Khi sự ảm đạm và nghi ngờ đang cùng xuất hiện trên thị trường chứng khoán
Khi sự ảm đạm và nghi ngờ đang cùng xuất hiện trên thị trường chứng khoán
Đo lường về vòng quay thanh khoản của HOSE cho thấy sự ảm đạm của giai đoạn chân sóng đầu năm 2023 đang quay trở lại. Dù chưa thể khai thông được dòng tiền, vẫn đang có những cơ hội xuất hiện trên thị trường.
Sự ảm đạm thanh khoản đã gần giống chân sóng năm 2023
Trong những phiên giao dịch đầu tháng 11/2024, sàn HOSE chỉ có được quy mô giao dịch bình quân (bao gồm cả thỏa thuận) gần 13,700 tỷ đồng/phiên, mức thấp nhất kể từ sau tháng 5/2023. Tâm lý của số đông nhà đầu tư trên thị trường đã trở nên "ngán ngẩm" với chuỗi vận động của thị trường.
Tuy nhiên, sự ảm đạm của thị trường trong giai đoạn hiện tại khó có thể so sánh được với giai đoạn đầu năm 2023, bởi đó là thời điểm nhà đầu tư vừa phải trải qua cú sốc lớn sau khi chỉ số VN-Index đã giảm 32.78% trong năm 2022, mức thiệt hại lớn thứ hai trong lịch sử.
Trong khi đó, quy mô vốn hóa của HOSE ở thời điểm hiện tại đã tăng hơn 20% so với giai đoạn đầu năm 2023, lên trên 5 triệu tỷ đồng.
Một thước đo phản ánh sự sôi động của thị trường có tính đến vốn hóa là Turnover ratio (Giá trị giao dịch/Vốn hóa thị trường) sẽ đưa ra những cái nhìn chính xác hơn cho nhà đầu tư. Theo đó, Turnover ratio của HOSE bình quân các phiên tháng 11/2024 đã về gần sát mức bình quân của tháng 04/2023.
Thực tế, giai đoạn ảm đạm nhất của thị trường trong 2 năm trở lại đây rơi vào tháng 03/2023 với Turnover ratio bình quân ở mức 0.22%. Nếu thị trường lặp lại sự ảm đạm như giai đoạn tháng 3/2023, tổng giá trị giao dịch bình quân của HOSE có thể sẽ giảm xuống quanh mức 11,000 tỷ đồng.
Đây cũng sẽ là một kịch bản "khá buồn" với nhà đầu tư bởi trong giai đoạn đầu năm 2023, chúng ta đã mất tới hơn 5 tháng đầu năm 2023 để thị trường có dòng tiền quay trở lại và xác nhận xu hướng tăng.
Những sự hoài nghi vẫn xuất hiện
"Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn". Một trong những câu nói nổi tiếng của Sir John Templeton vẫn đúng trong vận động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kể cả trong giai đoạn ảm đạm như đầu năm 2023, thị trường vẫn có những cơ hội riêng biệt ở nhóm cổ phiếu Đầu tư công sau sự kiện đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần của dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2.
Ở giai đoạn hiện tại, HOSE cũng xuất hiện những cổ phiếu khơi lên sự hoài nghi cho nhà đầu tư. Một số mã đã tăng tốt từ đầu tháng 11/2024 như VTP (+21%), TLG (+15%), SZC (+9%), HVN (+6.7%), MSH (+5.8%). Trong đó, VTP đã lập kỷ lục thời đại mới còn TLG cũng đang trên đường chinh phục đỉnh mới.
Được biết, VTP vừa có thông tin đầu tư Dự án Công viên Logistics Viettel tại tỉnh Lạng Sơn. Công ty có kế hoạch đưa dự án này vào hoạt động vào năm 2025, tuy nhiên vốn đầu tư của dự án này vẫn chưa được công bố.
Với TLG, nhờ động lực từ xuất khẩu, doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số (CĐTS) trong 9 tháng đầu năm 2024 lần lượt tăng 14% và 53%.
Nhìn rộng hơn, sau phiên giao dịch 08/11, xu hướng tăng ngắn hạn của một số cổ phiếu đã có sự cải thiện với tỷ lệ 43% mã đã vượt trên MA20 trên HOSE.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết: “Rủi ro bầu cử đã qua đi nhưng tâm lý của nhà đầu tư trong nước đang nhìn nhau và dè chừng nhau. Trong khi đó, nhóm vốn hóa lớn vẫn gặp áp lực bán ròng của khối ngoại dù đã giảm quy mô bán ròng so với đầu năm. Đây là điều vẫn phải chấp nhận khi dòng tiền không chỉ rút khỏi Việt Nam mà còn ở các thị trường khác.
Có thể, cổ phiếu large cap cần hạ độ cao. Nhưng không loại trừ, thị trường vẫn có sóng Mid Cap và Small Cap dù VN-Index chưa chinh phục thành công mốc 1,300 điểm.”
Nhìn chung, vị chuyên gia từ Chứng khoán Yuanta kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc trong giai đoạn cuối năm 2024.