công ty Mạng lưới Thanh toán Quốc gia Lào (LAPNet) và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phụ trách.
Hội thảo trao đổi chuyên môn là diễn đàn để hai bên cùng nhau trao đổi ý kiến và tạo sự hiểu biết về công việc này.
Tại hội thảo, hai bên đã giới thiệu “Dự án kết nối thanh toán bán lẻ xuyên biên giới Việt Nam-Lào sử dụng mã QR, đồng thời cho biết hiện hệ thống kết nối thanh toán bán lẻ xuyên biên giới Việt Nam-Lào sử dụng mã QR đang trong giai đoạn chuẩn bị và sẽ triển khai dự án giai đoạn 1 trong tháng Chín tới.
Các ngân hàng của phía Việt Nam tham gia gồm Vietinbank, Sacombank, BIDV, Vietcombank, TPBank, NamABank, SHB, BVBank và MBBank, trong khi phía Lào có 13 ngân hàng tham gia gồm BCEL, APB, BIC, JDB, LVB, STB, Vietinbank Lao, Phongsavanh Bank, Sacombank Lao, ACLEDA, MBBank Lao, MJBL và Indochina Bank.
Hiện các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Lào, đã chuyển hướng sang sử dụng đồng nội tệ trong thương mại, đầu tư để phòng ngừa rủi ro từ những thay đổi về chính trị, địa chính trị, kinh tế và tài chính; đồng thời giúp thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khu vực và thế giới./.
Xuân Tú-Bá Thành