Chủ tịch Asanzo vướng nghi vấn bán hàng Trung Quốc đội lốt Việt là ai?
Chủ tịch Asanzo vướng nghi vấn bán hàng Trung Quốc đội lốt Việt là ai?
Không học đại học, thời trẻ từng phải trải qua nhiều công việc như bưng phở, buôn linh kiện, ông Phạm Văn Tam trở thành Chủ tịch Tập đoàn Asanzo. Ông được mời tham gia show truyền hình thực tế Shark Tank mùa 3 dự kiến phát trên VTV vào tháng 7.2019 với vai trò "cá mập", nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp nhiều tiềm năng.
* Một số siêu thị điện máy lớn tháo hàng Asanzo khỏi quầy kệ
* Cơ quan chức năng nói gì về vụ Asanzo?
* Điều tra: Thủ thuật xóa dấu vết 'made in China' của Asanzo
* Điều tra: Asanzo - hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt
* Tước danh hiệu Hàng VN chất lượng cao với Asanzo
* Asanzo có phải là hàng Việt Nam chất lượng cao?
Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo . Ảnh: Thành Nguyễn (VNE)
|
Chủ tịch Asanzo là ông Phạm Văn Tam được giới thiệu là học hết lớp 12, có đam mê kinh doanh và từng đi buôn tivi nội địa cũ.
Hình ảnh của ông Phạm Văn Tam được quảng cáo trên poster chương trình Shark Tank mùa thứ 3 của VTV. Ảnh VTV
|
Hình ảnh của ông trước đây luôn được đánh giá là doanh nhân thành đạt với thương hiệu tivi "Made in Việt Nam" nổi tiếng. Năm nay, ông Tam còn được VTV quảng cáo sẽ tham gia show truyền hình thực tế Shark Tank mùa 3 với vai trò "cá mập", nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp nhiều tiềm năng.
Theo Cổng thông tin Quốc gia đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo được thành lập vào tháng 10.2016 với vốn điều lệ 100 tỉ đồng. Đây là đơn vị kinh doanh chính của thương hiệu Asanzo.
Chủ đầu tư lớn nhất của Tập đoàn Asanzo là ông Phạm Văn Tam, góp vốn 90 tỉ đồng (tương đương tỷ lệ sở hữu 90%). 10% vốn còn lại chia đều cho 5 chủ đầu tư khác, gồm hai tổ chức Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo; ba cá nhân gồm bà Phạm Thị The, ông Phạm Văn Toản và ông Phạm Xuân Tình.
Ông Phạm Văn Tam sinh năm 1980 tại Quảng Ninh. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông đã bươn trải khắp nơi kiếm tiền mà không đi học đại học. Trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, ít ai biết rằng ông Tam đã trải qua nhiều công việc như chụp ảnh, bưng phở, áp tải hàng, buôn linh kiện...
"Thời niên thiếu tôi có thể không học cao. Với tôi, kinh nghiệm trường đời là người thầy duy nhất" - ông Tam từng bộc bạch.
Ông Tam thất bại khi thành lập doanh nghiệp đầu tiên, dốc toàn bộ vốn vào khởi nghiệp nhưng doanh nghiệp đã đóng cửa sau một năm hoạt động.
Ông chủ Asanzo khởi nghiệp nhiều khó khăn. Ảnh TL
|
Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục dốc sức lập doanh nghiệp thứ 2.
Năm 2013, nhận thấy những thương hiệu tivi nổi tiếng chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp, ông quyết định thành lập Asanzo – thương hiệu Tivi dành riêng cho người Việt. Asanzo đã tập trung sản xuất các loại tivi có kích thước tầm trung từ 21, 24 – 32 inch, tập trung vào phân khúc khách hàng ở nông thôn.
Cách đây vài ngày, Báo Tuổi trẻ đăng loạt bài điều tra về việc Asanzo dính nghi vấn sử dụng linh kiện Trung Quốc, xé nhãn "Made in China" và dán nhãn "Xuất xứ Việt Nam" vào sản phẩm.
Liên quan đến nghi vấn “Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam”, trả lời báo báo chí, ông Phạm Văn Tam cho biết việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.
Ngày 21.6, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp Asanzo.
"Thay mặt ban chấp hành, tôi nhận lỗi với người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính về sai sót này", bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - cho biết trong thông cáo phát chiều 21.6.
Theo bà Hạnh, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt, và ảnh hưởng xấu tới uy tín chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao.
H.M