Ngân hàng Nhà nước vẫn cực đoan tín dụng?

14/06/2012 11:41
14-06-2012 11:41:53+07:00

Ngân hàng Nhà nước vẫn cực đoan tín dụng?

Chủ đề lãi suất đang nhuốm một màu sắc cực đoan và đầy khó hiểu, nếu xét theo khía cạnh tín dụng được nhanh chóng chuyển từ “siết” sang “mở” chỉ trong một thời gian ngắn.

Chỉ bốn ngày sau khi tổ chức WB (Ngân hàng thế giới) cảnh báo Việt Nam đang nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm và do đó có thể gây sức ép lên giá, hai ngày sau khi người đại diện của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) ở Việt Nam khuyến cáo Chính phủ nên thận trọng với việc giảm lãi suất quá nhanh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra quyết định hạ trần lãi suất huy động thêm một lần nữa kể từ ngày 11/6/2012.

Lần này, cú “đánh xuống” lãi suất tạo ra một tiền lệ chưa từng có từ năm 2010 đến nay, với biên độ kéo giảm lên đến 2%, ấn định mức trần lãi suất huy động chỉ còn 9%.

Tháng 6/2012 - tháng thứ tư liên tiếp trần lãi suất huy động được kéo hạ, với tổng cộng mức giảm lên đến 5%. Như vậy, chỉ mới sáu tháng đầu năm 2012, mức kéo hạ này đã khác hẳn với “lộ trình giảm lãi suất” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là “giảm 1% mỗi quý”.

Ngụy biện?

Có vẻ như thật khó hiểu cho các tổ chức tài chính và xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Song với giới đầu tư và buôn bán tài chính và tiền tệ ở Việt Nam, những động thái thay đổi bất ngờ của cơ quan điều hành chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Nền kinh tế và các thị trường đầu cơ ở Việt Nam luôn có truyền thống lên nhanh và xuống cũng nhanh không kém. Nhưng, thị trường tín dụng là môi trường đầu cơ vượt trội so với các thị trường khác, với quyền lực và quyền lợi lớn lao nhất thuộc về các ông chủ ngân hàng.

Trong hai năm 2010 và 2011, lãi suất cho vay đã tăng thêm hàng chục phần trăm, mà đỉnh của mức lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng lên đến 30%, được chính các ngân hàng thỏa hiệp lập với nhau vào tháng 10/2011. Tính chất siêu đầu cơ cũng từ đó mà lộ diện mạnh mẽ chưa từng thấy, bất chấp việc NHH đã có thể chỉ xem đó như một biện pháp cần thiết nhằm phục vụ cho chiến dịch “tái cấu trúc ngân hàng”.

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, nhiều đại biểu đã không còn bị mê hoặc bởi cụm sính từ “tái cấu trúc” quá ư hoành tráng nữa. Trong một buổi chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình mới đây, có đại biểu đã nói thẳng, động cơ của các ngân hàng là dùng tiền và công cụ lãi suất để thâu tóm lẫn nhau. Một đại biểu khác còn cho rằng thống đốc đã ngụy biện khi ông Bình có vẻ né tránh câu hỏi tại sao trong thời gian qua lãi suất hạ mà tiền lại không đến được với các doanh nghiệp đang quá đỗi khát vốn…

180.000 tỷ đồng hay nợ xấu 10%?

Một thực trạng mà nhiều đại biểu Quốc hội đã có điều kiện chứng thực là với tư cách một thị trường đầu cơ không khác gì hoạt động làm giá cổ phiếu, lãi suất sau khi được “đánh lên” thì cũng bị “đánh xuống” không thương tiếc. Sau khi đã đút túi số lãi khổng lồ và còn “tái cấu trúc” được những kẻ yếu hơn, những người kinh doanh lãi suất đã “mở lòng từ bi” với nền kinh tế - kẻ phải đưa đầu chịu báng nặng nề nhất, bằng cách giảm nhỏ giọt lãi suất như một cách bố thí cho những doanh nghiệp đang sắp chết đói.

Điều hiển nhiên là khoảng thời gian sáu tháng qua đã cung cấp cho các đại biểu Quốc hội một bằng chứng khó chối bỏ: gần một phần ba số doanh nghiệp Việt Nam lâm vào tình trạng phá sản, giải thể, và gần nhất là không còn khả năng đóng thuế; phần lớn nền kinh tế rơi vào suy thoái trầm trọng và còn đang có dấu hiệu của nạn giảm phát; tình trạng thất nghiệp và bán thất nghiệp chắc chắn hơn hẳn so với con số vài ba phần trăm mà các cơ quan nhà nước vẫn thường đưa vào báo cáo…

Vài ba phần trăm cũng là con số về tỷ lệ nợ xấu đã được Thống đốc Nguyễn Văn Bình điều trần trước các đại biểu vào kỳ họp Quốc hội tháng 11/2011: “Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến nay là khoảng 3,3% trên tổng dư nợ cho vay. Dự kiến đến cuối năm 2011 là từ 3,6-3,8%”.

Nhưng vào kỳ họp Quốc hội lần này, ông Bình lại công bố một tỷ lệ nợ xấu mới trong toàn hệ thống ngân hàng - chẵn 10%, và thuyết minh thêm là tỷ lệ này đã tăng từ mức 6% trước đó.

Đến lúc này, điều đã làm cho các tổ chức quốc tế khó hiểu thì chắc chắn cũng làm cho Quốc hội khó có thể hình dung là tại sao chỉ trong 6 tháng qua, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng lại tăng đến 3 lần, chỉ tính theo báo cáo của NHNN?

Cũng đến lúc này, người ta mới có dịp để nghiệm lại một con số của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đưa ra ngay từ giữa năm 2011: tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam lên tới 13%, tức gấp 4 lần con số mà NHNN báo cáo.

Vậy thì số tiền 180.000 tỷ đồng mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình ví là “khủng khiếp” từ NHNN bơm cho nền kinh tế trong thời gian từ đầu năm 2012 đến nay liệu có ý nghĩa gì?

Tại sao với số tiền khổng lồ tương đương với kế hoạch vốn đầu tư công của sáu tháng đầu năm 2012 mà nợ xấu vẫn không thể giải quyết được, thậm chí còn tăng lên như lời thừa nhận bắt buộc của ngành ngân hàng?

Chẳng lẽ những người đứng đầu Chính phủ lại không hay biết gì về cái thực trạng quá thiếu may mắn như thế?

100.000 tỷ đồng hay nợ xấu bất động sản?

Vào đầu tháng 4/2012, tình hình thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, theo lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình, “bỗng dưng” dồi dào. Trước đó, vấn đề này đã trở thành một khó khăn tột bậc, lôi kéo cả nền kinh tế xuống đáy.

Vậy tại sao với 180.000 tỷ đồng của NHNN, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành được ưu tiên lại vẫn quá khó để vay được vốn? Hay khoản tiền đó chỉ chạy lòng vòng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác theo hình thức của một thứ “chợ đêm” lãi suất, và cuối cùng lại quay về… NHNN?

Trong buổi điều trần trước Quốc hội vào cuối tháng 11/2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định: Dư nợ cho vay trực tiếp bất động sản là 8,3% tổng dư nợ, trong đó nợ xấu bất động sản chiếm 4,2% dư nợ cho vay bất động sản. Do vậy nợ xấu bất động sản không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu của Việt Nam.

Cần lưu ý rằng vào thời điểm đó, mặc dù bất động sản đã là vấn đề “nóng”, nhưng hầu như không xuất hiện một tiếng nói phản biện nào đối với bản báo cáo của Thống đốc NHNN.

Còn tại kỳ họp Quốc hội lần này tình hình đã khác hẳn. Bất động sản không chỉ là nỗi bĩ cực của toàn bộ nền kinh tế, mà còn là “mối quan tâm lớn nhất của Chính phủ”, như lời chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính và tiền tệ quốc gia.

Vào cuối năm 2011, con số nợ bất động sản đã được Bộ Xây dựng và NHNN cùng thông báo là khoảng 200.000 tỷ đồng, so với trước đó là 245.000 tỷ đồng. Nhưng gần đây, theo một số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính và tiền tệ quốc gia, con số thực nợ bất động sản lên đến 348.00 tỷ đồng.

Trong khi đó, một số chuyên gia trong giới phân tích cho rằng con số nợ xấu còn có thể lớn hơn thế, và tính tỷ lệ nợ xấu bất động sản lên đến 14% trong hệ thống ngân hàng.

Từ đó, có thể thấy đã có một sự khác biệt quá lớn giữa số báo cáo của NHNN với hiện tồn đang chễm chệ trong thị trường bất động sản. Bởi nếu khẳng định là nợ xấu bất động sản không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu của Việt Nam, tại sao gần đây nhiều ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Eximbank, Vietinbank… lại phải lên tiếng kêu cứu về tình trạng “ôm bom”, tức ôm số tài sản bất động sản siết nợ quá lớn mà không thể tiêu thụ được?

Và tại sao NHNN lại phải cần đến kế hoạch thành lập công ty mua bán nợ với vốn điều lệ lên đến 100.000 tỷ đồng? Hoặc cứ cho là công ty này được thành lập, nhưng số vốn điều lệ thực sự khủng khiếp kia sẽ đến từ đâu - ngân sách nhà nước, ngân hàng hay tiền đóng thuế của dân? Chỉ có thể nhắc lại một phản ứng quyết liệt của người dân Mỹ đối với chính quyền Bush vào năm 2008, khi Bush quyết định dùng phân nửa trong gói 750 tỷ USD để giải quyết nợ cho các ngân hàng.

Hiện tồn ác ý

Từ gần một năm qua, NHNN đã chơi một nước bài liều lĩnh và có nét gì đó ngụy biện, như một đại biểu Quốc hội nhận xét. Những khó khăn lớn nhất của nền kinh tế quốc gia vẫn còn y nguyên, nhưng tiền của ngân hàng cũng nguyên vẹn và đông cứng mà không đưa, hoặc không muốn đưa vào lưu thông.

Trong khi đó, các ngân hàng vẫn ung dung kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp và thâu tóm lẫn nhau.

Nhưng mấy tháng gần đây, những động thái liên tiếp hạ lãi suất của NHNN đang làm cho không chỉ các tổ chức tài chính quốc tế ngạc nhiên mà cả giới phân tích và doanh nghiệp trong nước cũng ngỡ ngàng.

Chủ đề lãi suất cũng vì thế đang nhuốm một màu sắc cực đoan và đầy khó hiểu, nếu xét theo khía cạnh tín dụng được nhanh chóng chuyển từ “siết” sang “mở” chỉ trong một thời gian ngắn.

Một kịch bản kinh tế và cũng là thủ đoạn của thế giới ngầm là kinh tế càng khốn khó, doanh nghiệp càng dễ chết thì “tái cấu trúc” sẽ càng thành công.

Như một quy luật, hiện vẫn luôn tồn tại một cách đầy ác ý vào bất cứ thời kỳ khó khăn nào của nền kinh tế và khi cơ chế quản lý còn tranh tối tranh sáng.

Hạ Xuyên

Doanh nhân Sài Gòn





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

NHNN đề xuất cấm tổ chức tín dụng khuyến mại dưới mọi hình thức khi nhận tiền gửi

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đề xuất nghiêm cấm tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình...

SHB cấp hạn mức thấu chi lên tới 300 triệu đồng hỗ trợ khách hàng mở rộng kinh doanh

Với hạn mức thấu chi hấp dẫn cùng nhiều ưu đãi thanh toán, gói giải pháp tài chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sẽ góp phần giúp các hộ kinh doanh tháo...

Ngân hàng nào đang cho vay mua nhà lãi suất thấp nhất?

Bước sang tháng 5, trong khi lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ thì một số nhà băng vẫn giảm lãi suất cho vay mua nhà.

Bộ Công an sẽ tham gia xử lý tình trạng sở hữu chéo ngân hàng

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ...

Thủ tướng chỉ thị các ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024. Chỉ thị của Thủ...

NHNN vẫn đấu thầu 16,800 lượng vàng miếng

Sau phiên đấu thầu bất thành (25/4), NHNN tiếp tục thông báo đấu thầu vàng miếng vào sáng 03/5.

Tại sao chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên phải xác thực sinh trắc học?

Kể từ ngày 1/7/2024, mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền.

Chính phủ sẽ không vì áp lực lạm phát mà tăng lãi suất

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khi nói về áp lực tăng lãi suất nhằm kìm hãm lạm phát cũng như tỷ giá trong thời gian qua.

Tài sản thế chấp của Tân Hoàng Minh ế ẩm, ngân hàng tiếp tục đại hạ giá

Sau nhiều lần rao bán không thành công các khoản nợ xấu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và loạt công ty thành viên, Ngân hàng Agribank mới đây lại tiếp tục đại hạ giá...

Kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng, ngân hàng vẫn tiếp tục gặp khó trong năm 2024?

Dù dự báo tình hình kinh tế năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận thận trọng.

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98