'Đưa người lao động về quê như xì van cho nồi áp suất đang căng'

03/10/2021 20:00
03-10-2021 20:00:00+07:00

'Đưa người lao động về quê như xì van cho nồi áp suất đang căng'

"Việc người dân kéo về quê giống như nồi áp suất đang căng. Giải pháp là phải xì van cho họ bình tĩnh lại, nếu không mọi thành quả sẽ đổ bể", PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nói.

đưa người dân TP.HCM về quê ảnh 1

Một ngày trước khi TP.HCM kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chiều 30/9, 800 người dân Phú Yên trong bộ đồ bảo hộ xanh, xếp hàng ngay ngắn tại bến xe Miền Đông, chờ làm thủ tục để lên xe khách về quê nhà theo đăng ký từ trước.

Cùng lúc đó, hàng nghìn xe máy đổ về cửa ngõ miền Tây dù thành phố đã yêu cầu người dân không tự ý rời TP. Đây hầu hết là gia đình của người lao động nhập cư gặp khó khăn khi ở lại TP.HCM và mong muốn về quê. Hàng chục nghìn người chờ suốt đêm tại các cửa ngõ cho đến khi được chính quyền sắp xếp hồi hương.

Cùng là hành trình về quê nhưng hai cách về khác nhau dẫn đến những hệ quả khác nhau. PGS.TS Nguyễn Đức Lộc (Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội - Social Life) cho rằng từ bài học ngày 30/9, chính quyền nên mở rộng kế hoạch đưa người dân có mong muốn rời TP.HCM về quê thay vì cố gắng kêu gọi họ ở lại thành phố.

Cần mở van cho nồi áp suất đang căng

Nhìn hình ảnh dòng người đổ về cửa ngõ thành phố, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nhận định hiện tượng này giống như "đình công" trong một công ty. Những người lao động nhập cư có mạng lưới trao đổi thông tin rất tốt như các nhóm Zalo, Facebook.

Qua mạng lưới riêng của mình, họ nghe ngóng tình hình, cân nhắc việc phải làm và đồng loạt hành động rất nhanh, vì lo sợ nếu không hành động thì mọi thứ sẽ trễ. Ông cho rằng cần phải hiểu khuôn mẫu hành vi của nhóm này để giải quyết bài toán về họ.

Từng phỏng vấn nhiều công nhân gặp khó khăn trong đại dịch, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho biết tâm trạng chung của những người này là khao khát hồi hương, đặc biệt là nhóm trẻ tuổi. Nhóm này có nhu cầu gắn kết tình thân rất lớn bởi còn bố mẹ già, con nhỏ, người thân… ở quê nhà. Trong khi đó, nhóm người lao động trung niên, khoảng 40 tuổi, có thể còn lưỡng lự giữa về và ở vì cuộc sống tại thành phố đã tương đối ổn định.

Thêm vào đó, đặc điểm của nhóm lao động nhập cư miền Tây là thường xuyên di chuyển giữa TP.HCM và quê nhà bằng xe khách hoặc xe máy. Khi chưa bùng dịch, họ có thể về quê hàng tuần, hàng tháng, nhưng đến nay đã hơn 4 tháng họ không về nhà.

Khi ở lâu trong 4 bức tường, nhóm này chịu áp lực tâm lý lớn. Cùng với đó là tình trạng thiếu ăn, cạn kiệt tiền mặt. Các gói hỗ trợ tài chính không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và nhu cầu gắn kết tình thân là nhu cầu tột bậc khiến họ nhất quyết về quê.

Khuôn mẫu hành vi của nhóm yếu thế là không đối đầu trực diện, nhưng họ luôn có hành vi khó đoán trước, ví dụ như bất ngờ đông người tụ tập, ùn ùn kéo về cửa ngõ. Nếu chặn hết cửa ngõ và nhất quyết không cho nhóm này rời TP.HCM, họ thậm chí có thể ra đường ở chứ không ở trong khu trọ. Đó là những kịch bản hoàn toàn có thể lường trước.

“Tình thế này giống như nồi áp suất đang căng. Giải pháp là phải xì van cho người dân bình tĩnh lại. Nếu cứ tiếp tục giữ tình trạng căng thẳng thì mọi thành quả có được thời gian qua sẽ đổ vỡ”, ông nhận định.

Không thể cản người dân về quê

Từ góc nhìn đó, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc tán đồng việc TP.HCM thu xếp cho người dân về quê và cho rằng cần phải có kế hoạch, lộ trình lâu dài, lên danh sách, kiểm soát lượng người đi.

“Hàng chục nghìn người cùng nhau giải quyết bài toán về quê còn hơn để mỗi cá nhân tự giải bài toán của họ. Mình không thể cản được người dân”, ông nói.

Nếu không tạo điều kiện để nhóm này về quê, họ cũng sẽ tìm cách về bằng đường tiểu ngạch như thời gian qua. Trong khi đó, việc người dân đổ về các tỉnh miền Tây có thể là nguồn lây dẫn đến tê liệt cả vùng.

đưa người dân TP.HCM về quê ảnh 2

Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trước khi đưa về quê. Ảnh: Chí Hùng.

Ông Lộc cho rằng việc TP.HCM tạo điều kiện cho người dân về quê giúp họ giải quyết nhu cầu trước mắt là nghỉ ngơi, gắn kết tình cảm. Sau một thời gian ngắn, họ sẽ lại tìm cách quay lại thành phố.

Thay vì để người dân tự ý về quê nhỏ giọt kéo dài hàng tháng, Nhà nước nên tạo cơ chế cho người dân đăng ký về quê, sau đó trở lại thành phố tiếp tục làm việc. Cách làm này giúp tạo ra "lực phản hồi" để khi trở lại, người lao động có nhiều năng lượng hơn, tạo nên sức bật cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chuyên gia cảnh báo rằng những lần trước, TP.HCM đang giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nội thành còn nhiều chốt chặn nên người dân có thể dễ từ bỏ ý định về quê. Nhưng lần này, TP.HCM mở cửa để phục hồi kinh tế nên người dân sẽ có tâm lý tìm mọi cách về quê vì nay đã là "bình thường mới". Do đó, họ sẽ không dễ dàng từ bỏ ý định và tìm mọi cách về quê.

"Không nên để họ rơi vào ngưỡng quá sức chịu đựng, như vậy, rủi ro sẽ rất cao", ông nói.

Thông điệp chính của TP.HCM khi công bố quyết định mở cửa là kêu gọi người dân ở lại TP.HCM, thành phố mở cửa để tạo công ăn việc làm cho người dân trở lại sản xuất. TS Lộc cho rằng lời kêu gọi này một phần xuất phát từ mối lo của doanh nghiệp về việc thiếu lao động để hoàn thiện các đơn hàng cuối năm.

Tuy nhiên, mục tiêu của chính quyền TP.HCM và mục tiêu của nhóm lao động này hiện chưa gặp nhau. Trong khi TP.HCM mong muốn nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế thì người lao động lại mong muốn mở cửa đề về quê nhà.

“Ý chí về quê của người dân rất mạnh mẽ, có thể vượt qua tất cả hàng rào. Hình dung một tù nhân ở trong 4 góc tường còn muốn tìm cách vượt thoát, huống chi là một thành phố rộng lớn. Không gì có thể cản được ý chí mạnh mẽ đó, nên tốt nhất là hợp tác”, ông nói.

đưa người dân TP.HCM về quê ảnh 3

Người dân trên chuyến xe rời TP.HCM do chính quyền tổ chức sáng 1/10. Ảnh: Chí Hùng.

Do đó, chuyên gia đề xuất TP.HCM thay đổi diễn ngôn từ kêu gọi người dân ở lại thành tạo điều kiện cho người dân rời TP.HCM về quê, song song với đón người lao động ngoại tỉnh trở lại TP.HCM làm việc.

TP.HCM có thể tổ chức chuyến xe 2 chiều, vừa đưa người từ TP.HCM về tỉnh, rồi đón người từ tỉnh đó lên TP.HCM lao động. Chính quyền có thể chủ động hơn trong liên kết với các tổ chức chính trị, xã hội, hội đồng hương nhằm lên danh sách người có nhu cầu về quê; hoặc tạo đường dây nóng cho người dân đăng ký.

Thêm vào đó, TP cũng nên đề nghị người về quê đăng ký thời gian trở lại thành phố để tiếp tục lao động sau một thời gian nghỉ ngơi.

“Có thể trong thời gian tiến hành các quy trình này, hoạt động kinh tế phục hồi, người dân tìm được việc làm và không còn muốn về quê nữa. Nhưng chúng ta cần cho người dân thấy rằng thành phố đang nỗ lực đồng hành cùng người dân cả mặt đời sống và tinh thần, không chỉ khía cạnh việc làm”, ông Lộc kiến nghị.

Thu Hằng

Zing







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Vinamilk tiếp tục có nhà máy trung hòa carbon, thêm “mảnh ghép xanh” cho tiến trình Net Zero

Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2024, Vinamilk công bố nhà máy nước giải khát Việt Nam đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014. Như vậy, Vinamilk...

Imexpharm chung tay cùng TP Nha Trang bảo vệ môi trường vì cuộc sống khỏe mạnh hơn cho mỗi người dân

Hôm nay, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm đã đồng hành cùng UBND Thành phố Nha Trang triển khai trồng cây xanh dọc tuyến đường Vành đai 2 thuộc Thành phố Nha...

TPHCM bổ sung hơn 123 tỷ đồng/năm trợ cấp cho bảo vệ dân phố

UBND TPHCM đề xuất điều chỉnh nâng mức phụ cấp hằng tháng đối với lực lượng bảo vệ dân phố. Dự kiến, ngân sách để bảo đảm chế độ cho lực lượng bảo vệ dân phố là gần...

Công an TPHCM cảnh báo các chiêu trò lừa đảo dịp gần Tết Nguyên đán

Theo Công an TPHCM, trong giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới, một số đối tượng tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian...

Du xuân cùng Vietjet với khuyến mãi vé bay từ 0 đồng

Vietjet tung vé bay quốc tế từ 0 đồng (chưa gồm thuế phí) vào thứ 4, 5, 6 hàng tuần từ nay đến hết 10/2/2024 và tuần lễ vàng ưu đãi đến 20% cho hạng vé Business và...

Tập đoàn Mirae Asset tặng học bổng hơn 4 tỷ đồng cho sinh viên Việt Nam

Trong năm 2023 vừa qua, "Quỹ Tài trợ khát vọng tương lai" trực thuộc tập đoàn Mirae Asset đã tài trợ học bổng cho sinh viên các trường đại học tại Việt Nam, tổng...

SeABankers khơi nguồn sống xanh từ những điều giản đơn

Trong tháng 11/2023 Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) đã tổ chức thành công chuỗi hoạt động xã hội thường niên “Tuần lễ công dân 2023 – SeABankers vì...

SeABank tiếp tục phủ xanh 3ha rừng phòng hộ tại Thanh Hóa, hướng tới phát triển bền vững

Ngày 26/12/2023, gần 6,000 cây tếch và cây keo lai mô - loại cây lâm nghiệp đảm bảo đúng quy định về cây xanh phân tán và trồng rừng trị giá hơn 300 triệu đồng được...

SHB ủng hộ 2 tỷ đồng góp phần mang “mùa xuân cho em” dịp Tết Nhâm Nhìn

Nhằm góp phần mang một cái Tết ấm áp, đủ đầy hơn đến với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ủng hộ 2 tỷ đồng cho chương...

Net Zero không còn là câu chuyện xa lạ với người dân rừng ngập mặn mũi Cà Mau

“Hồi đó, tôm ở đây trúng lắm. Người ta đứng trên bờ mà dậm chân một cái là tôm búng đục nước. Xổ vuông một đêm cả tấn tôm, mấy cha con tôi lựa từ 8h tối đến 8h sáng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98