Điểm chung của 4 đại dự án nghìn tỷ vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo TƯ

26/03/2025 13:13
26-03-2025 13:13:01+07:00

Điểm chung của 4 đại dự án nghìn tỷ vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo TƯ

Tòa nhà Trung tâm điều hành Vicem, dự án Thủy điện Hồi Xuân, dự án xây dựng toà nhà làm việc Bộ Ngoại giao, Tiểu dự án 2 (Lim - Phả Lại) là những dự án có quy mô đầu tư lên tới vài nghìn tỷ nhưng kéo dài nhiều năm, chưa hoàn thành.

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thống nhất đưa 4 vụ án, vụ việc có dấu hiệu lãng phí vào diện theo dõi, chỉ đạo là dự án Tòa nhà Trung tâm điều hành và giao dịch thương mại, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem); dự án Thủy điện Hồi Xuân, tỉnh Thanh Hóa; dự án xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao; Tiểu dự án 2 (Lim - Phả Lại), thuộc dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. 

Đây đều là các công trình kéo dài nhiều năm, chưa hoàn thành, chỉ hoàn thành một phần nhỏ và có dấu hiệu lãng phí nghiêm trọng.

Vậy, những dự án này có quy mô đầu tư như thế nào?

Toà nhà làm việc của Bộ Ngoại giao chỉ một phần đưa vào hoạt động

Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao do Ban quản lý dự án - Bộ Ngoại giao làm chủ đầu tư, được phê duyệt từ tháng 7/2009 với tổng vốn 3.484 tỷ đồng.

Đây là dự án thuộc nhóm A, công trình cấp đặc biệt. Diện tích xây dựng 16.282m2, tổng diện tích sàn 126.282m2 (không kể diện tích ngoài trời như khu vực để xe, thảm cỏ, khu thể thao giải trí và đường giao thông nội bộ). 

Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao được xây dựng tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hà

Do nhiều nguyên nhân, như biến động giá cả vật tư, vật liệu xây dựng; tiền lương nhân công, tỷ giá... nên tháng 7/2014, Bộ Ngoại giao đã ban hành Quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án giai đoạn 1 lên gần 4.023 tỷ đồng.

Trong văn bản cho ý kiến về việc xin cơ chế đặc thù để giải quyết các vướng mắc của dự án trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng cho rằng, cơ chế đặc thù cho dự án mới chỉ để xử lý tình huống, chưa thể giải quyết triệt để, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay của dự án.

“Nếu áp dụng một cách cứng nhắc các cơ chế này như đề xuất tại tờ trình cho toàn bộ các hợp đồng thì sẽ dẫn đến bất cập trong quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, gây lãng phí, thất thoát tài sản, giảm hiệu quả đầu tư” - văn bản của Bộ Xây dựng nêu.

Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân cả thập kỷ "đứng hình"

Những cây cầu cụt này thuộc dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng.

Dự án được khởi công năm 2005, dự kiến hoàn thành đầu năm 2012 nhưng đến năm 2011 dự án buộc phải giãn tiến độ.

Dự án này bị tạm dừng theo Nghị quyết số 11 ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, một số công trình đã được xây dựng, trong đó có những cầu đường sắt nêu trên. Tại những cây cầu phần móng trụ trơ trọi, sắt thép han gỉ.

Những cây cầu xây dựng 20 năm chưa xong. Ảnh: Bảo Khánh

Đại diện Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cho biết, các cây cầu này chạy qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh nhưng thuộc dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, triển khai từ nhiều năm nay. 

Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đang nghiên cứu lập điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án làm cơ sở triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026-2030. 

Thủy điện hơn 3.300 tỷ ở Thanh Hóa cả thập kỷ chưa xong

Được khởi công từ năm 2010, dự án thủy điện Hồi Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư hơn 3.320 tỷ đồng, công suất 102 MW, bao gồm ba tổ máy với sản lượng điện trung bình hàng năm hơn 432 triệu Kwh. Dự án do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Điện Hồi Xuân Vneco làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, tháng 10/2012, thủy điện Hồi Xuân sẽ chặn dòng lần một, cuối năm 2013 chặn dòng lần hai, đến giữa năm 2014 thì tích nước hồ chứa và phát điện tổ máy số một vào tháng 9 cùng năm. 

Dự án được Bộ Tài chính cấp bảo lãnh cho khoản vay vốn nước ngoài với số tiền trị giá 125 triệu USD vào năm 2015. 

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến năm 2018, dự án chững lại, chỉ làm cầm chừng. Từ năm 2018 dự án “đắp chiếu” do thiếu vốn. 

Dự án thủy điện Hồi Xuân bỏ hoang. Ảnh: Lê Dương

Theo lãnh đạo huyện Quan Hóa, vùng lòng hồ dự án thuỷ điện Hồi Xuân có hơn 655ha đất bị ảnh hưởng, thuộc hai huyện Mai Châu (Hòa Bình) và huyện Quan Hoá (Thanh Hoá). Gần 1.900 hộ dân ở hai địa phương này bị tác động, trong đó khoảng 500 hộ phải tái định cư đến nơi ở mới. 

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần đề xuất các bộ, ngành sớm có giải pháp tháo gỡ để dự án tái khởi động, để người dân ổn định đời sống, sản xuất.

Báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực hồi tháng 3/2023 cũng điểm tên dự án này. Thời điểm đó, các hạng mục công trình chính đạt khoảng trên 98% khối lượng. Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO đã thi công trở lại từ tháng 11/2022, bao gồm các công việc: hoàn thiện kiến trúc nhà máy, thi công cầu giao thông qua tràn.

Chủ đầu tư dự án khi đó cam kết hết quý I/2024 sẽ hoàn thiện, vận hành nhà máy.

Nhưng tại văn bản sau đó, Bộ Công Thương cho biết: Bộ đã nhận được 3 báo cáo của VNECO Hồi Xuân. Tuy nhiên, công ty mới chỉ đưa ra được phương án tài chính bổ sung nguồn vốn để tiếp tục triển khai các công việc còn lại của dự án. Phương án tài chính đang được Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam xem xét, thẩm định và đến thời điểm báo cáo, vẫn chưa giải ngân cho vay để chủ đầu tư có kinh phí thực hiện dự án.

Toà nhà nghìn tỷ “trơ xương” giữa đất vàng Hà Nội

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, được đầu tư năm 2010, với tổng vốn sau điều chỉnh lên tới hơn 2.743 tỷ đồng. Toà tháp có quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm.

Mục tiêu là xây dựng trụ sở làm việc của Vicem, các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại. Dự án được khởi công vào tháng 5/2011; đến tháng 8/2015, đã hoàn thành phần thô công trình.

Tòa tháp dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem "trơ xương" giữa đất vàng Hà Nội. Ảnh: Nam Khánh

Đáng chú ý, Tòa tháp dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có vị trí đắc địa nằm trên đường Vành đai 3 và cạnh tòa nhà Keangnam. 

Tuy nhiên, từ năm 2015, dự án rơi vào cảnh “đắp chiếu”, nằm “trơ xương” giữa đất vàng Hà Nội. 

Sau thời gian tập trung điều tra, xác minh về các sai phạm xảy ra, cơ quan điều tra phát hiện dự án có nhiều sai phạm gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Ngày 2/3/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Vicem và các đơn vị liên quan.

CQĐT cũng đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn, khám xét đối với 4 người: Lê Văn Chung (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên); Nguyễn Ngọc Anh (nguyên Tổng Giám đốc); Dư Ngọc Long (nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án); Hoàng Ngọc Hiếu (nguyên Trưởng phòng Thẩm định Tổng Công ty Xi măng Việt Nam) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Đầu tháng 3 năm nay, Tổng công ty Xi măng Việt Nam chính thức khởi động lại việc xây dựng toà tháp Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem sau khi bị bỏ hoang cả thập kỷ, dự kiến hoàn thành vào quý II/2026.

Tâm An

VietNamNet

- 10:47 26/03/2025





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Giám đốc BlackRock: Thành công không chỉ là được nâng hạng, mà là khi nhà đầu tư thực sự tin vào Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới do Bộ Tài chính tổ chức ngày 28/03, ông Simon Williams - Giám đốc phụ trách...

Đâu là hạn chế của hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII)?

Đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường tài chính và chứng khoán của một quốc gia. Dòng vốn này dù mang lại...

Việt Nam thúc đẩy hợp tác với tập đoàn hàng không vũ trụ của Brazil

Chiều 29/03, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Francisco Gomes Neto, Chủ tịch Tập đoàn Embraer của Brazil, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của...

Đồng Nai: Đưa vụ sai phạm thu hồi đất dự án Sân bay Long Thành vào diện theo dõi

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh Đồng Nai thống nhất đưa vào diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo đối với vụ án sai phạm về thu hồi...

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khuyến khích thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp "độc, lạ"

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết thành phố đang giao sở, ngành tham mưu để trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết về thu hút nguồn nhân lực.

Sân bay Long Thành: Quán triệt tiến độ, giữ nguyên mục tiêu

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu quán triệt tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành cơ bản Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai...

Bộ Nội vụ đề xuất trả lương chuyên gia tư vấn lên đến 120 triệu đồng/tháng

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư Quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở cho việc xác định giá gói thầu cung cấp dịch vụ...

Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ ra các lợi thế đặc thù để hình thành trung tâm tài chính tại Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, việc xây dựng Trung tâm tài chính không phải là nội dung mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và...

Nhiều dự án năng lượng tái tạo trước nguy cơ phá sản vì yêu cầu “văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu”

Việc phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối 173 dự án điện mặt trời và điện gió đã có ngày vận hành thương mại trước...

Thanh tra việc cho thuê bãi biển Nha Trang sau thông tin 'cho thuê để ăn chênh lệch'

TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sẽ thanh tra toàn diện việc thuê bãi biển để kinh doanh dịch vụ.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98