Quan chức Nhà Trắng: Mỹ sẵn lòng chấp nhận bị phạt nếu vi phạm thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung
Quan chức Nhà Trắng: Mỹ sẵn lòng chấp nhận bị phạt nếu vi phạm thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung
Mỹ sẵn sàng đối mặt với “các hậu quả” nếu họ không tuân thủ theo các cam kết trong thỏa thuận thương mại tiềm năng với Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, trong một dấu hiệu cho thấy cả hai bên đã quá gần tới một thỏa thuận.
“Mỹ có đưa ra một số cam kết nhất định trong thỏa thuận này và Trung Quốc cũng đưa ra các cam kết của họ”, ông Mnuchin nói với các phóng viên trong ngày thứ Bảy (13/04) tại cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington.
“Tôi sẽ kỳ vọng cơ chế triển khai thỏa thuận sẽ có hiệu quả ở hai chiều, rằng chúng tôi sẽ tuân theo các cam kết đề ra, và nếu không thì sẽ phải đối mặt với một số hậu quả nhất định và ở chiều ngược lại cũng vậy”, ông nói.
Ông Mnuchin cho biết hai quốc gia đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 9 tháng qua – vốn đã phủ màn đen u ám lên tăng trưởng toàn cầu và thị trường tài chính. Theo thỏa thuận đang được thương lượng, Mỹ và Trung Quốc sẽ thiết lập một “phòng giám sát thực thi”, ông nói.
Mỹ và Trung Quốc đang bàn luận xem có nên tổ chức thêm các cuộc đàm phán trực tiếp hay không, ông Mnuchin cho biết sau khi các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh và Washington trong vài tuần gần đây đã khép lại. “Hy vọng là chúng tôi đang tiến rất gần tới vòng cuối cùng để giải quyết những vấn đề này”, ông nói.
IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 giữa lúc triển vọng từ hầu hết các nền kinh tế phát triển có vẻ u ám hơn và dấu hiệu về khả năng áp thêm thuế đang gây áp lực lên hoạt động thương mại.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất của IMF, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3.3% trong năm nay, giảm từ mức 3.5% mà IMF đã dự báo trong tháng 1/2019. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009, thời điểm nền kinh tế thế giới bước vào suy thoái. Chỉ trong vòng 6 tháng, IMF đã 3 lần hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
“Đây quả là thời khắc nhạy cảm” của nền kinh tế toàn cầu, Gita Gopinath – người vừa trở thành Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF trong thời gian gần đây – cho biết tại cuộc họp báo ở Washington. Triển vọng năm tới là khá bấp bênh, bà cho hay.
FiLi