Thấy gì qua cán cân thanh toán quốc tế quí 3-2024?

23/12/2024 08:18
23-12-2024 08:18:00+07:00

Thấy gì qua cán cân thanh toán quốc tế quí 3-2024?

Tình hình cán cân thanh toán tổng thể có chuyển biến tích cực hơn, với mức độ thâm hụt đã thu hẹp trong quí 3 vừa qua, nhưng vẫn còn đó một số điểm tiêu cực đáng chú ý và cần sớm có giải pháp hiệu quả để cải thiện.

Lỗi và sai sót trên cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam công bố gần đây tiếp tục phát sinh hơn 4,8 tỉ đô la Mỹ trong quí 3-2024, nâng lũy kế ba quí đầu năm 2024 lên con số 16,6 tỉ đô la Mỹ.

Thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể thu hẹp

Lỗi và sai sót trên cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam theo dữ liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố gần đây tiếp tục phát sinh hơn 4,8 tỉ đô la Mỹ trong quí 3-2024, nâng lũy kế ba quí đầu năm 2024 lên con số 16,6 tỉ đô la Mỹ; trong đó, riêng quí 1 đã chiếm gần một nửa với hơn 8,2 tỉ đô la Mỹ. Nếu so với cùng kỳ quí 3-2023, lỗi và sai sót trong quí 3-2024 đã giảm 18%, nhưng xét theo kỳ lũy kế ba quí thì vẫn đang tăng 19,4%, chủ yếu bởi số phát sinh lớn trong quí 1.

Dù lỗi và sai sót vẫn neo ở mức cao, nhưng cán cân thanh toán tổng thể trong quí 3 vừa qua chỉ còn ghi nhận thâm hụt 59 triệu đô la, giảm mạnh so với mức thâm hụt gần 6,1 tỉ đô la của quí 2-2024 và cũng thấp hơn nhiều so với mức thâm hụt gần 1,4 tỉ đô la của cùng kỳ quí 3-2023. Đây là tín hiệu khá tích cực, cho thấy mức độ sử dụng dự trữ ngoại hối của NHNN để can thiệp hỗ trợ thị trường ngoại hối trong quí 3 đã giảm đáng kể so với quí 2, trong bối cảnh giá đô la Mỹ trong nước cũng liên tục đi xuống trong quí 3. Cụ thể, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã giảm xấp xỉ 3% trên cả thị trường chính thức lẫn phi chính thức trong giai đoạn này.

Có ba yếu tố chính tác động tích cực lên cán cân thanh toán quốc tế trong quí 3 vừa qua.

Đầu tiên là cán cân vãng lai thặng dư lớn gần 7,8 tỉ đô la; trong đó đóng góp chính ở con số xuất siêu hàng hóa (tính theo giá FOB) lên đến 13,6 tỉ đô la trong quí 3, cao hơn rất nhiều so với mức xuất siêu 8,7 tỉ đô la của quí 2 cũng như gần 11,9 tỉ đô la của quí 1. Diễn biến này càng củng cố xu hướng cho thấy đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi vững chắc.

Tình trạng lỗi và sai sót vẫn duy trì lớn là một trong những yếu tố khiến cán cân vãng lai dù thặng dư lớn nhưng cán cân thanh toán vẫn thâm hụt, góp phần gây áp lực lên tỷ giá khiến nhà điều hành phải sử dụng dự trữ ngoại hối để tăng cung ngoại tệ cho thị trường. Cần hạn chế tình trạng nhập lậu hàng hóa cũng như giám sát, ngăn chặn các hoạt động chuyển ngân lậu ra nước ngoài.

Ở cán cân tài chính, dữ liệu từ NHNN ghi nhận thâm hụt hơn 3 tỉ đô la trong quí 3, giảm mạnh so với mức thâm hụt gần 6,9 tỉ đô la trong quí 2; trong đó, đóng góp tích cực nhất vẫn là ở hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót ròng 5 tỉ đô la, cao hơn con số 4,85 tỉ đô la của quí 2 và 3,55 tỉ đô la của quí 1. Trong khi đó, lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) chỉ còn bị rút ròng 963 triệu đô la, tuy có cao hơn mức 517 triệu đô la trong quí 1 nhưng đã giảm mạnh so với mức gần 2,2 tỉ đô la trong quí 2.

Bên cạnh đó, đáng lưu ý nhất là ở khoản mục đầu tư khác. Trong khi khoản mục tiền và tiền gửi ở khu vực dân cư tiếp tục gửi ra nước ngoài 2,5 tỉ đô la, cao hơn so với quí 1 và quí 2 đều ở mức 2,3 tỉ đô la, thì ngược lại tiền và tiền gửi của các tổ chức tín dụng chuyển ra nước ngoài giảm mạnh từ mức hơn 3 tỉ đô la trong quí 2 xuống chỉ còn 355 triệu đô la trong quí 3. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh lãi suất cơ bản đô la Mỹ đến 0,5 điểm phần trăm từ ngày 19-9, trong khi lãi suất đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng ở trong nước vẫn neo cao, có lẽ cũng ảnh hưởng đến dòng tiền gửi ra nước ngoài của các tổ chức tín dụng trong nước.

Những điểm đáng chú ý

Tuy tình hình cán cân thanh toán tổng thể có chuyển biến tích cực hơn với mức độ thâm hụt đã thu hẹp trong quí 3 vừa qua như đã nói, vẫn cần phải lưu ý một số điểm sau:

Đầu tiên là trong khi dòng vốn FDI rót ròng vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng ổn định, dòng vốn FII vẫn chưa thoát khỏi xu hướng bị rút ròng.

Đây cũng là thực trạng chung của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong hai năm qua, trước xu hướng đô la Mỹ mạnh lên do Fed tăng lãi suất làm tăng rủi ro mất giá đồng bản tệ của các nước này, gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn FII. Ngoài ra, các kênh đầu tư như thị trường chứng khoán (TTCK) ở các nước phát triển như Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ hơn cũng lôi kéo dòng vốn FII về lại các nước phát triển.

Cụ thể, sau khi chứng kiến lượng vốn FII rót ròng vào Việt Nam hơn 1,5 tỉ đô la trong năm 2022, tình hình năm 2023 đã bị đảo chiều khi dòng vốn này bị rút ròng gần 1,2 tỉ đô la. Đặc biệt, chỉ mới chín tháng đầu năm nay, Việt Nam tiếp tục bị rút ròng gần 3,7 tỉ đô la; trong đó, trong quí 2 bị rút gần 2,2 tỉ đô la. Đây cũng là giai đoạn mà tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong nước chịu áp lực lớn nhất, trước khi hạ nhiệt đáng kể trong quí 3.

Trước khả năng Fed có thể làm chậm lại lộ trình giảm lãi suất trong năm 2025, trong khi đô la Mỹ có thể được hỗ trợ mạnh lên từ các chính sách thúc đẩy kinh tế, lôi kéo dòng vốn đầu tư đến Mỹ và khả năng Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump áp các hàng rào thuế quan mới lên các đối tác thương mại của Mỹ, đồng bản tệ của nhiều nước được dự báo sẽ vẫn chịu áp lực trong năm 2025, theo đó tiếp tục ảnh hưởng đến dòng vốn FII có tính chất ngắn hạn.

Dù vậy, đối với Việt Nam, kỳ vọng được FTSE Russell nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi, dự kiến từ tháng 9-2025, có thể hạn chế bớt tác động này. Theo giới phân tích, với việc nâng hạng, TTCK sẽ thu hút dòng vốn FII thêm 20-22 tỉ đô la đến năm 2030. Ngoài ra, các kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dự kiến sẽ được đẩy mạnh trong năm 2025 bởi đây là năm cuối trong lộ trình năm năm giai đoạn 2021-2025, từ đó cũng giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở lại.

Điểm chú ý kế tiếp là việc nhà điều hành đã phải bán một lượng ngoại tệ lớn để hỗ trợ tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong năm nay, với giá trị xấp xỉ gần 7,5 tỉ đô la trong chín tháng đầu năm, trong đó tập trung chủ yếu cũng ở quí 2 với gần 6,1 tỉ đô la. Tuy giá trị bán ra trong chín tháng qua vẫn thấp hơn nhiều so với con số bán ra hơn 22,7 tỉ đô la trong năm 2022, nhưng diễn biến này cũng là… đảo chiều so với giá trị mua ròng hơn 5,6 tỉ đô la đạt được trong năm 2023.

Dù một số dự báo trước đây cho rằng NHNN có thể mua ròng ngoại tệ trở lại trong quí 4 năm nay, nhưng tình hình tỷ giá bắt đầu nổi sóng trở lại từ tháng 10 đã khiến NHNN vào những ngày cuối tháng 10 thông báo sẽ bán ngoại tệ giao ngay trở lại, nhất là khi Kho bạc Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ để thanh toán trái phiếu quốc tế đến hạn. Do đó, khả năng dự trữ ngoại hối thời gian qua đã tiếp tục suy giảm.

Tình trạng lỗi và sai sót vẫn duy trì lớn là một trong những yếu tố khiến cán cân vãng lai dù thặng dư lớn nhưng cán cân thanh toán vẫn thâm hụt, góp phần gây áp lực lên tỷ giá khiến nhà điều hành phải sử dụng dự trữ ngoại hối để tăng cung ngoại tệ cho thị trường. Vì vậy, vấn đề chính cần xử lý vẫn là phải có cơ chế, chính sách, giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng nhập lậu hàng hóa cũng như giám sát, ngăn chặn các hoạt động chuyển ngân lậu ra nước ngoài.

Tuệ Nhiên

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

NCB ra mắt thẻ Visa phiên bản giới hạn, chào mừng 50 năm thống nhất Đất nước

Trong không khí hân hoan trên khắp cả nước kỷ niệm 50 năm thống nhất Đất nước (30/04/1975 - 30/04/2025), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) tự hào ra mắt sản...

ĐHĐCĐ BVBank 2025 – Linh hoạt nắm bắt cơ hội kinh doanh, đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 41%

Ngày 24/04/2025, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2025 với nhiều nội dung quan trọng được đệ trình và thông qua.

Nhà đầu tư theo trường phái trading, quản lý tiền như thế nào để hiệu suất tốt nhất

Với những nhà đầu tư theo trường phái trading, thành công không chỉ nằm ở khả năng dự đoán thị trường, mà còn phụ thuộc rất lớn vào cách quản lý tiền hiệu quả. Với...

Thống đốc NHNN nói về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo lập khuôn khổ...

Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của VPBank và FE CREDIT, nâng triển vọng của FE CREDIT lên “Ổn định”

Ngày 24/04/2025, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Ratings vừa công bố kết quả đánh giá mới nhất đối với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE:...

Tỷ giá ngày 24/4: Giá USD tại ngân hàng thương mại tiếp tục tăng

Ghi nhận vào lúc 8 giờ 50 sáng 24/4, tỷ giá USD tại Vietcombank niêm yết ở mức 25.814-26.174 VND/USD (mua vào-bán ra), tăng 33 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với...

Đồng đô la Mỹ thấp nhất ba năm tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?

Đồng đô la Mỹ yếu hơn được nhận định tạo dư địa linh hoạt cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng...

Sau ngày 31/7, ngân hàng Big5 sẽ chặn đứng tài khoản lừa đảo

Thông qua AI, các ngân hàng trước khi chuyển tiền phải kiểm tra tài khoản nhận có dấu hiệu lừa đảo hay không. Nếu phát hiện có dấu hiệu, hệ thống sẽ chặn giao dịch...

Tỷ giá ngày 22/4: Giá USD tại ngân hàng thương mại quay đầu tăng

Ghi nhận vào lúc 8 giờ 30 sáng 23/4, tỷ giá USD tại Vietcombank niêm yết ở mức 25.781-26.141 VND/USD (mua vào-bán ra), tăng 71 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với...

PYN Elite Fund không còn là cổ đông sở hữu 1% vốn tại TPBank

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) vừa cập nhật danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Theo đó, PNY Elite Fund không còn trong danh sách này...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH

Dầu giảm 2% khi OPEC+ có thể đẩy nhanh tăng sản lượng

Dầu giảm 2% khi OPEC+ có thể đẩy nhanh tăng sản lượng

Giá dầu giảm 2% vào ngày thứ Tư (23/04), khi nhiều nguồn tin cho biết OPEC+ sẽ xem xét tăng tốc độ tăng sản lượng dầu vào tháng 6, nhưng đà giảm đã bị kìm hãm sau khi có báo cáo rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cắt giảm thuế đối với hang nhập khẩu Trung Quốc.




Hotline: 0908 16 98 98