Liệu AI tương lai có thể “vượt mặt” con người trong công việc?
Dịch vụ
Liệu AI tương lai có thể “vượt mặt” con người trong công việc?
Trí tuệ nhân tạo (AI) giờ không chỉ là xu hướng tương lai mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, điển hình như marketing, công nghệ thông tin và giáo dục. Theo dữ liệu khảo sát mới nhất JobsGO - nền tảng tuyển dụng & tìm việc hàng đầu Việt Nam, hơn 60% người lao động đang ứng dụng AI vào công việc, với lực lượng tiên phong là Gen Z. Vậy liệu AI trong tương lai có thể thay thế con người hay đóng vai trò là “ngọn lửa” soi đường, dẫn lối cho sự tiến bộ của nhân loại?
AI dần trở thành “bệ phóng” sự nghiệp tương lai
Làn sóng AI đang tràn ngập mọi ngóc ngách của đời sống, từ chatbot thông minh như ChatGPT có thể trò chuyện như người thật cho đến các hệ thống AI có khả năng tạo hình ảnh, viết code một cách đáng kinh ngạc. Các công ty công nghệ lớn như Microsoft, Google, Meta đều “rót” hàng tỷ đô la vào nghiên cứu và phát triển AI, tạo nên một cuộc đua không khoan nhượng.
Kết quả khảo sát của Microsoft công bố ngày 23/5/2024 cho thấy Việt Nam là quốc gia có tới 88% lao động tri thức sử dụng AI tạo sinh, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu là 75%.
Không nằm ngoài xu thế đó, khảo sát mới nhất của JobsGO với hơn 1,300 người lao động cũng đã chỉ ra 62.5% trong số họ ứng dụng AI thường xuyên vào công việc hàng ngày. Trong đó, lực lượng trẻ dưới 22 tuổi dùng AI chiếm tỷ lệ lớn nhất (87.3%), sau đó là độ tuổi 22 - 27 (74.5%). Không quá ngạc nhiên bởi thế hệ Gen Z lớn lên trong kỷ nguyên số, tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm và có khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi. Dữ liệu có sự phân hóa khá rõ khi nhóm lao động từ 35 tuổi trở lên coi AI là công cụ hỗ trợ trong quá trình làm việc chỉ chiếm 43%, đặc biệt là các vị trí việc làm online. Điều này đặt ra bài toán về việc làm sao để thu hẹp khoảng cách về nhận thức và kỹ năng.
![]() |
Tỉ lệ áp dụng công cụ AI giữa các ngành cũng có sự khác biệt rõ rệt. Điển hình, Marketing/Quảng cáo/PR dẫn đầu các ngành nghề về lượng người lao động sử dụng AI khi ghi nhận tỷ lệ vượt bậc 94.2%, tiếp theo là IT (88.9%) và Giáo dục/Đào tạo (67.4%). Nó không chỉ phản ánh xu hướng công nghệ toàn cầu mà còn cho thấy sự thích ứng nhanh chóng của các ngành trước làn sóng chuyển đổi số.
Trong lĩnh vực việc làm Marketing/Quảng cáo/PR, AI được ứng dụng rộng rãi để phân tích dữ liệu khách hàng, tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Cùng với đó, ngành IT tận dụng AI để phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến, từ tự động hóa quy trình đến xây dựng hệ thống máy học và trí tuệ nhân tạo.
Riêng với ngành Giáo dục/Đào tạo, AI đang trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc cá nhân hóa học tập, tạo các nội dung bài giảng linh hoạt và phát triển các nền tảng giáo dục trực tuyến. Việc áp dụng AI không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục cho nhiều đối tượng hơn.
Hơn 70% người lao động cho rằng AI là trợ thủ, không phải đối thủ!
Theo dữ liệu thống kê từ khảo sát của JobsGO, phần lớn người lao động đánh giá cao hiệu quả của AI tới công việc hàng ngày (71.2%). Nói cách khác, AI đã và đang đảm nhận được nhiều công việc vốn được xem là "đặc quyền" của con người, giúp tối ưu hóa quy trình làm việc. Điều này khiến cho không ít người lao động lo ngại về tương lai nghề nghiệp của mình. Họ tự hỏi liệu một ngày nào đó, AI có thể thay thế hoàn toàn vị trí của họ không?
Trả lời cho câu hỏi này, hơn 70% người lao động cho rằng AI sẽ không thể “soán ngôi” họ trong tương lai.
![]() |
So với khảo sát của JobsGO một năm trước đây (vào đầu năm 2024), dữ liệu năm nay cho thấy ngày càng có nhiều người tin rằng AI không thể thay thế họ (tăng từ 53% lên 71.3%). Tỉ lệ này cao ở các ngành IT/Tech (89%), Marketing (87%), Nghệ Thuật/Thiết Kế (84%). Đây đều là những ngành nghề có tỉ lệ sử dụng AI cao, chứng tỏ người lao động khi càng quen với AI càng tự tin về khả năng khai thác AI.
Ông Phạm Thanh Hải - CEO của JobsGO nhận định: “Năm 2025 được dự kiến là năm mà AI không chỉ dừng ở mức độ công cụ hỗ trợ mà còn là các hệ thống tác nhân tự xử lý công việc (AI Agents). Nói cách khác, người lao động sẽ phải làm quen dần với việc xuất hiện các đồng nghiệp là AI và nó sẽ làm được một số đầu việc một cách độc lập, hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào việc đào tạo nhân viên, giúp họ reskill & upskill (tái đào tạo & nâng cao kỹ năng) để có thể kết hợp hiệu quả nhất với AI. Nếu không, doanh nghiệp và cả nhân viên sẽ dễ bị rớt lại phía sau, thậm chí, bị đào thải trong sự phát triển chóng mặt của công nghệ.”
- 10:38 15/02/2025