Gánh nợ xấu ngân hàng

05/06/2012 06:38
05-06-2012 06:38:57+07:00

Gánh nợ xấu ngân hàng

Đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cuối tuần qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải phân tích kỹ theo nhiều góc độ trước khi thực hiện để tránh những hậu quả về sau.

Nợ xấu "ngáng đường"

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2012 vẫn âm dù rằng các NH dư tiền. TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, nút thắt dòng vốn tín dụng ra thị trường của các NH đó là nợ xấu. Nợ xấu NH tăng cao nên các NH không dám cho doanh nghiệp (DN) vay. Giải quyết xong vấn đề nợ xấu, các NH mới mạnh dạn cho vay mới. Đó là lý do, việc NHNN dự kiến thành lập công ty mua bán nợ xấu để xử lý khoảng 100.000 tỉ đồng là một tin vui đối với thị trường.

Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đang gia tăng 

Ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nhận xét: “Mua bán nợ xấu là một cơ chế tốt giúp hệ thống NH giải quyết được vấn đề nợ xấu tồn đọng trong hệ thống. Thông qua đó giúp quá trình cung ứng vốn cho nền kinh tế được tốt hơn. Các NH có điều kiện triển khai cho vay mới và giảm lãi suất cho vay”.

Nếu muốn mua lại nợ xấu thì cần thiết phải làm rõ nợ xấu đó của ai bởi trên thế giới, không có bất kỳ nhà nước nào đi mua lại nợ của khối tư nhân

TS Lê Đạt Chí

Trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống NH tăng từ 2,2% của năm 2010 lên 3,6% vào năm 2011 và đến nay tỷ lệ này còn gia tăng. Với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 130 tỉ USD, tỷ lệ nợ xấu ước khoảng 5% thì số nợ xấu lên đến 6 - 7 tỉ USD. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM (trước đây, đơn vị này đã có kiến nghị lên NHNN việc thành lập công ty xử lý nợ xấu) cho biết, vào cuối tháng 4, tỷ lệ nợ xấu của các NH trên địa bàn TP.HCM chiếm 5% trên tổng dư nợ, tương đương 35.000 tỉ đồng. DN rơi vào nợ xấu nhiều thì NH không thể cho vay được. Khi vấn đề nợ xấu NH được giải quyết thì lúc đó tín dụng mới có thể tăng trưởng.

Đối mặt với lạm phát

TS Lê Đạt Chí - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, không nên vội vàng thực hiện giải pháp mua lại nợ xấu của NH. Bởi điều đó sẽ đưa đến hệ lụy là cung tiền vào nền kinh tế sẽ gia tăng (dù mức gia tăng lớn hay nhỏ còn phụ thuộc vào kỹ thuật thực hiện). Đây là nguyên nhân dễ gây nên lạm phát cao. Còn nếu muốn mua lại nợ xấu thì cần thiết phải làm rõ nợ xấu đó của ai bởi trên thế giới, không có bất kỳ nhà nước nào đi mua lại nợ của khối tư nhân. Đó là chưa kể nếu mua lại nợ từ các NH thương mại thì cũng chưa chắc NH đó sẽ đưa tiền vào nền kinh tế. Trong trường hợp muốn mua lại nợ xấu của khối DNNN thì nên xem xét và áp dụng mô hình xử lý nợ của Trung Quốc những năm 1990 - 2000 vì nước này có cơ cấu nền kinh tế tương đồng với VN.

Cụ thể, thành lập công ty quản lý tài sản trực thuộc Bộ Tài chính. Trong đó, 3% vốn góp của Bộ Tài chính, 15% vốn vay từ NHNN. Số vốn còn lại được huy động dưới hình thức phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Tuy nhiên, số trái phiếu này khi phát hành không có ai đứng ra mua nên Trung Quốc đã điều chỉnh ngay. Đó là mua nợ xấu của NH quốc doanh và trả một phần nhỏ bằng tiền mặt, phần còn lại trả bằng trái phiếu dài hạn có sự bảo lãnh của NHNN. Đồng thời NHNN buộc các NH quốc doanh phải cho vay trở lại đối với các DNNN để tiếp tục hoạt động sản xuất và hoàn thành các dự án dang dở. Điều đó sẽ kích thích được sự tăng trưởng của nền kinh tế và có thể kéo theo sự phát triển của các DN tư nhân cũng như bản thân các NH thương mại. Tuy nhiên hệ quả của phương án này là trong thời gian 3 năm đầu, công ty quản lý tài sản bị lỗ và NHNN cũng phải bơm tiền ra để trả lãi trái phiếu đã phát hành. Điều này làm gia tăng cung tiền vào nền kinh tế và không được các tổ chức tín dụng nước ngoài đánh giá cao.

Còn theo TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, nếu phát hành trái phiếu để huy động vốn cho công ty mua bán nợ này thì cần xem xét kỹ nguyên nhân dẫn đến nợ xấu. Đơn cử nợ xấu tăng cao là do quản trị yếu kém thì NH phải tự chịu thiệt hại. Ngay cả những đơn vị được cứu cũng cần công bố rõ và tại sao được cứu, cách thức cứu và phương thức thoái vốn của nhà nước...

Ông Hiển cho rằng vấn đề nợ xấu trong hệ thống NH hiện nay khác thời điểm 1990 - 1991. Vào 1990 - 1991, nợ chủ yếu phát sinh từ các công ty nhà nước nên việc cấn trừ nợ giữa các công ty lẫn nhau. Còn hiện nay là kinh tế thị trường thì việc giải cứu phải theo cơ chế thị trường, nếu không sẽ như muối bỏ bể. Trường hợp NHNN phát hành trái phiếu để huy động vốn trong dân sẽ không gây ra lạm phát nhưng cũng khó cứu được nền kinh tế. Giải pháp cứu nền kinh tế, theo ông Đinh Thế Hiển, Chính phủ cần cung tiền ra và có biện pháp hút vào để không ảnh hưởng lạm phát.

Tại Mỹ vào năm 2008, khi thị trường tài chính sụp đổ và nền kinh tế thế giới bước vào khủng hoảng, chính phủ Mỹ đề xuất dự án Hỗ trợ giải quyết nợ xấu (TARP). Thông qua đó, 700 tỉ USD tiền thuế của công dân Mỹ sẽ được dùng để mua lại các khoản nợ xấu từ các NH để tránh tình trạng phá sản. Nhưng trên thực tế, chính phủ Mỹ lại dùng 350 tỉ USD đầu tư trực tiếp vào các NH. Hành động trên đã gây nên sự phẫn nộ từ công chúng và là một trong những lý do phản đối chính quyền Tổng thống Bush.

Một năm sau đó, chính phủ Mỹ dưới trướng Tổng thống Obama đề xuất một chương trình hợp tác đầu tư chính phủ - tư nhân (PPIP). Qua đó, trong 350 tỉ USD còn lại sau TARP, chính phủ sẽ chỉ sử dụng 75 tỉ USD để tiếp tục mua phần nợ xấu của các NH, phần còn lại sẽ được huy động từ các nhà đầu tư cá nhân, ước tính có thể lên đến 1.000 tỉ USD. ( Hạnh Vân )

Thanh Xuân - Mai Phương

Thanh niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

NHNN đề xuất cấm tổ chức tín dụng khuyến mại trái quy định khi nhận tiền gửi

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đề xuất nghiêm cấm tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình...

SHB cấp hạn mức thấu chi lên tới 300 triệu đồng hỗ trợ khách hàng mở rộng kinh doanh

Với hạn mức thấu chi hấp dẫn cùng nhiều ưu đãi thanh toán, gói giải pháp tài chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sẽ góp phần giúp các hộ kinh doanh tháo...

Ngân hàng nào đang cho vay mua nhà lãi suất thấp nhất?

Bước sang tháng 5, trong khi lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ thì một số nhà băng vẫn giảm lãi suất cho vay mua nhà.

Bộ Công an sẽ tham gia xử lý tình trạng sở hữu chéo ngân hàng

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ...

Thủ tướng chỉ thị các ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024. Chỉ thị của Thủ...

NHNN vẫn đấu thầu 16,800 lượng vàng miếng

Sau phiên đấu thầu bất thành (25/4), NHNN tiếp tục thông báo đấu thầu vàng miếng vào sáng 03/5.

Tại sao chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên phải xác thực sinh trắc học?

Kể từ ngày 1/7/2024, mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền.

Chính phủ sẽ không vì áp lực lạm phát mà tăng lãi suất

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khi nói về áp lực tăng lãi suất nhằm kìm hãm lạm phát cũng như tỷ giá trong thời gian qua.

Tài sản thế chấp của Tân Hoàng Minh ế ẩm, ngân hàng tiếp tục đại hạ giá

Sau nhiều lần rao bán không thành công các khoản nợ xấu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và loạt công ty thành viên, Ngân hàng Agribank mới đây lại tiếp tục đại hạ giá...

Kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng, ngân hàng vẫn tiếp tục gặp khó trong năm 2024?

Dù dự báo tình hình kinh tế năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận thận trọng.

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98