10 Khẩu quyết phân tích kỹ thuật (Kỳ 2): Tính chất chu kỳ - Đừng đến khi tiệc tàn!
10 Khẩu quyết phân tích kỹ thuật (Kỳ 2): Tính chất chu kỳ - Đừng đến khi tiệc tàn!
Bạn đã bao giờ đến một bữa tiệc khi mọi người đã ra về? Thị trường chứng khoán cũng giống như một bữa tiệc vậy, cũng có những chu kỳ lên xuống của riêng mình, và nếu bạn không đến đúng lúc, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội kiếm lời. Việc xác định các giai đoạn trong chu kỳ thị trường có thể giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu về chu kỳ thị trường và cách ứng dụng nó trong đầu tư chứng khoán để không đến bữa tiệc quá muộn nhé!
* 10 Khẩu quyết phân tích kỹ thuật (Kỳ 1): Kháng cự/Hỗ trợ - "Bí kíp" vượt thời gian
Nhảy theo điệu nhạc của thị trường
Cũng giống như một bản nhạc có nhịp điệu, thị trường chứng khoán cũng vận động theo những chu kỳ nhất định. Mỗi chu kỳ là một "vũ điệu" của giá cổ phiếu, và nếu bạn biết cách "nhảy" theo điệu nhạc đó, bạn sẽ thu được lợi nhuận.
Mỗi chu kỳ thị trường thường bao gồm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn "Khai tiệc": Tích lũy
Đây là giai đoạn thị trường "nghỉ ngơi" sau một cú "sập sàn" mạnh. Giá cổ phiếu đi ngang, giống như buổi tiệc đang bắt đầu đón những vị khách đầu tiên đến tham dự, không khí vẫn còn khá trầm lắng và có phần thiếu sự náo nhiệt nhưng đây cũng chính là lúc những nhà đầu tư thông minh "âm thầm" mua vào, chờ đợi thời cơ.
- Giai đoạn "Cao trào": Tăng giá
Lúc này thị trường bừng tỉnh và giá cổ phiếu tăng vọt như một tên lửa để quay lại xu hướng tăng trưởng mới. Đây là lúc bữa tiệc thực sự bắt đầu! Các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường, tâm lý lạc quan lan tỏa và mọi người đều phấn khích.
- Giai đoạn "Tàn tiệc": Phân phối
Bữa tiệc đang ở đỉnh điểm, mọi người vui vẻ tận hưởng thành quả trong trạng thái tâm lý tích cực cao trào. Giá cổ phiếu vẫn tăng nhưng chậm hơn, giống như điệu nhạc bắt đầu dịu lại. Các nhà đầu tư lớn bắt đầu "rút lui" trong lặng lẽ.
- Giai đoạn "Ra về": Giảm giá
Đèn tắt, nhạc dừng và bữa tiệc kết thúc. Giá cổ phiếu lao dốc, nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo. Nếu bạn không muốn "mất trắng", hãy "rời khỏi bữa tiệc" trước khi quá muộn.
Biểu đồ giá của VN-Index giai đoạn năm 2000-2024
Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Tính chất mùa vụ (Seasonality)
Tính mùa vụ còn được gọi là chu kỳ hàng năm (Theo năm dương lịch 12 tháng) hay chu kỳ của Mặt Trời, được J.M. Hurst (“cha đẻ” của phân tích chu kỳ hiện đại) nhận định là dạng chu kỳ tự nhiên tuân theo các Nguyên lý chung (Principles of Commonality)* giống như các chu kỳ cố định khác.
Tính mùa vụ là một dạng chu kỳ phổ biến nhất được ứng dụng trong phân tích vì nó hiện diện ở hầu hết mọi thị trường. Nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa. Mặc dù ít ảnh hưởng hơn, nhưng tính mùa vụ cũng được chứng minh sự tồn tại trong thị trường ngoại hối, trái phiếu và cổ phiếu.
Ứng dụng trong thực tế, quan sát hiệu suất trung bình/trung vị chỉ số ngành kim loại tại thị trường Việt Nam giai đoạn 2010 đến nay có thể thấy hàng năm ngành này sẽ có 3 lần hiệu suất đạt đỉnh quanh mức 4-7% trong tháng (tháng 2, tháng 8 và tháng 12) và 2 lần chạm đáy hiệu suất vào các tháng 7 và 10. Từ dây, có thể thấy phân tích này giúp chúng ta trả lời câu hỏi: "Tháng nào mang lại cơ hội tốt nhất cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ngành Kim loại và khai khoáng?".
Nguồn: VietstockFinance
Kết hợp thêm với biểu đồ tổng hợp (Composite Chart) chia hiệu suất giá lịch sử thành các lát cắt thời gian theo một chu kỳ chung (thường là một năm) và chồng các lát cắt này lên nhau. Mỗi lát cắt đại diện cho một năm trong khoảng thời gian phân tích. Đường trung bình được hiển thị bằng đường đậm hơn để làm nổi bật mô hình chung của chu kỳ. Biểu đồ này cung cấp cho chúng ta cái nhìn thực tế hơn về mức độ tương quan theo mùa trong từng năm và ta có thể thấy tương quan thuận chiều về hiệu suất các tháng trong năm 2024 so với hiệu suất trung bình ở mức khá tốt nên khả năng ngành này có thể đạt được hiệu suất tích cực trong tháng 11 và 12 có xác suất khá cao.
Nguồn: VietstockFinance
*Chú thích: Các nguyên lý chung của Hurst bao gồm: Nguyên lý danh định (Nominality), Nguyên lý biến thiên (Variability), Nguyên lý đồng bộ (Synchronicity), Nguyên lý sóng hài hòa (Harmonicity), Nguyên lý cộng hưởng (Summation), Nguyên lý tỷ lệ (Proportionality).
Cơ hội sinh lời tốt khi xác định được chu kỳ tạo đáy
Đúng như thành ngữ "Trâu chậm uống nước đục". Việc không xác định được đáy hình thành sớm sẽ khiến các nhà đầu tư luôn là người đến bữa tiệc náo nhiệt cuối cùng. Vậy thì đâu là công cụ gọn nhẹ để xác định chu kỳ ngoài việc sử dụng các phương pháp thống kê hiệu suất đã nêu?
Fibonacci Time Zones có thể là một lựa chọn tốt cho nhà phân tích xác định thời điểm đảo chiều của giá dựa trên xu hướng hiện hành. Thông thường các vạch thời gian (màu xanh) sẽ tương ứng trùng với các đỉnh và các đáy quan trọng. Nếu các vạch của Fibonacci Time Zones đúng càng nhiều trong quá khứ thì càng có cơ sở để tin tưởng vào thời điểm đảo chiều do các vạch sau đó chỉ ra.
Người viết nhận thấy trong quá khứ HSG nhiều lần tạo đáy thành công ở gần các vạch thời gian của Fibonacci Time Zones. Gần nhất là các đáy dài hạn vào tháng 12/2011, tháng 4/2015 và tháng 3/2020. Sau khi tạo các đáy trên, giá cổ phiếu HSG đã leo dốc mạnh mẽ ngay sau đó từ 4-6 tháng.
Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Bên cạnh đó, công cụ Cycle Line cũng giúp ích khá tốt trong việc xác định các chu kỳ đỉnh/đáy cố định. Cụ thể, cổ phiếu HPG tuân thủ theo một chu kỳ tạo đáy khoảng 41 tháng ± 7 tháng. Vào đúng chu kỳ này, giá cổ phiếu HPG sẽ xuất hiện các đáy quan trọng và giá sẽ tăng khá mạnh ngay sau đó. Những vùng đáy kinh điển có thể kể đến như đáy tháng 1/2016, tháng 3/2020 và tháng 11/2022. Từ đó, người viết dự kiến chu kỳ đáy tiếp theo của HPG có thể rơi vào khoảng tháng 1/2026 – 3/2027.
Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Kết luận
Phân tích kỹ thuật là một bộ môn khoa học kết hợp hài hòa với tính nghệ thuật. Vì trên thực tế sẽ không có một phương pháp hoàn hảo nào giúp chúng ta xác định chính xác đỉnh và đáy một cách cụ thể mà luôn sẽ tồn tại những sai số nhất định do các chu kỳ có thể bị co hẹp, mở rộng hoặc bóp méo do tác động của các chu kỳ lớn hơn như Hurst đã đề cập trong quyển Cyclic Analysis: A Dynamic Approach to Technical Analysis của ông. Đây cũng chính là tiền đề cho yếu tố nghệ thuật được phát huy từ đó giúp cho diễn biến giá cổ phiếu tuy biến động một cách ngẫu nhiên và hỗn loạn nhưng ẩn sau đó là tính chất chu kỳ bất biến theo thời gian.
Đón đọc: 10 Khẩu quyết phân tích kỹ thuật (Kỳ 3): Head & Shoulders – Mẫu hình cấm bỏ qua!