Robert Z. Lawrence: Không Tổng thống nào có thể hồi sinh triển vọng việc làm của ngành sản xuất ở Mỹ
Robert Z. Lawrence: Không Tổng thống nào có thể hồi sinh triển vọng việc làm của ngành sản xuất ở Mỹ
Cả Donald Trump lẫn Kamala Harris đều không nên quảng bá ngành sản xuất như một phương tiện thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và tạo việc làm cho người lao động có kỹ năng thấp. Thời kỳ mà ngành này đóng vai trò quan trọng đã qua lâu rồi và không có chính sách nào có thể mang nó trở lại.
Ngành sản xuất không còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng
Nguồn: The Project Syndicate
Trong chặng cuối cuộc đua tổng thống Mỹ, Donald Trump và Kamala Harris đều đang đưa ra các kế hoạch cạnh tranh nhằm tạo việc làm cho những công nhân thuộc tầng lớp trung lưu không có bằng đại học bằng cách hồi sinh ngành sản xuất. Tuy nhiên, các ứng cử viên không chỉ đang lợi dụng nỗi hoài niệm của cử tri về một thời kỳ đã qua, mà họ còn đang phớt lờ sự thật rằng ngành sản xuất giờ đây không còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và tạo cơ hội việc làm.
Trump đề xuất xóa bỏ thâm hụt thương mại của Mỹ bằng cách áp đặt mức thuế cao. Ông đổ lỗi cho sự suy giảm lâu dài cơ hội việc làm trong ngành sản xuất Mỹ là do các hiệp định thương mại kém hiệu quả và các hành vi không công bằng của các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Ông lập luận rằng việc đóng cửa nền kinh tế bằng các rào cản thương mại sẽ đảo ngược xu hướng.
Về phần Harris, bà muốn tăng cường các chính sách công nghiệp của chính quyền Biden bằng cách đề xuất thêm 100 tỷ USD trợ cấp liên bang cho các ngành công nghiệp sản xuất trong tương lai.
Mô hình chữ U ngược chi phối quá trình phát triển
Những chính sách trên của các ứng viên tổng thống thật sự thiển cận. Họ bỏ qua thực tế rằng sự suy giảm tỷ trọng của việc làm trong ngành sản xuất so với tổng số việc làm – từ 30% vào những năm 1970 xuống chỉ còn 8% như hiện nay – phản ánh các yếu tố mang tính cấu trúc như tự động hóa, tăng năng suất và sự chuyển dịch trong nhu cầu từ hàng hóa sang dịch vụ (điều này xảy ra một cách tự nhiên khi nền kinh tế phát triển).
Đã có những sự suy giảm tương tự ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi khác, ngay cả những nước có thặng dư thương mại sản xuất lớn như Đức, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc. Những xu hướng này đặt ra nghi vấn về quan điểm của Trump rằng thu hẹp thâm hụt thương mại là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực sản xuất.
Hơn nữa, tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực sản xuất đang giảm ở các nền kinh tế phát triển, bất kể cách tiếp cận chính sách công nghiệp tổng thể của họ. Xu hướng này có thể thấy rõ ở cả những nền kinh tế áp dụng chính sách thị trường tự do (như Hồng Kông, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Đức) cũng như ở các quốc gia áp dụng chính sách can thiệp (như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc). Những bằng chứng này tiếp tục đặt ra nghi vấn về nhận định rằng chính các chính sách tân tự do là nguyên nhân gây mất việc làm trong lĩnh vực sản xuất hay các chính sách công nghiệp can thiệp thô bạo có thể đảo ngược đáng kể xu hướng suy giảm này.
Những bài học tương tự cũng có thể được rút ra từ chính trải nghiệm của nước Mỹ. Xu hướng giảm tỷ trọng việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã rõ ràng tại Mỹ từ những năm 1950 và 1960 khi thương mại quốc tế chỉ đóng vai trò nhỏ trong nền kinh tế. Xu hướng này vẫn tiếp diễn từ năm 2019 đến 2024, ngay cả khi chính quyền Biden duy trì các mức thuế của Trump và theo đuổi các chính sách công nghiệp can thiệp nhiều hơn. Dù vậy, việc làm trong lĩnh vực sản xuất chỉ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 1%.
Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn. Ngay cả sau khi các chính sách của chính quyền Biden được thông qua, Bộ Lao động Mỹ vẫn dự báo tỷ trọng việc làm trong sản xuất sẽ giảm trong thập kỷ tới.
Lịch sử cho thấy khi nền kinh tế phát triển, tỷ trọng việc làm trong sản xuất sẽ đi theo mô hình chữ U ngược: sau khi tăng lên trong giai đoạn phát triển ban đầu, tỷ trọng này sẽ giảm dần khi quá trình phát triển tiếp diễn.
Hiện nay, nhiều quốc gia đang đi xuống phía bên phải của đường cong này. Xu hướng việc làm trong sản xuất của họ giống như những gì đã diễn ra trước đó trong ngành nông nghiệp. Khi nông nghiệp trở nên hiệu quả hơn, cần ít nông dân hơn vì nhu cầu chỉ tăng ở một mức độ nhất định khi thực phẩm trở nên rẻ hơn. Tương tự, khi sản xuất trở nên hiệu quả hơn, hàng hóa sẽ rẻ hơn nhưng nhu cầu đối với hàng hóa không tăng tương ứng, người dân dành nhiều thu nhập hơn cho dịch vụ và cần ít lao động sản xuất hơn. Trong cả hai trường hợp, xuất khẩu có thể tạo ra thêm nhu cầu nhưng không đủ để duy trì sự tăng trưởng việc làm mãi mãi.
Trong khi đó, những thay đổi công nghệ đã chuyển nhu cầu lao động trong ngành sản xuất sang nhóm lao động có trình độ cao hơn. Những người Mỹ lớn tuổi có thể còn nhớ về thời điểm (cách đây vài thập kỷ) khi các công việc trong nhà máy mang lại mức lương và phúc lợi tốt cho nhiều lao động chỉ có trình độ trung học hoặc thấp hơn. Nhưng ngày nay, công việc sản xuất ngày càng đòi hỏi người lao động có ít nhất bằng cấp đại học và quá trình này dường như sẽ còn tiếp diễn.
Một mục tiêu trọng tâm của các chính sách công nghiệp ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển là thúc đẩy công nghệ sản xuất mới. Nhiều quốc gia muốn làm chủ các công nghệ kỹ thuật số để tiết kiệm lao động như robot, in 3D, các công nghệ chuyên sâu như công nghệ nano và vật liệu tiên tiến, cùng các công nghệ xanh như xe điện (về cơ bản là máy tính di động). Mặc dù những tác động toàn diện của trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn chưa rõ ràng nhưng phần lớn các ứng dụng của nó sẽ làm tăng yêu cầu về kỹ năng và học vấn của lao động.
Đó là lý do tại sao chính quyền tiếp theo của nước Mỹ nên nhấn mạnh các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và hòa nhập trên toàn bộ nền kinh tế. Điều này bao gồm hỗ trợ điều chỉnh công việc và tìm kiếm việc làm, bảo hiểm bù đắp thu nhập cho người lao động mất việc, trợ cấp đào tạo kỹ năng và các chương trình học nghề nhằm trang bị cho lao động công việc có thu nhập trung bình. Các chính sách cơ cấu của Mỹ cũng nên được mở rộng và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của cộng đồng.
Chắc chắn rằng, ngành sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nền tảng vật chất cho nền kinh tế số, chẳng hạn như các chất bán dẫn cho AI (mà sản xuất trong nước có thể quan trọng đối với an ninh quốc gia), cũng như pin mặt trời, tua-bin gió và xe điện để giảm lượng phát thải carbon. Tuy nhiên, ngành này không nên được quảng bá như một phương tiện thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và tạo cơ hội việc làm cho người lao động có kỹ năng thấp.
* Bài viết thể hiện quan điểm của Robert Z. Lawrence
Giới thiệu về tác giả Robert Z. Lawrence
Robert Z. Lawrence, Giáo sư tại Đại học Harvard và từng là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế (Council of Economic Advisers - CEA) của Tổng thống Mỹ từ năm 1998 đến năm 2000.
Ông cũng là tác giả của cuốn sách "Behind the Curve: Can Manufacturing Still Provide Inclusive Growth?" (Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, 2024).
Nguồn: Wikipedia