Hai tân binh sắp lên sàn: "Trùm" bán nguyên liệu thực phẩm và Huyền thoại xe đạp Thống Nhất
Hai tân binh sắp lên sàn: "Trùm" bán nguyên liệu thực phẩm và Huyền thoại xe đạp Thống Nhất
CTCP Nguyên liệu Á Châu AIG và CTCP Thống Nhất Hà Nội vừa nhận được quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo quyết định ngày 22/10 của HNX, 170.6 triệu cp CTCP Nguyên liệu Á Châu AIG sẽ được giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán AIG, tương ứng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch hơn 1,706 tỷ đồng. Trước đó, AIG đã hoàn tất thủ tục lưu ký chứng khoán ngày 12/09/2024.
AIG tiền thân là CTCP Đầu tư GIG, sáng lập bởi 5 cá nhân vào năm 2017, với vốn điều lệ ban đầu 18 tỷ đồng. Cuối năm này, Công ty đổi tên thành CTCP Nguyên liệu Á Châu AIG. Thời gian đầu, AIG hoạt động trong lĩnh vực thương mại, sau đó chuyển dần sang sản xuất nguyên liệu thực phẩm. Các thương hiệu đình đám như Vinamilk, TH True milk, Nestle, Masan… đều là những đối tác chiến lược do AIG cung cấp nguyên liệu.
AIG hiện đang sở hữu hệ sinh thái 16 công ty con, công ty liên kết sản xuất và cung cấp các loại nguyên liệu cho ngành thực phẩm, nước giải khát, sản phẩm từ sữa, thủy sản, dược phẩm và bánh kẹo.
Về thương vụ M&A gần nhất, vào cuối tháng 7/2024, AIG đã mua xong 44.5% vốn của CTCP Thực phẩm G.C (UPCoM: GCF), nhà sản xuất nha đam lớn nhất thị trường. Ông Huỳnh Thanh Lâm - cựu Thành viên HĐQT AIG được cử làm người đại diện phần vốn góp tại GCF.
Sau 4 lần tăng vốn, AIG nâng vốn điều lệ lên 1,706 tỷ đồng, gấp gần 95 lần ban đầu. Cổ đông lớn nhất là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiên Trúc sở hữu 30.32% vốn; MGCA FOODCO Pte. Ltd (công ty con thuộc Tập đoàn Marubeni - Nhật Bản) nắm 29%; Tổng Giám đốc Nguyễn Bảo Tùng nắm 8.48% và All Ingredients Pte. Ltd nắm 8.09%.
Chủ tịch HĐQT AIG Nguyễn Thiên Trúc
|
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2022-2023, doanh thu của AIG giảm từ mức gần 12,900 tỷ đồng về 11,900 tỷ đồng (giảm 8%); lãi ròng thu hẹp còn gần 652 tỷ đồng, so với năm 2022 lãi 668 tỷ đồng (giảm 2%).
Công ty cho biết do nền kinh tế 2023 ảm đạm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh cùng với việc Công ty chuyển văn phòng, cơ cấu các phòng ban nên phát sinh nhiều chi phí hơn cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, AIG ghi nhận doanh thu gần 5,800 tỷ đồng và lãi ròng 361 tỷ đồng. Điểm tích cực là tỷ suất lãi gộp ngày một cải thiện, từ mức 14.23% năm 2022, tăng lên 15.26% năm 2023 và đạt 16.35% trong 6 tháng năm 2024.
Năm 2024, AIG đề ra kế hoạch cao nhất lịch sử với doanh thu hợp nhất 12,950 tỷ đồng và lãi ròng 890 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 13% so với năm 2023. Sau nửa đầu năm, Công ty thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận năm.
Cuối quý 2/2024, quy mô tài sản của AIG hơn 9,700 tỷ đồng, tăng 221 tỷ đồng so với đầu năm, tập trung chủ yếu ở số dư tiền nhàn rỗi (tiền mặt, tiền gửi ngân hàng) gần 2,600 tỷ đồng và hàng tồn kho khoảng 2,500 tỷ đồng.
Bên kia nguồn vốn, nợ phải trả cuối kỳ gần 4,100 tỷ đồng, nhích nhẹ so với đầu năm, riêng nợ vay ngắn hạn (hầu hết là vay ngân hàng) gần 2,500 tỷ đồng. Lãi sau thuế chưa phân phối hơn 2,900 tỷ đồng.
"Chiếc xe đạp huyền thoại thời bao cấp" lên sàn
Ngày 23/10, HNX cũng đã chấp thuận cho 23.7 triệu cp CTCP Thống Nhất Hà Nội giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán TNV, tương ứng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch 237 tỷ đồng. Trước đó, TNV đã hoàn tất thủ tục lưu ký chứng khoán vào ngày 15/08/2024.
TNV tiền thân là nhà máy Xe đạp Thống Nhất thành lập năm 1960, là thương hiệu lừng lẫy một thời, được ra đời trong chiến tranh chống Mỹ, đi vào cả chiến trường với biệt danh "con ngựa sắt". Hơn 6 thập kỷ phát triển, Xe đạp Thống Nhất - nay là CTCP Thống Nhất Hà Nội (chuyển đổi mô hình năm 2017) đã đưa ra thị trường hàng triệu sản phẩm phục vụ cho mọi đối tượng khách hàng, ở mọi lứa tuổi.
Tại ngày 28/06/2024, UBND TP Hà Nội đại diện vốn Nhà nước sở hữu 45% vốn TNV, theo sau là CTCP Đầu tư VSD nắm 41.68% và ông Trịnh Nguyên Khánh nắm 12.17%.
Về tình hình kinh doanh, năm 2019 khi dịch COVID-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, Xe đạp Thống Nhất lãi ròng chưa đầy 500 triệu đồng. Năm 2022, bức tranh kinh doanh khởi sắc hơn khi Công ty lãi ròng gần 14 tỷ đồng, sau đó lao dốc 81% về dưới 3 tỷ đồng năm 2023.
Trong khi đó, doanh thu tăng liên tục qua từng năm, đạt 176.5 tỷ đồng năm 2023, tăng 24% so với năm 2022. Nửa đầu năm 2024, doanh thu ở mức 60 tỷ đồng và lãi ròng 300 triệu đồng, lần lượt thực hiện được 37% và 15% kế hoạch năm.
Tính đến ngày 31/12/2023, TNV có quy mô tài sản gần 283 tỷ đồng, tăng 22 tỷ đồng so với đầu năm, phần lớn là tài sản cố định; tiền mặt, tiền gửi ngân hàng chỉ hơn 11 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả cuối kỳ tăng 20 tỷ đồng so với đầu năm lên 70 tỷ đồng, riêng nợ vay ngắn hạn hơn 54 tỷ đồng, hai chủ nợ lớn nhất là Vietcombank với gần 35 tỷ đồng và MB Bank 19 tỷ đồng. Kinh doanh thăng trầm khiến lỗ lũy kế của TNV còn hơn 24 tỷ đồng.