Chuyện cân bằng lợi ích giữa cổ đông và nhân viên
Chuyện cân bằng lợi ích giữa cổ đông và nhân viên
Tháng 4, mùa cao điểm họp ĐHĐCĐ thường niên, doanh nghiệp giải trình năm cũ và bàn chuyện năm mới, cùng với đó là không ít các vấn đề mà có lẽ chỉ được đem ra tranh luận tại cuộc họp mỗi năm một lần này. Một trong những vấn đề được quan tâm gần đây chính là câu chuyện cân bằng lợi ích giữa những người chủ và những người làm thuê trong doanh nghiệp.
Chuyện ESOP: Thế nào và bao nhiêu là đủ?
Phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP) là một trong những hình thức được không ít doanh nghiệp niêm yết ưa chuộng. ESOP vừa bảo đảm phúc lợi cho nhân viên mà doanh nghiệp cũng không phải tốn nhiều chi phí, thậm chí còn thu được thêm một ít vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm chi những khoản thưởng kia nếu không phải là bên còn lại của “cuộc chơi” – các vị quý cổ đông.
Về mặt lý thuyết đầu tư, giá trị của một doanh nghiệp là tổng giá trị của tất cả các dòng tiền mà doanh nghiệp đó tạo ra ở tương lai, rồi chiết khấu về thời điểm hiện tại. Như vậy, giá trị những cổ phiếu ESOP được phát hành (khoản thưởng đến người lao động) theo cách hiểu này chính là lợi nhuận tương lai của cổ đông. Bởi vậy, việc phát hành ESOP dù đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (và đương nhiên là cả cổ đông), vẫn luôn là chủ đề tranh luận mỗi mùa Đại hội. Phát hành ESOP thế nào là phù hợp? Thế nào là trung hòa được lợi ích của các bên?
Một ví dụ như CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG), phần vì quy mô vốn hóa thị trường lớn và có lẽ cả quy mô lớn của lực lượng lao động Công ty, giá trị thị trường lượng cổ phiếu ESOP hàng năm của MWG rất đáng kể, xấp xỉ ngàn tỷ đồng. Dù Ban lãnh đạo MWG đã cố xây dựng chính sách ESOP gắn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (dựa trên tăng trưởng lợi nhuận sau thuế), gắn vào thành tích của cổ phiếu MWG (thị giá cổ phiếu so với VN-Index), lượng ESOP rất lớn đó vẫn khiến giới đầu tư không khỏi đặt câu hỏi và nhen nhóm lo ngại của cổ đông.
Mới đây, MWG thực hiện một bước đi mới mà theo lời Chủ tịch Nguyễn Đức Tài là “10 năm nay chưa ai làm”, đó là chương trình cấp quyền chọn mua cổ phiếu. Theo chia sẻ của vị Chủ tịch, trước những lo ngại của cổ đông, MWG đang xem xét giảm ESOP và tăng quyền chọn. “Cổ phiếu tăng thì tất cả đều được lợi, giảm thì mọi người đều không được. Chúng tôi muốn gắn chặt lợi ích của cổ đông và nhân viên.” – Chủ tịch tài khẳng định.
Đối với các doanh nghiệp khác ngoài MWG, thậm chí chính sách ESOP của họ vẫn không được thông tin rõ ràng và phần lớn chưa từng công bố một quy trình tính toán cụ thể để xác định tỷ lệ phát hành. Cổ đông biết về các con số, nhưng chưa từng được biết làm thế nào con số đó được chọn.
Tăng lương cho nhân viên: Sự mâu thuẫn lợi ích trong ngắn hạn
Tuy nhiên, không phải lúc nào cổ đông cũng ở thế yếu, tại một số doanh nghiệp thì chính người lao động mới là những người mà lợi ích của họ dường như bị lãng quên.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ của CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (HOSE: GDT) vừa qua, việc có hay không tăng lương và phúc lợi cho nhân viên là một trong những vấn đề chính. “Tôi muốn dành ngày hôm nay để nói về chủ đề này. Tại sao GDT làm ăn tăng trưởng chừng ấy năm mà anh em nhân viên cứ nghèo hoài?” – Chủ tịch Lê Hải Liễu xúc động.
Nhưng như lẽ thường tình, không phải cổ đông nào cũng hoàn toàn đồng thuận với vị Chủ tịch GDT. Có lẽ, muốn cải thiện đời sống cho nhân viên chưa bao giờ là việc dễ dàng, khi mà lợi ích của cổ đông – người chủ và nhân viên – người làm trong ngắn hạn ở trong một tình thế mà bên này được thì bên kia ắt phải chịu hy sinh.
Dù vậy, kết thúc Đại hội, Chủ tịch Hải Liễu vẫn đạt bước tiến lớn khi cổ đông đã chấp nhận thông qua việc tăng lương và trích quỹ khen thưởng cho cán bộ, nhân viên. Gọi là bước tiến lớn vì để có được kết quả đó, các vị quý cổ đông đã phải chấp nhận điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận của năm 2019 giảm xuống.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Đại hội, Chủ tịch Hải Liễu đã đưa ra một đề xuất mà có lẽ nhiều doanh nghiệp niêm yết khác cũng nên học hỏi. Đó là, GDT dự kiến sẽ ghi nhận khoản tiền trích quỹ khen thưởng và phúc lợi vào chi phí của doanh nghiệp, đồng nghĩa GDT (hay cổ đông) sẽ bớt đi một phần nghĩa vụ thuế và đương nhiên… là cả lợi nhuận kế toán. “Thực chất nếu không ghi nhận là chi phí thì quý cổ đông cũng đã cho đi phần này, nhưng lại không được hưởng lợi. Hành động này sẽ làm giảm lợi nhuận kế toán một chút, nhưng cái lợi thật sự sẽ thuộc về quý cổ đông.” – Chủ tịch Hải Liễu cho biết.
Thật lạ, ngày chưa lên sàn có lẽ đa phần chủ doanh nghiệp nào cũng muốn lợi nhuận kế toán thấp nhất có thể, nhưng một khi cổ phiếu đã được niêm yết trên sàn chứng khoán thì mọi chuyện bỗng quay ngoắt sang hướng khác. Họ muốn điều ngược lại, họ muốn trả nhiều thuế hơn?
Nỗi lo của “giới chủ”?
Tiếc thay, những nỗ lực tại MWG và GDT chẳng phải là gam màu chính của toàn bộ bức tranh lớn đằng sau. Ngược lại, hiện nay tồn tại nhiều doanh nghiệp niêm yết chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc cân bằng lợi ích của cổ đông và nhân viên, theo cách này hay cách khác.
Mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông nội bộ tham gia điều hành và cổ đông bên ngoài luôn hiện hữu.
|
Vẫn có doanh nghiệp trích 1/4 số tiền kiếm được hàng năm để khen thưởng, phúc lợi mà chẳng hề công bố một báo cáo chi tiết liên quan nào đến cổ đông, vẫn có doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành ESOP chỉ cho mỗi mình Chủ tịch,… Dường như Ban lãnh đạo những doanh nghiệp này quên mất rằng họ chính là những người đứng giữa cân bằng lợi ích các bên, nhưng kể cũng thật “khó xử” khi mà lợi ích của họ ít nhiều cũng liên quan. Sự mâu thuẫn lợi ích giữa những cổ đông nội bộ (tham gia điều hành) và những cổ đông bên ngoài luôn hiện hữu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm đa phần bởi nhà đầu tư cá nhân, đa số họ trong nhiều trường hợp khó có thể ảnh hưởng đáng kể đến quyết định nào đó của doanh nghiệp. Nhưng đó là khi những quan điểm đó riêng lẻ, nếu đạt được sự đồng thuận thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.
Tuy vậy, sự đồng thuận ấy liệu có thể đạt được không khi mà không ít nhà đầu tư cá nhân có lẽ vẫn dành phần lớn sự quan tâm của họ đến những diễn biến trên thị trường chứng khoán chứ không phải là tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
FILI