Giới chuyên gia cảnh báo ba rủi ro với thị trường chứng khoán Mỹ
Giới chuyên gia cảnh báo ba rủi ro với thị trường chứng khoán Mỹ
Theo Morgan Stanley, các rủi ro chính gồm: lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh, sức mạnh của đồng USD và tình trạng giá cổ phiếu được định giá quá cao.
Hoạt động tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)
|
Sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, các nhà đầu tư cổ phiếu đã hào hứng đón nhận sự trở lại của ông. Tuy nhiên, bất chấp đà tăng giá của cổ phiếu, thị trường chứng khoán vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Các chỉ số chứng khoán của Mỹ đã lập đỉnh mới, khi các nhà đầu tư kỳ vọng các chính sách mà ông Trump cam kết sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Dù xu hướng thị trường hiện tại vẫn lạc quan, Morgan Stanley đã chỉ ra ba yếu tố có thể gây bất lợi và làm đảo ngược đà tăng này.
Thứ nhất, theo Morgan Stanley, một trong những rủi ro lớn nhất là lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh. Ông Trump đắc cử đã tạo ra một đợt tăng lợi suất trái phiếu, khi Phố Wall dự báo các chính sách của ông sẽ thúc đẩy lạm phát, kéo theo việc giữ lãi suất ở mức cao.
Ngày 6/11, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng tới 21 điểm cơ bản lên 4,47%. Dù đà tăng này chưa đủ để khiến các nhà đầu tư cổ phiếu lo ngại, Morgan Stanley cảnh báo rằng nếu lợi suất tiếp tục tăng, thị trường cổ phiếu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Bên cạnh đó, lo ngại về thâm hụt ngân sách ngày càng lớn của Chính phủ Mỹ cũng đẩy lợi suất trái phiếu tăng cao hơn. Các nhà phân tích từ JPMorgan lưu ý đà tăng của thị trường chứng khoán sẽ gặp khó khăn khi lợi suất trái phiếu đạt mức gần 5%.
Thứ hai, sức mạnh đồng USD có thể gây khó khăn cho các cổ phiếu lớn. Sau khi ông Trump đắc cử, chỉ số USD của Bloomberg đã tăng mạnh nhất trong bốn năm qua, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2023. Đồn đoán lãi suất sẽ giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn dưới thời ông Trump cũng là nhân tố hỗ trợ đồng bạc xanh.
Trong khi đó, các đồng tiền khác đã giảm giá so với USD do lo ngại rằng Tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ. Morgan Stanley cho rằng nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên với tốc độ như hiện tại cho đến cuối năm, điều này sẽ làm chậm lại quá trình tăng trưởng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia trong quý IV/2024 và trong năm 2025.
Thứ ba là tình trạng giá cổ phiếu được định giá quá cao. Theo Morgan Stanley, chỉ số S&P 500 đang bị "thổi phồng" do kỳ vọng của các nhà đầu tư vào các xu hướng mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), thay vì trên các yếu tố tài chính cơ bản của các công ty trong chỉ số này.
Morgan Stanley nhận định đà tăng của chỉ số S&P 500 hiện không hoàn toàn phù hợp với sự điều chỉnh lợi nhuận của các công ty trong chỉ số. Để đà tăng trưởng này tiếp tục, cần có các dữ liệu xác nhận rằng nền kinh tế hoặc các doanh nghiệp thực sự phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Các nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính Piper Sandler cho rằng, dù giá cổ phiếu đang được định giá cao, nhưng đây không phải tín hiệu dự báo thị trường sẽ suy giảm. Theo các nhà phân tích này, cần phải có yếu tố mạnh mẽ, như lãi suất hoặc lạm phát tăng đột ngột, mới có thể tác động tiêu cực đến thị trường./.
Trà My