Ông Abel Lim (UOB): USD phục hồi trong quý 2 trước khi giảm trở lại vào quý 3/2025
Ông Abel Lim (UOB): USD phục hồi trong quý 2 trước khi giảm trở lại vào quý 3/2025
Mỹ hiện vẫn duy trì mức chênh lệch lãi suất đáng kể so với các nền kinh tế phát triển khác, điều này có thể làm cho USD phục hồi trong quý 2/2025 trước khi giảm trở lại vào quý 3/2025.
Tại sự kiện “Cập nhật thị trường: Triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam 2025” của Ngân hàng UOB Việt Nam tổ chức chiều ngày 26/03/2025, các chuyên gia đã có nhận định về tình hình tăng trưởng kinh tế cũng như dự báo về diễn biến của tỷ giá, lãi suất trong thời gian tới.
![]() Ông Abel Lim - Giám đốc Tư vấn và Chiến lược Quản lý tài sản, Ngân hàng UOB (Singapore)
|
Ông Abel Lim - Giám đốc Tư vấn và Chiến lược Quản lý tài sản, Ngân hàng UOB (Singapore) đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu cả năm 2025 dự kiến chậm lại nhưng vẫn trong giai đoạn mở rộng, triển vọng kinh tế thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn chưa rõ ràng ở thời điểm hiện tại và sự phân hóa tăng trưởng có thể xảy ra theo hướng Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục phát triển, trong khi các nền kinh tế khác phải đối mặt trở ngại thương mại.
Theo ông Abel Lim, các chính sách của Tổng thống Trump theo hướng “đặt nước Mỹ lên hàng đầu” có thể dẫn đến những tác động tiêu cực lên kinh tế thế giới.
Đầu tiên là thay đổi chính sách thương mại và tác động đến thương mại toàn cầu. Thuế quan tăng cao làm gián đoạn hoạt động thương mại song phương, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc Mỹ áp đặt mức thuế cao hơn đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến các biện pháp thuế trả đũa từ các đối tác thương mại quan trọng, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu, dẫn đến sự dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu.
Thứ hai là tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã tìm kiếm các giải pháp thay thế Trung Quốc bằng cách chuyển hướng sản xuất và nguồn cung sang Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ, nhằm tránh tác động của thuế quan. Tuy nhiên, dù thu hút được dòng vốn đầu tư mới, những hạn chế về cơ sở hạ tầng tại các quốc gia này khiến lợi ích tức thời bị giới hạn. Trong khi đó, các nỗ lực đưa sản xuất quay trở lại Mỹ cũng gặp nhiều thách thức, với chi phí lao động cao và tốc độ mở rộng công suất chậm làm giảm hiệu quả của chiến lược này.
Thứ ba sẽ tác động đến thị trường tài chính và tiền tệ. Trên thị trường chứng khoán, các ngành nhạy cảm với thuế quan như công nghệ và ô tô đối mặt nhiều bất ổn, trong khi các ngành được bảo hộ như thép hưởng lợi trong ngắn hạn. Niềm tin của nhà đầu tư suy giảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại, gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu.
Lạm phát có nguy cơ gia tăng do thuế quan làm tăng chi phí đầu vào, đẩy giá hàng tiêu dùng như thiết bị điện tử và đồ gia dụng lên cao. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát, động thái này cũng tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Fed khả năng chỉ cắt giảm lãi suất 1 lần trong quý 2
Chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ bị chi phối bởi các tác động kinh tế và lạm phát từ các chính sách của Tổng thống Trump. Các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ thận trọng theo dõi diễn biến lạm phát và thương mại để đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất phù hợp. Riêng tại Mỹ, ông Abel Lim cho rằng Fed dự kiến chỉ cắt giảm lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản trong quý 2.
Về diễn biến của USD, ông Abel Lim cho rằng những lo ngại mới về tăng trưởng của Mỹ đã dẫn đến sự suy giảm của USD gần đây, khi thị trường ngày càng kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất nhiều hơn trong năm nay. Mỹ hiện vẫn duy trì mức chênh lệch lãi suất đáng kể so với các nền kinh tế phát triển khác, điều này có thể khiến USD phục hồi trong quý 2/2025 trước khi giảm trở lại vào quý 3/2025.
Nói thêm về các đồng tiền châu Á, ông Abel Lim đánh giá hầu hết các đồng tiền châu Á đều suy yếu hơn so với USD trong giời gian gần đây, ví dụ như VND giảm chỉ còn khoảng 25,600 VND/USD vào đầu tháng 3, đà giảm này có thể tiếp tục do sự chững lại của kinh tế Trung Quốc và khả năng Mỹ áp thuế lên Việt Nam. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể giúp giảm áp lực mất giá của VND, bao gồm triển vọng tăng trưởng nội địa mạnh mẽ và cam kết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc đảm bảo “ổn định tỷ giá”.
Nhìn chung, dự báo chuyên gia từ UOB về tỷ giá USD/VND là 25,800 trong quý 2/2025; 26,000 trong quý 3/2025; 25,800 trong quý 4/2025 và 25,600 trong quý 1/2026.
- 08:41 27/03/2025