Mùa đông này có thể lạnh sâu vì La Nina, khủng hoảng năng lượng châu Á thêm “nóng”

25/10/2021 16:12
25-10-2021 16:12:46+07:00

Mùa đông này có thể lạnh sâu vì La Nina, khủng hoảng năng lượng châu Á thêm “nóng”

La Nina - một hiện tượng thời tiết thường bao gồm nhiệt độ giảm sâu bất thường trong mùa đông - đang xuất hiện và được dự báo sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở khu vực châu Á...

Gió lạnh thổi những con sóng lớn xô vào bờ ở Yên Đài, Sơn Đông, Trung Quốc - Ảnh: Feature China - Bloomberg.

La Nina hình thành khi những luồng gió mậu dịch ở vùng xích đạo mạnh lên, đưa những dòng biển lạnh từ dưới đáy sâu nổi lên trên bề mặt của đại dương. Hiện tượng này đã xuất hiện ở khu vực Thái Bình Dương khi bán cầu Bắc chuẩn bị bước vào những tháng mùa đông. Hiện tượng La Nina thường đồng nghĩa với nhiệt độ thấp hơn bình thường và khiến các cơ quan dự báo khí tượng đưa ra cảnh báo về một mùa đông khắc nghiệt.

Một số quốc gia ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc – nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, đang chật vật ứng phó với sự leo thang chóng mặt của giá nhiên liệu, tình trạng thiếu điện liên miên và những đợt cắt điện luân phiên đối với hoạt động sản xuất công nghiệp. Giá than và khí đốt tự nhiên đã lập những kỷ lục mới trong thời gian gần đây, và cuộc khủng hoảng năng lượng này chỉ có trở nên nghiêm trọng hơn nếu nhiệt độ xuống thấp hơn bình thường trong mùa đông năm nay.

“Chúng tôi cho rằng mùa đông năm nay ở các nước châu Á thuộc bán cầu Bắc sẽ lạnh hơn mọi năm”, Phó chủ tịch Renny Vandewege của công ty cung cấp dữ liệu DTN nhận định. “Dữ liệu dự báo thời tiết là một yếu tố quan trọng để dự báo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng”.

Hãng tin Bloomberg đã điểm qua tình hình khủng hoảng năng lượng tại một số nền kinh tế chủ chốt ở châu Á trong bối cảnh La Nina xuất hiện:

TRUNG QUỐC

Đầu tuần trước, nhiệt độ đã giảm mạnh ở phần lớn khu vực miền Đông của Trung Quốc. Ở vùng phía Bắc, thời tiết đã chuyển lạnh hơn bình thường ở nhiều nơi – theo Trung tâm Thời tiết Quốc gia của nước này. Các tỉnh gồm Hắc Long Giang, Thiểm Tây và Sơn Tây đã bước vào mùa đơng sớm hơn từ 4-13 ngày so với những năm trước. Hệ thống sưởi ấm do các chính quyền địa phương kiểm soát, thường chạy bằng than hoặc ga, đã bắt đầu cung cấp nhiệt sưởi cho các hộ gia đình ở nhiều khu vực.

Điều kiện thời tiết cực đoan có thể xảy ra thường xuyên hơn do hiện tượng ấm lên toàn cầu, theo giáo sư khoa học khí tượng Zhi Xiefei thuộc Đại học Khoa học và công nghệ thông tin Nam Kinh. “Những đợt sóng lạnh có thể khiến nhiệt độ giảm sâu hơn, nhưng những đợt nóng bất thường cũng có thể xuất hiện”.

Trung tâm Thời tiết Quốc gia Trung Quốc cho rằng nước này có thể bước vào tình trạng La Nina trong tháng 10, Tân Hoa Xã đưa tin hôm thứ Bảy.

NHẬT BẢN

Nhiệt độ ở Nhật Bản có thể giảm xuống mức thấp hơn bình thường từ tháng 11, theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản. Trước đó, cơ quan này đã dự báo khả năng 60% La Nina xuất hiện trong mùa thu đông năm nay.

Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản chưa chịu tác động đáng kể nào từ khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, nước này giữ cảnh giác cao vì một đợt lạnh bất thường vào năm ngoái đã khiến giá điện bán buôn tăng vọt. Ở thời điểm đó, các nhà máy phát điện và cung cấp nhiệt sưởi của nước này đã không có đủ nhiên liệu đầu vào để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện và nhiệt, buộc họ phải mua những lô khí hoá lỏng (LNG) với mức giá đắt đỏ.

Gần đây, Bộ Thương mại Nhật Bản đã tiến hành họp với các doanh nghiệp điện và dầu khí lớn của nước này để bàn biện pháp chuẩn bị cho những tháng mùa đông. Lượng LNG dự trữ của các công ty phát điện lớn của Nhật Bản hiện đang ở mức cao hơn 24% so với trung bình 4 năm.

HÀN QUỐC

Cơ quan khí tượng của Hàn Quốc cũng dự báo nửa đầu mùa đông năm nay ở sẽ lạnh hơn thường lệ và nước này có khả năng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng La Nina. Đợt tuyết rơi đầu tiên trong mùa đông này ở Hàn Quốc đã đến sớm hơn 15 ngày so với năm ngoái, và tháng 10 năm nay ở xứ kim chi cũng lạnh hơn mọi năm.

Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai các biện pháp nhằm tăng cường nguồn cung năng lượng và giảm thiểu ảnh hưởng của tình trạng giá nhiên liệu leo thang. Thuế xăng dầu và thuế nhập khẩu LNG sẽ giảm tạm thời – Bộ Tài chính Hàn Quốc tuyên bố hôm thứ Sáu.

ẤN ĐỘ

Nhiệt độ ở một số vùng thuộc miền Bắc của Ấn Độ được dự báo có thể giảm về ngưỡng 3 độ C trong tháng 1-2 tới trước khi trời ấm lên. Không giống như nhiều quốc gia khác, nhiệt độ giảm ở Ấn Độ thường dẫn tới nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm do nhu cầu dùng điều hoà không khí ở nước này giảm bớt.

Quan trọng hơn cả, Ấn Độ có thể bước vào một giai đoạn thời tiết khô ráo hơn sau những tháng mùa mưa. Các khu vực khai thác than chính của nước này đã ở trong tình trạng ngập lụt trong những tháng gần đây, gây thắt chặt nguồn cung than – loại nhiên liệu đầu vào cho khoảng 70% sản lượng điện của Ấn Độ.

Bởi vậy, mùa đông lạnh hơn lại là nhân tố có thể giảm bớt áp lực đối với Ấn Độ về vấn đề năng lượng.

Ngoài hiện tượng La Nina, còn có một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến thời tiết mùa đông năm nay ở châu Á – theo ông Todd Crawford, Giám đốc phụ trách vấn đề khí tượng thuộc Atmospheric G2. Biến đổi khí hậu đã dẫn tới tình trạng thiếu băng ở biển Kara thuộc Bắc Cực. Tình trạng này có thể là một nguyên nhân dẫn tới sự hình thành áp suất cao ở khu vực, dẫn tới thời tiết lạnh hơn bình thường ở khu vực Đông Bắc của châu Á, “tương tự như những gì xảy ra trong mùa đông năm ngoái” – ông Crawford nói.

Ngoài ra còn có những dấu hiệu cho thấy hiện tượng lốc xoáy vùng cực – một vành đai gió giúp ghìm giữ không khí lạnh ở vùng cực – có thể yếu hơn bình thường trong mùa đông này. Do đó, không khí lạnh từ vùng cực Bắc có thể tràn xuống phía Nam, theo ông Crawford.

“Gộp chung tất cả những yếu tố này, chúng tôi cho rằng khả năng cao nhất là mùa đông ở khu vực Đông Bắc Á năm nay sẽ lạnh sâu trong thời gian từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 1. Đó là giai đoạn mà chúng tôi nhận thấy có rủi ro cao nhất”.

An Huy

VnEconomy





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...

Hội nghị mùa Xuân 2024: Nỗ lực giữ vững sự phục hồi và phát triển ổn định

Trọng tâm của Hội nghị mùa Xuân năm nay là tập trung thảo luận các vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, hợp tác quốc...

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.

Phố Wall lo Fed không giảm lãi suất trong năm 2024

Phố Wall đang nghĩ đến kịch bản Fed không giảm lãi suất trong năm 2024.

Cục Dự trữ Liên bang: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhẹ ở mức đồng đều

Theo mô hình GDPNow của Fed chi nhánh tại Atlanta, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 2,9% trong quý 1 năm 2024, sau khi tăng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98