Thị trường hoài nghi về cơn sốt AI, Nvidia "bốc hơi" gần 280 tỷ USD
Thị trường hoài nghi về cơn sốt AI, Nvidia "bốc hơi" gần 280 tỷ USD
Bốn tuần sau khi cơn bán tháo tài sản rủi ro trên toàn cầu, các nhà sản xuất chip lại châm ngòi cho một đợt bán tháo cổ phiếu khác. Lần này, giới phân tích ngành chip cho rằng cơn sốt xoay quanh trí tuệ nhân tạo (AI) đã đi quá xa.
Nvidia, biểu tượng trong lĩnh vực chip AI, chứng kiến cổ phiếu lao dốc 9.5%, xóa sổ 278.9 tỷ USD giá trị vốn hóa chỉ trong một ngày – là mức cao nhất từ trước đến nay ở Mỹ. Kéo theo đó toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn rung lắc dữ dội. Các cổ phiếu thuộc chỉ số Bán dẫn Philadelphia, phản ánh sức khỏe của 30 công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, giảm ít nhất 5.4%.
Bán tháo chưa dừng lại ở đó. Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã gửi trát đòi hầu tòa cho Nvidia và một số công ty khác nhằm điều tra các vi phạm tiềm ẩn về luật chống độc quyền. Điều này đã đẩy cổ phiếu công ty Nvidia giảm thêm 2% trong giờ giao dịch sau khi khép phiên (after hours).
Michael Cembalest, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường và đầu tư tại JPMorgan Asset Management, cảnh báo: "Khoản chi tiêu khủng cho AI sẽ không hợp lý trừ khi nhu cầu về dịch vụ AI từ các công ty ngoài lĩnh vực công nghệ bắt đầu tăng lên".
Đồng tình với quan điểm trên, Jean Boivin, người đứng đầu Viện Đầu tư BlackRock, cho rằng "cần phải kiên nhẫn" trước khi AI thực sự cất cánh, một quá trình có thể kéo dài "nhiều năm, không phải nhiều quý".
Những cảnh báo này đã châm ngòi cho một làn sóng bán tháo rộng khắp. Chỉ số S&P 500 giảm hơn 2%, trong khi Nasdaq 100 - nơi tập trung các cổ phiếu công nghệ hàng đầu - sụt gần 3.2%.
Ở các thị trường khác, giá dầu lao dốc 4%, trong khi các nhà đầu tư đổ xô vào trái phiếu kho bạc Mỹ như một nơi trú ẩn an toàn, đẩy lợi suất giảm mạnh.
Brian Mulberry, nhà quản lý danh mục đầu tư khách hàng tại Zacks Investment Management, đặt ra câu hỏi: "Liệu chúng ta thực sự sẽ đạt được mục tiêu ‘hạ cánh mềm’, hay chúng ta sẽ nhận được một báo cáo nào đó vào cuối tuần này cho thấy tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng đáng kể?".
Paul Nolte, Chiến lược gia thị trường và quản lý tài sản cao cấp tại Murphy & Sylvest Wealth Management, thận trọng cho rằng: "Ngoài các công ty công nghệ lớn mua bán lẫn nhau, chúng ta chưa thực sự thấy AI lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Vẫn còn một câu hỏi lớn về lợi nhuận đầu tư từ tất cả chi tiêu này".
Ông còn gợi lại về bài học từ thời kỳ bong bóng dot-com rằng “những người chiến thắng đầu tiên của internet không phải lúc nào cũng là người chiến thắng cuối cùng”.
Không chỉ Nvidia, các gã khổng lồ công nghệ khác như Alphabet, Microsoft và Apple cũng giảm ít nhất 1.9%.
Trong khi đó, Christopher Jacobson, đồng trưởng bộ phận chiến lược phái sinh tại Susquehanna International Group, lại có cái nhìn khác. Ông nói rằng: "Với việc giá cổ phiếu tăng mạnh từ mức đáy tháng 8 ngay khi chúng ta bước vào một giai đoạn thường ảm đạm với chứng khoán và với việc cắt giảm lãi suất đầu tiên đã được phản ánh, không có gì ngạc nhiên khi thấy một số hoạt động giảm thiểu rủi ro".
Trong ngắn hạn, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào báo cáo việc làm của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày 06/09. Dữ liệu này được kỳ vọng sẽ cung cấp những gợi ý quan trọng về sức khỏe của thị trường lao động và có thể ảnh hưởng đáng kể đến quyết sách của Fed trong thời gian tới.