Vì sao đồng USD không còn mạnh như xưa!
Vì sao đồng USD không còn mạnh như xưa!
Chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã mất gần 2% trong năm nay và hiện đang dao động tại mức thấp nhất trong hơn 3 năm, qua đó nới rộng đà sụt giảm 10% của đồng tiền này trong năm 2017.
Đây quả là một khởi đầu năm 2018 đầy khó khăn đối với đồng bạc xanh.
Vậy điều gì đang diễn ra? Đầu tiên, đà sụt giảm của đồng USD có vẻ hơi bí ẩn vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 3 lần trong năm 2017.
Thông thường, các đợt nâng lãi suất sẽ thúc đẩy giá trị đồng USD vì chúng khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua tài sản ở nước Mỹ. Ngoài ra, chúng còn giúp đặt lạm phát trong phạm vi kiểm soát.
Bên cạnh các đợt nâng lãi suất từ Fed, nền kinh tế Mỹ cũng chứng kiến tăng trưởng mạnh trong 2 quý liên tiếp, và doanh số cao trong dịp lễ cuối năm cũng cho thấy xu hướng trên sẽ tiếp tục. Nhiều chuyên gia dự đoán nền kinh tế sẽ còn tăng mạnh hơn nhờ các đợt cắt giảm thuế.
Vậy thì tại sao đồng USD lại suy yếu?
Hussein Sayed, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại công ty môi giới tiền tệ trực tuyến FXTM, cho biết trong một báo cáo công bố hôm thứ Hai rằng các dấu hiệu khởi sắc ở các nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, đang khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang đồng Euro thay vì đồng bạc xanh.
Ông Sayed nói thêm sự hồi sinh của khu vực châu Âu đã khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tháo gỡ dần chương trình mua trái phiếu khồng lồ của mình (tương tự với động thái của Fed) sớm hơn dự kiến.
Điều này sẽ thúc đẩy lợi suất trái phiếu châu Âu và góp phần giúp đồng Euro trở nên còn hấp dẫn hơn nữa so với đồng USD. Một số nhà đầu tư thậm chí còn dự báo rằng ECB có thể bắt đầu nâng lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Vì thế, sự suy yếu của đồng USD có thể chỉ mang tính tương đối. Châu Âu vẫn đang trên đà hồi phục và nhà đầu tư đặt cược vào điều này.
Tuy nhiên, đà suy yếu của đồng USD không thể dựa hoàn toàn vào những gì đang diễn ra ở nước ngoài. Một số chuyên gia phân tích cho rằng tình trạng xáo trộn chính trị ở Mỹ cũng khiến đồng USD tụt dốc.
Boris Schlossberg, Giám đốc phụ trách chiến lược ngoại hối tại BK Asset Management, cho biết: “Có nhiều yếu tố dẫn tới đà suy yếu của đồng USD hơn là chỉ có câu chuyện tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu”.
Ông Schlossberg cho biết, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tin rằng thực sự tồn tại xác suất xảy ra tình trạng “đóng cửa” Chính phủ vào cuối tuần này. Điều này sẽ xảy ra vào ngày thứ Sáu (19/01), trừ khi Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch tài trợ ngắn hạn để giúp Chính phủ thoát khỏi tình trạng “đóng cửa”.
“Đà suy giảm của đồng bạc xanh cho thấy yếu tố chi phối là chính trị và kinh tế, khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại về tình trạng hỗn loạn ở Washington DC”, ông Schlossberg cho biết trong báo cáo của mình.
Liệu đà sụt giảm của đồng USD có gây tổn thương tới nền kinh tế hoặc thị trường chứng khoán Mỹ? Cho tới nay thì không. Trên thực thế, nó thậm chí còn giúp ích cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã một vài lần nghĩ rằng đồng USD đang quá mạnh và sẽ không hề bận tâm nếu như đồng tiền này suy giảm phần nào.
Đồng USD yếu hơn có thể thúc đẩy doanh số bán ở nước ngoài, và nhấc bổng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia của Mỹ như Apple, Microsoft, Johnson & Johnson, Exxon Mobil và Procter & Gamble khi họ chuyển lợi nhuận bằng ngoại tệ về lại đồng bạc xanh.
Và những công ty trên đã dẫn dắt thị trường tiến tới những mức kỷ lục mới trong năm vừa qua.
Đúng là đà suy giảm liên tục của đồng USD có thể rồi cũng sẽ trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Đồng USD lao dốc mạnh có thể dẫn tới sự tăng mạnh của lạm phát – một điều mà chẳng ai muốn cả.
Tuy nhiên, kịch bản đó dường như khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Bất chấp tình trạng xáo trộn ở Washington, phần lớn nhà đầu tư trên toàn cầu vẫn xem đồng USD là đồng tiền dự trữ ổn định nhất trên thế giới. Đồng Euro, Nhân dân tệ, vàng và Bitcoin khó có thể thay thế được đồng bạc xanh (ít nhất là tại thời điểm này).
FiLi