Mỹ-Trung khép lại vòng đàm phán ở Bắc Kinh
Mỹ-Trung khép lại vòng đàm phán ở Bắc Kinh
Trong một dòng tweet vào ngày thứ Sáu (29/03), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã khép lại vòng đàm phán thương mại “mang tính xây dựng” ở Bắc Kinh.
“Tôi mong được chào đón Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến Washington vào tuần tới để tiếp tục các cuộc đàm phán quan trọng này”, ông nói trong dòng tweet.
Ông Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer đang ở Thủ đô của Trung Quốc để tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên trong nhiều tuần qua, sau khi không thể đạt được mục tiêu tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 3/2019.
Ông Trump đã áp thêm thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong năm 2018, trong một động thái để buộc Trung Quốc thay đổi cách làm ăn với phần còn lại của thế giới và để thúc giục họ mở cửa nền kinh tế Trung Quốc đối với các công ty Mỹ.
Trong ngày thứ Năm (28/03), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh sẽ nâng mạnh khả năng tiếp cận thị trường cho các ngân hàng, công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm nước ngoài, qua đó góp phần vun vén cho suy đoán rằng Trung Quốc có thể sớm đưa ra các quy định mới để cho phép các công ty tài chính nước ngoài nâng tỷ lệ hiện diện của họ tại Trung Quốc.
Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, Mỹ có thể bỏ một số hàng rào thuế quan nếu hai bên tiến tới một thỏa thuận thương mại, đồng thời giữ lại một số để đảm bảo Trung Quốc tuân theo thỏa thuận.
“Chúng tôi sẽ không từ bỏ đòn bẩy của mình”, ông Kudlow nhận định. “Điều này không nhất thiết có nghĩa là tất cả hàng rào thuế quan sẽ được giữ nguyên. Một số hàng rào thuế quan sẽ ở lại. Một lần nữa, khi ông Bob Lighthizer (Robert Lighthizer) trở lại, ông ấy sẽ làm sáng tỏ điều đó. Đó là một phần của các cuộc đàm phán và hãy chờ xem”.
Các lĩnh vực chính mà Mỹ yêu cầu cải thiện bao gồm chính sách đối với sở hữu trí tuệ của Mỹ, mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ và đồng ý với một cơ chế triển khai thỏa thuận thương mại, ông Kudlow cho biết. Mỹ đã đề xuất gặp mặt định kỳ để đánh giá xem Trung Quốc có tuân thủ theo các lời hứa về cải cách trong thỏa thuận hay không, ông nói. Chính quyền Trump cũng muốn có khả năng áp thêm thuế lên Trung Quốc – mà không có lời đe dọa đáp trả – nếu Trung Quốc không giữ cam kết, ông nói.
Các công ty Mỹ cho biết họ thường bị ép buộc phải chuyển giao bí mật công nghệ cho các đối tác liên doanh Trung Quốc, các quan chức địa phương hoặc các cơ quan điều hành như là một điều kiện để hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ cho biết công nghệ này sau đó được chuyển giao và được sử dụng bởi các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.
Đây là vấn đề rất khó khăn đối với các nhà đàm phán khi các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc trước đó đã phủ nhận vấn đề này, qua đó khiến việc đàm phán về một giải pháp trở nên khó khăn.
Trung Quốc cho biết luật không yêu cầu chuyển giao công nghệ hoặc bất kỳ chuyển nhượng nào trong các giao dịch hợp pháp.
FiLi