OECD: Bất ổn thương mại Mỹ-Trung là kẻ thù của tăng trưởng
OECD: Bất ổn thương mại Mỹ-Trung là kẻ thù của tăng trưởng
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã làm chững lại đà hồi phục toàn cầu và tiếp tục đe dọa tới đầu tư và tăng trưởng, Tổng Thư ký của OECD lên tiếng cảnh báo trong ngày thứ Hai (20/05).
“Chúng ta đang trong quá trình phục hồi khi tất cả quyết định về thương mại bắt đầu và không chỉ cản trở đà phục hồi, thương chiến Mỹ-Trung còn dẫn tới tình trạng giảm tốc và có khả năng gây thiệt hại nhiều hơn”, Angel Gurria, Tổng Thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nói với CNBC.
“Mọi người đang đặt cược vào thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, nhưng vấn đề là căng thẳng thương mại ngày càng leo thang và thứ hai là tác động lan truyền của căng thẳng Mỹ-Trung sẽ trở nên ngày càng rõ ràng hơn”, ông nói tại Diễn đàn Mùa xuân của OECD tại Paris.
Các chủ đề quan trọng tại diễn đàn năm nay trải dài từ các thách thức tác động tới hợp tác quốc tế và triển vọng kinh tế toàn cầu cho tới tương lai của việc làm, thương mại và cạnh tranh trong kỷ nguyển kỹ thuật số. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có khả năng chiếm ưu thế tại diễn đàn.
Trước đó trong tháng 5/2019, mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế ngày càng xấu đi khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%. Trung Quốc đáp trả bằng cách nâng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung được cho là đã chững lại và trong khoảng thời gian đó, dữ liệu mới nhất cho thấy đà giảm tốc của hoạt động tiêu dùng và hoạt động công nghiệp ở Mỹ và Trung Quốc. Ông Trump khăng khăng cho rằng hàng rào thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc có tác động lớn tới kinh tế Trung Quốc, cho rằng chúng cũng khiến các công ty dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Châu Âu cũng bị Mỹ dọa áp thuế lên xe hơi. Mặc dù Mỹ vẫn chưa áp hàng rào thuế quan xe hơi, nhưng ông Trump cho biết trong ngày thứ Sáu (17/05) rằng Liên minh châu Âu (EU) đối xử với Trung Quốc “còn tệ hơn cả Trung Quốc, họ chỉ nhỏ hơn thôi”.
Gurria cho biết căng thẳng thương mại đang tác động tới tăng trưởng và đầu tư, đồng thời thôi thúc OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu bớt gần 1% trong vòng 12 tháng vừa qua. Một năm về trước, OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt mức 3.9% trong năm 2019 và hiện tại họ chỉ dự báo ở mức 3.1%.
“Bất ổn thương mại là kẻ thù lớn nhất tới tăng trưởng và khi họ không có đầu tư vì bất ổn thương mại, thì dĩ nhiên, tăng trưởng sẽ đi xuống và đó là những gì đã xảy ra trong thời gian qua. Nó là nguồn gây ra lo ngại rất lớn”, ông cho biết.
“Tại sao lại đầu tư? Bạn đầu tư để sản xuất, để bán và để có lợi nhuận hợp lý. Nhưng nếu bạn không biết liệu bạn có khả năng tiếp cận tới thị trường hay không thì bạn sẽ không biết là mình sẽ phải đối mặt hàng rào thuế quan nào và liệu có được tiếp cận tới thị trường hay không”, ông Gurria cho hay. “Đầu tư là hạt giống tăng trưởng của ngày mai và đó là lý do tại sao, sau một khoảng thời gian ngắn, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng quá nhiều”.
FiLi