Đâu là yếu huyệt của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

11/07/2018 18:30
11-07-2018 18:30:00+07:00

Đâu là yếu huyệt của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Dù có sức mạnh kinh tế, đến giờ, Trung Quốc vẫn không thể giải quyết được một vấn đề quan trọng: Đậu nành. Đơn giản là vì họ không thể trồng đủ số lượng mà họ cần.

Điều đó có thể làm giảm tác động của một trong những vũ khí lớn nhất mà nước này nắm giữ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Bắc Kinh đã đưa ra mức thuế 25% đối với đậu nành Mỹ hồi tuần trước để trả đũa các khoản thuế của chính quyền Trump dành cho hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Năm ngoái, những người trồng đậu nành ở Mỹ đã bán gần 1/3 sản lượng thu hoạch của họ cho Trung Quốc. Tính theo đồng USD, chỉ có máy bay là quan trọng hơn so với đậu nành trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, các bang sản xuất đậu nành như Iowa và Illinois có thể không cảm thấy ảnh hưởng của thuế quan ngay lập tức. Trung Quốc mua nhiều đậu nành từ Mỹ - 14 tỷ USD hồi năm ngoái – đến nỗi nước này khó có thể chuyển sang các nhà cung cấp mới chỉ sau một đêm. Đậu nành được trồng ở nước ngoài là nguồn cung cấp protein giá rẻ chủ chốt cho cả gia súc và lượng dầu ăn dùng trong các nhà bếp Trung Quốc.

Trung Quốc đang thúc đẩy nông dân phát triển hơn. Tuy nhiên, bài toán này thật nan giải, và những trở ngại là cực kỳ lớn.

Chỉ cần hỏi Cao Xiumin. Trong 16 năm qua, bà đã trồng ngô và đậu nành trên một vài mẫu đất gần Xiaowusili, một ngôi làng có khoảng 600 người trên vành đai phía đông bắc của Trung Quốc.

Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, bà không sản xuất được nhiều hơn so với một thập kỷ trước. Cánh đồng của bà nhỏ và không có nước để tưới. Hạt giống mới được cho là có năng suất cao hơn được chính phủ khuyến khích sử dụng lại không tốt hơn nhiều so với các giống cũ, bà cho biết.

Hàng hóa nông nghiệp có thể là một điểm yếu lớn đối với Trung Quốc nếu xung đột thương mại với Mỹ biến thành một cuộc chiến toàn diện.

Người dân ngày càng giàu có của Trung Quốc muốn ăn nhiều hơn và chất lượng hơn. Tuy vậy, các trang trại của nước này nhìn chung lại quá nhỏ và kém phát triển để theo kịp mong ước đó.

Gần 90% lượng đậu nành Trung Quốc tiêu thụ trong năm ngoái đến từ nước ngoài - tổng cộng hơn 100 triệu tấn. (Mexico, nhà nhập khẩu số 2 thế giới, chỉ mua 5 triệu tấn).

Thay thế những điều đó bằng lượng đậu nành tự trồng có thể là một nhiệm vụ đầy khó khăn cho Trung Quốc, giống như phải “cai” không sử dụng các con microchip của Mỹ nữa.

Mùa xuân này, sau khi chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên đề xuất mức thuế trả đũa đối với đậu nành Mỹ, họ đã trở nên bận rộn với việc cố gắng làm giảm tác động có thể có tới 1,4 tỷ cái dạ dày.

Để tăng tính khả dụng của các loại thức ăn chăn nuôi khác, cơ quan hải quan của Trung Quốc đã loại bỏ các yêu cầu kiểm tra đối với nhiều sản phẩm phụ nông nghiệp, gồm bột khô lạc, bột hạt cải và hạt cải dầu.

Các nông dân ở Hắc Long Giang, tỉnh sản xuất đậu nành hàng đầu của Trung Quốc, cũng đã được nghe về một đơn đặt hàng từ chính quyền: Phát triển thêm đậu nành. Ngay lập tức!

Như một sự khích lệ, chính quyền tỉnh đã trợ cấp hào phóng cho nông dân cả về trồng đậu nành lẫn chuyển đổi những cánh đồng ngô của họ sang đậu nành.

Tin tức về các khoản trợ cấp mới đã lan truyền nhanh chóng trên ứng dụng truyền thông xã hội WeChat. Và ngay sau đó, nhiều nông dân đã trả lại hạt giống ngô và phân bón mà họ đã mua để trồng đậu nành thay thế.

Với tất cả sự hỗ trợ của chính phủ, Guo Qiang, một nông dân 35 tuổi ở làng Dawusili, nói rằng anh rất thích trồng đậu nành, và không trồng ngô, trên 50 mẫu của gia đình anh. Tuy nhiên, hợp tác xã nông nghiệp của anh yêu cầu các thành viên phải luân canh cây trồng để giữ cho đất khỏe mạnh.

"Nếu không phải vì những chính sách trên, hiển nhiên là tôi sẽ trồng thêm đậu nành”, Guo nói. "Đặc biệt là với những vấn đề lớn đang xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ - cuộc chiến thương mại này hay bất cứ điều gì đi nữa - thì tôi nghĩ rằng triển vọng cho đậu nành là tốt hơn so với ngô".

Ngay cả thế, Trung Quốc sẽ cần phải dành một phần lớn đất nông nghiệp của cả nước - từ 1/4 đến 1/3, theo các ước tính khác nhau - cho đậu nành nếu họ muốn tự cung tự cấp.

Nông dân Mỹ vẫn có thể bị ảnh hưởng khá lớn trong thời gian dài nếu thuế quan của Trung Quốc thúc đẩy Brazil và các nhà cung cấp khác mở rộng diện tích đậu nành của họ, hoặc nếu Trung Quốc dành sự hỗ trợ về mặt tài chính cho việc canh tác bên ngoài biên giới của họ. Nhiều người từ Hắc Long Giang đang trồng đậu nành trên sông Amur ở vùng Viễn Đông của Nga, nơi đất đai rẻ và dồi dào.

Năm 1969, chiến tranh từng nổ ra giữa quân Xô Viết và Trung Quốc dọc theo biên giới này. Tuy vậy,  những ngày này, các mối quan hệ giữa hai bên đang tốt đẹp và giao thương diễn ra suôn sẻ. Ở thành phố biên giới Heihe, nhiều biển báo đường phố được viết bằng cả tiếng Trung và tiếng Nga. Còn ở Xiaowusili, các công viên có những chiếc thùng rác được sơn giống như những con búp bê matryoshka khổng lồ.

Cơn đói đậu nành của Trung Quốc có thể làm cho mối quan hệ của họ sâu đậm thêm. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin Tân Hoa Xã, người đứng đầu hiệp hội đậu nành Nga cho biết họ đang tìm cách hợp tác với các công ty Trung Quốc và đã thành lập một văn phòng tại Harbin, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang, để thu hút đầu tư.

Để giảm sự phụ thuộc vào đậu nành của Mỹ, Bắc Kinh cũng có thể cố gắng sản xuất thêm tại quê nhà. Tuy nhiên, nông dân ở Hắc Long Giang thừa nhận rằng còn lâu họ mới đạt được năng suất như nông dân Mỹ, nơi mà nông nghiệp được cơ giới hóa nhiều hơn và việc biến đổi gen đã được chấp nhận.

Trung Quốc cho phép nhập khẩu cây trồng biến đổi gen, nhưng Hắc Long Giang lại cấm nông dân trồng chúng. Nhiều người ở đây nghi ngờ sâu sắc về sự an toàn của những sản phẩm như vậy, cho cả người và đất đai.

Gai Yongfeng, người đứng đầu hợp tác xã nông nghiệp Gia Hưng ở Dawusili, nói: “Tôi sẽ không trồng chúng ngay cả khi chính phủ cho phép điều đó”. “Chúng có hại cho đất. Sau khi bạn trồng chúng ở đâu đó, không có cây trồng nào khác sẽ mọc được ở đó. Đó là những gì mọi người nói”.

Xung quanh Heihe, một số người trồng đang cố gắng hiện đại hóa theo những cách khác.

Hou Wenlin lập ra hợp tác xã đặc sản nông nghiệp hiện đại Linfeng vào năm 2014. Ông không tin rằng Trung Quốc sẽ có thể thay thế hoàn toàn nhập khẩu đậu nành.

"Cho dù có cố thì cũng không làm được”, ông Hou nói. “Đơn giản là không thể làm được điều đó”.

Dẫu vậy, ông tin rằng Trung Quốc có thể trồng đậu nành một cách khoa học hơn. Ở một trong các cánh đồng của hợp tác xã của ông, đậu nành được trồng thành các hàng gọn gàng cách nhau xa hơn để giữ cho cây có được nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Mỗi mùa, ông trồng một số loại hạt giống khác nhau để hiểu được mỗi giống có năng suất thế nào. Ông cũng có hai máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu.

Tuy nhiên, canh tác hiện đại thì đắt tiền. Và trong trường hợp của ông Hou, nó liên quan đến một vũ khí bí mật: công nghệ của Mỹ.

Trước văn phòng của hợp tác xã là một mảnh sân chứa đầy các loại máy nông nghiệp màu xanh sáng hiệu John Deere mà ông Hou mua với sự trợ giúp của các khoản trợ cấp của chính phủ. “Máy móc của Trung Quốc rẻ hơn nhưng dễ bị hỏng”, ông cho biết.

Ngay cả một số phân bón mà ông Hou sử dụng cũng đến từ Mỹ.

"Đầu tiên chúng tôi dựa vào trời, sau đó là dựa vào phân diammonium phosphate của Mỹ", ông Hou nhắc lại câu cửa miệng của nông dân ở đây.

Nhã Thanh (Theo NYTimes)

FILI







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc được nâng lên 4,8%

Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu năm mới mạnh mẽ nhờ nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của nước này và việc chính quyền nỗ lực phát triển công nghệ...

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao

Tổng Sản phẩm Quốc nội của Mỹ đã tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2024, thấp hơn nhiều mức trung bình được các nhà kinh tế dự báo trước đó là 2,4%, trong khi tốc độ...

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98