Xung đột Nga-Ukraine có thể khiến kinh tế toàn cầu tổn thất 1,000 tỷ USD
Xung đột Nga-Ukraine có thể khiến kinh tế toàn cầu tổn thất 1,000 tỷ USD
Xung đột ở Ukraine có thể gây tổn thất 1 ngàn tỷ USD và thúc đẩy lạm phát toàn cầu tăng thêm 3% trong năm nay vì châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh (NIESR).
Các vấn đề cung ứng sẽ kìm hãm tăng trưởng và thúc đẩy giá hàng hóa. Điều này sẽ khiến GDP toàn cầu giảm 1 điểm phần trăm vào năm 2023, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh cho biết. Mối quan hệ giữa châu Âu với Nga và Ukraine – vốn là nguồn cung ứng hàng hóa và năng lượng lớn – khiến khu vực này dễ bị tổn thương hơn so với các khu vực khác.
Xung đột Nga-Ukraine cũng sẽ buộc các Chính phủ châu Âu vay thêm tiền để chi trả cho dòng người nhập cư và củng cố quân đội, viện nghiên cứu này cho biết. Họ kêu gọi các NHTW nâng lãi suất “chậm rãi, đồng thời đánh giá tác động tới niềm tin và tác động từ xung đột Nga-Ukraine”.
“Xung đột này sẽ gây thêm căng thẳng kinh tế cho một hệ thống đang chật vật ứng phó với Covid-19”, Jagjit Chadha, Giám đốc tại NIESR, cho hay. “Chuỗi cung ứng sẽ bị phân mảnh thêm và các chính sách tiền tệ lẫn tài khóa sẽ phải được xem xét kỹ lưỡng”.
Theo NIESR, Nga sẽ tránh được suy thoái vì tác động kinh tế từ các biện pháp trừng phạt sẽ “được bù đắp một phần nhờ giá xuất khẩu dầu khí cao hơn”. Tuy nhiên, GDP nước này sẽ thấp hơn 2.6% so với dự báo trước đó, và cú sụp của đồng Rúp sẽ đẩy lạm phát lên 20%.
Nếu các nước quyết định áp biện pháp trừng phạt lên hoạt động xuất khẩu dầu khí từ Nga, tác động sẽ “rất nghiêm trọng”, đồng thời cũng gia tăng “khả năng xảy ra tình trạng lạm phát đình đốn ở EU”. Nhóm này đang nhập khẩu 40% khí gas từ Nga.