SoftBank đầu tư 500 triệu USD vào OpenAI với định giá 150 tỷ USD
SoftBank đầu tư 500 triệu USD vào OpenAI với định giá 150 tỷ USD
SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son vừa quyết định đầu tư 500 triệu USD vào OpenAI - công ty đứng sau chatbot nổi tiếng ChatGPT. Khoản đầu tư này là một phần của vòng gọi vốn khổng lồ trị giá 6.5 tỷ USD, dự kiến sẽ kết thúc trong tuần này và đưa giá trị của OpenAI lên mức 150 tỷ USD.
Tỷ phú Masayoshi Son
|
Theo nguồn tin thân cận, SoftBank sẽ thực hiện đầu tư thông qua Quỹ Vision thứ hai - một phương tiện đầu tư lớn vào các công ty khởi nghiệp, hiện chủ yếu bao gồm tài sản cá nhân của Son. Đây được xem là bước đi quan trọng trong chiến lược "phản công" của SoftBank, nhằm tận dụng làn sóng công nghệ AI đang bùng nổ.
Tập đoàn Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư khởi nghiệp năng nổ nhất trong những năm trước 2022, thời điểm mà giá trị của các công ty công nghệ trẻ tăng vọt, thường là ở mức không bền vững. Khoản đầu tư khoảng 14 tỷ USD của SoftBank vào WeWork và mối quan hệ thân thiết của Son với người sáng lập Adam Neumann đã trở thành biểu tượng cho sự thái quá của giai đoạn đó sau khi công ty chia sẻ không gian làm việc này sụp đổ từ mức định giá đỉnh điểm 47 tỷ USD vào năm 2019.
Sau một thời gian thu hẹp, SoftBank đã tăng cường đầu tư vào AI, với Son tuyên bố đã đến lúc "phản công" để tận dụng công nghệ mới.
SoftBank là chủ sở hữu chính của công ty thiết kế chip Arm có trụ sở tại Anh, và Son đã nói về tham vọng sử dụng nó làm trung tâm trong một mạng lưới các công ty thúc đẩy AI.
Sự góp mặt của nhiều ông lớn
Vòng gọi vốn này của OpenAI thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, bao gồm quỹ đầu tư mạo hiểm Thrive Capital và gã khổng lồ công nghệ Microsoft. Tuy nhiên, nó diễn ra trong bối cảnh đầy biến động của OpenAI, khi công ty vừa chứng kiến sự ra đi của nhiều lãnh đạo cấp cao, bao gồm Giám đốc công nghệ Mira Murati, Giám đốc nghiên cứu Bob McGrew và Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu Barret Zoph.
Bất chấp những biến động này, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lạc quan về tiềm năng của OpenAI. Họ đặt cược rằng công ty có thể tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực AI, vượt qua sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn như Google và Meta, cũng như các startup đầy triển vọng khác như Anthropic và Mistral.
Đồng thời, OpenAI cũng đang xem xét một cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp quan trọng. Theo đó, công ty có thể từ bỏ mô hình độc đáo hiện tại, trong đó các nhà đầu tư nắm giữ cổ phần trong một công ty con vì lợi nhuận, được quản lý bởi một hội đồng quản trị phi lợi nhuận. Thậm chí, CEO Sam Altman đang cân nhắc việc nắm giữ cổ phần trực tiếp trong công ty lần đầu tiên.