Lộc Trời (LTG): Rủi ro tài chính tăng cùng tham vọng ngành gạo hậu M&A công ty Lộc Nhân
Lộc Trời (LTG): Rủi ro tài chính tăng cùng tham vọng ngành gạo hậu M&A công ty Lộc Nhân
Quy mô tập đoàn Lộc Trời xét trên khía cạnh doanh thu lẫn bảng cân đối kế toán đều mở rộng nhanh chóng những năm qua, đi cùng với tham vọng trong ngành lúa gạo. Sự bùng phát rõ rệt được nhìn thấy hậu thương vụ thâu tóm công ty Lộc Nhân.
Mấy tuần vừa qua là quãng thời gian đầy sóng gió với tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Lộc Trời. Cựu Tổng Giám đốc bị chính doanh nghiệp cáo buộc gây thất thoát tài sản. Chủ tịch HĐQT phát ngôn rằng doanh nghiệp đang vô cùng nguy hiểm. Giá cổ phiếu LTG thì liên tục đổ đèo trên sàn chứng khoán khi nhà đầu tư tháo chạy.
Tương lai của Lộc Trời chưa bao giờ bất định đến thế. Làn sương mù càng dày đặc đối với các nhà đầu tư, khi họ vẫn chưa được đọc BCTC quý 2/2024 của Công ty dù đã bước sang giữa tháng 10.
Tình hình tài chính của Lộc Trời vốn đã bị đặt dấu chấm hỏi, sau khi công ty mở rộng nhanh ở lĩnh vực kinh doanh gạo những năm gần đây. Đáng chú ý, sự phình to của bảng cân đối kế toán được nhìn thấy rõ sau thương vụ M&A một công ty kinh doanh lương thực có tên Lộc Nhân cách đây gần 2 năm.
Những mảnh ghép tại các BCTC gần nhất, cùng với vụ việc Lộc Trời nợ tiền lúa nông dân vào những tháng đầu 2024, có thể hé mở phần nào đó chân tướng vấn đề.
Bán tháo
Cổ phiếu LTG rớt giá 65% trong năm 2024, xóa tan trên 1.7 ngàn tỷ giá trị vốn hóa thị trường Dữ liệu tính đến 9h15, sáng ngày 14/10/2024. Nguồn: VietstockFinance
|
Bành trướng
Hệ thống công ty con, công ty thành viên tại Lộc Trời đã ngày càng phức tạp kể từ khi ông Nguyễn Duy Thuận lên làm Tổng Giám đốc vào năm 2020.
Theo thông tin tại các BCTC hợp nhất mà Công ty công bố, từ cuối năm 2019 đến cuối quý 1/2024, số lượng công ty con của Lộc Trời tăng từ 14 lên 22, số lượng công ty liên kết tăng từ 2 lên 5.
Trong đó, một nhánh công ty đáng chú ý hơn cả liên quan đến thương vụ sáp nhập Lộc Nhân, bởi đây là những cái tên dính dáng đến các giao dịch hàng ngàn tỷ đồng với công ty mẹ Lộc Trời. Đồng thời, chính Lộc Nhân cũng là hiện thân cho tham vọng của lãnh đạo Lộc Trời trong ngành gạo.
Dù chỉ mới thành lập vào tháng 7/2022, Lộc Nhân được Lộc Trời chi hơn 186 tỷ đồng mua 49% cổ phần vào đầu năm 2023. Theo tìm hiểu, công ty có trụ sở tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ này thời điểm đó sở hữu 3 nhà máy, được hình thành bởi sự hợp nhất của 3 đơn vị sản xuất kinh doanh lúa gạo là Hiếu Nhân, Đại Tài và Hưng Phước.
Nhánh công ty thành viên tại Lộc Trời liên quan đến Lộc Nhân
Nguồn: Người viết tổng hợp, Báo cáo thường niên 2023 của Lộc Trời
|
Trong giai đoạn từ đầu năm 2023 đến cuối quý 1/2024, Lộc Trời đã thực hiện các giao dịch bán hàng và mua hàng liên quan đến bộ ba này với giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
BCTC hợp nhất Lộc Trời cho thấy, bộ ba công ty con của Lộc Nhân đang còn nợ phải thu đến gần 1.9 ngàn tỷ đối với Lộc Trời tính đến thời điểm cuối quý 1/2024. Ngược lại, bản thân Lộc Trời cũng nợ phải trả trên 611 tỷ đồng với nhóm này.
Một số giao dịch trọng yếu của Lộc Trời với các bên liên quan
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán 2023, BCTC hợp nhất quý 1/2024 của Lộc Trời
|
Ngoài các công ty liên quan Lộc Nhân, khoản phải thu của Lộc Trời đối với những bên khác cũng tăng mạnh từ năm 2023. Báo cáo tài chính cho thấy sự phình to của các khoản phải thu được tài trợ chủ yếu bởi tiền vay ngắn hạn từ ngân hàng.
Rủi ro tài chính cao hơn khi một doanh nghiệp gia tăng sử dụng đòn bẩy để mở rộng quy mô hoạt động.
Vào nửa đầu năm 2024, Lộc Trời thực tế đã gặp vấn đề thanh khoản, khi không thanh toán đúng hạn tiền mua lúa của các hộ nông dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Phía Lộc Trời cho biết họ gặp khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền vay từ ngân hàng, trong khi khách hàng quốc tế cũng chậm thanh toán, dẫn đến không đảm bảo cam kết với người nông dân.
Tăng đòn bẩy
Nợ vay của Lộc Trời phình to theo doanh thu mảng gạo Đvt: Tỷ đồng
Số liệu vào cuối mỗi kỳ. Nguồn: VietstockFinance
|
Một vấn đề nữa khi các khoản phải thu tăng nhanh chính là việc nợ quá hạn cũng theo đó tăng đột biến. Tính theo giá gốc, lượng nợ quá hạn thanh toán từ 6 tháng đến dưới 2 năm của Lộc Trời đã tăng từ 54 tỷ đồng lên xấp xỉ 488 tỷ đồng, gấp 9 lần chỉ trong năm 2023.
Giám đốc Tài chính trong giai đoạn bảng cân đối kế toán phình to là ông Lê Thanh Hạo Nhiên, một chuyên gia đầu tư kỳ cựu trong lĩnh vực vốn cổ phần tư nhân. Vị này gia nhập Lộc Trời từ ngày 5/4/2021 trong vai trò Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính – Kế toán – Thuế. Đến tháng 8/2021, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Tài chính thay cho chính ông Nguyễn Duy Thuận (trước đó kiêm nhiệm).
Mãi cho đến tháng 2/2024, trước khi xảy ra vụ ồn ào Lộc Trời nợ tiền lúa nông dân, ông Nhiên mới không còn đảm trách vị trí nói trên.
Trong khoảng thời gian công tác ở Lộc Trời, ông Nhiên cũng là nhân sự giữ vị trí Chủ tịch tại các công ty Lộc Nhân, Đại Tài, Hiếu Nhân và Hưng Phước.
Ông Lê Thanh Hạo Nhiên tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022.
|
Tham vọng và xuống dốc
Tại một diễn đàn về chủ đề M&A tổ chức cuối năm 2022, ông Nhiên – lúc đó vẫn là Giám đốc Tài chính Lộc Trời – nhắc đến kế hoạch triển khai M&A như là bước đi giúp Tập đoàn chiếm lĩnh thêm khu vực hạ nguồn của ngành sản xuất lúa gạo, sau khi đã đạt ưu thế ở khâu đầu nguồn (giống, vật tư nông nghiệp).
Nhưng trong khi doanh thu mảng gạo – vốn có biên lợi nhuận rất mỏng – liên tục tăng trưởng sau đó, thì mảng truyền thống luôn mang về phần lớn tiền lãi cho Lộc Trời là thuốc bảo vệ thực vật lại cho thấy những rạn nứt.
Từ năm 2022, Lộc Trời và công ty hóa chất nông nghiệp Syngenta đã chấm dứt mối hợp tác kéo dài hơn một thập kỷ giữa 2 bên. Doanh thu ngành thuốc bảo vệ thực vật Lộc Trời trong năm đó đã giảm gần 18%.
Còn trong quý 1/2024, doanh thu mảng này giảm đến 40% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, doanh thu mảng lúa gạo tăng gần gấp đôi.
Kết quả kinh doanh của Lộc Trời trong quý 2 năm nay chưa được tiết lộ bởi công ty vẫn chưa công bố các BCTC liên quan.
Thông tin mới nhất có được từ người trong cuộc, vào một sự kiện tối 6/10, Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn cho biết tình hình Lộc Trời đang cực kỳ khó khăn, nhưng ông sẽ cố gắng tái tổ chức để hãng này tập trung trở lại vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi.