CPI Mỹ tăng 5.4% khi giá năng lượng tăng vọt
CPI Mỹ tăng 5.4% khi giá năng lượng tăng vọt
Chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 9/2021 khi giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh và bù đắp cho đà giảm của giá xe hơi đã qua sử dụng, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong ngày 13/10.
Chỉ số giá tiêu dung tăng 0.4% so với tháng trước, cao hơn dự báo 0.3% của các chuyên gia tham gia khảo sát của Dow Jones. Xét trong giai đoạn 12 tháng, CPI tăng 5.4%, cao hơn ước tính 5.3% và là mức cao nhất kể từ tháng 1/1991.
Tuy nhiên, khi loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm, CPI lõi tăng 0.2% so với tháng trước và 4% so với cùng kỳ, thấp hơn ước tính 0.3% và 4%.
Giá xăng tăng thêm 1.2% trong tháng 9 và tăng 42.1% trong giai đoạn 12 tháng. Giá dầu nhiên liệu tăng 3.9% trong tháng 9 và nhảy vọt 42.6% trong 12 tháng.
Giá thực phẩm cũng cho thấy đà tăng đáng chú ý trong tháng 9, trong đó thực phẩm tại nhà tăng 1.2%. Giá thịt tăng 3.3% trong tháng 9/2021 và tăng 12.6% trong 12 tháng.
“Giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh hơn, nhưng đó cũng là yếu tố gây ra rắc rối”, Bob Doll, Giám đốc đầu tư tại Crossmark Global Investments, cho hay. “Hy vọng là chúng ta có thể giải quyét vấn đề thiếu hụt cung ứng. Tuy nhiên, khi mọi thứ lắng xuống, lạm phát sẽ không trở về phạm vi 0-2% - vốn là phạm vi bình thường trong 10 năm qua”.
Giá xe hơi đã qua sử dung – vốn là yếu tố chính gây ra áp lực lạm phát trong vài tháng trước – giảm 0.7% trong tháng 9 và chỉ còn tăng 24.4% trong 12 tháng. Tuy nhiên, đà tăng kéo dài của giá hàng hóa ngay cả khi xét tới mức giảm của giá xe hơi đã qua sử dụng có thể củng cố cho quan điểm lạm phát sẽ kéo dài hơn dự báo của các nhà hoạch định chính sách.
Giá vé máy bay giảm 6.4% trong tháng 9, sau cú lao dốc 9.1% trong tháng 7. Giá quần áo cũng giảm 1.1% trong tháng 9/2021, trong khi giá dịch vụ vận tải giảm 0.5%. Cả hai lĩnh vực này đã tăng trong vài tháng gần đây và vẫn cho thấy mức tăng 3.4% và 4.4% trong giai đoạn 12 tháng qua.
Các quan chức Fed nhận định tình trạng lạm phát tăng mạnh chỉ là tạm thời, cho rằng chính yếu tố liên quan tới chuỗi cung ứng và nhu cầu cao bất thường sau khi tái mở cửa kinh tế là yếu tố chính gây ra lạm phát. Họ kỳ vọng các yếu tố gây ra lạm phát này sẽ suy yếu trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, quan điểm này gây tranh cãi lớn.
“Quan điểm lạm phát chỉ tồn tại trong thời gian ngắn của Fed không đáng tin”, Doll cho biết. “Bạn có thấy ai đó không cần chỗ sinh sống, không ăn uống, không sử dụng năng lượng hay không. Nếu có thì lạm phát có lẽ không phải là vấn đề. Tuy nhiên, thực tế thì đâu phải vậy”.
IMF cảnh báo về khả năng siết chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo trong báo cáo ngày 12/10 rằng các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ trong trường hợp lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.
IMF phần lớn vẫn đồng tình với các đánh giá từ Fed và nhiều chuyên gia kinh tế khác rằng lạm phát rồi sẽ dịu lại. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng các dự báo này “có độ không chắc chắn khá cao”.
Tổ chức này đề cập tới Mỹ cũng như Anh và các nước phát triển khác là những nơi mà “rủi ro lạm phát đang nghiêng theo hướng gia tăng”.
“Mặc dù chính sách tiền tệ nhìn chung có thể bỏ qua các đà tăng tạm thời của lạm phát, nhưng các lãnh đạo NHTW nên chuẩn bị tâm lý để hành động nhanh chóng nếu rủi ro kỳ vọng lạm phát gia tăng trở thành hiện thực trong bối cảnh bất ổn này”, bà Gita Gopinath, Cố vấn kinh tế và Giám đốc nghiên cứu tại IMF, cho biết trong báo cáo.
“Các ngân hàng trung ương nên chuẩn bị trước các hành động, thông báo rõ về các yếu tố thôi thúc NHTW hành động và các động thái phải đồng nhất với những gì đã truyền tải”, bà nói.