Những miếng ghép hoàn hảo cho metro số 1
Những miếng ghép hoàn hảo cho metro số 1
Cùng 9 cầu bộ hành đang được xây dựng, mạng lưới 33 tuyến xe buýt giúp tăng khả năng tiếp cận của hành khách với tuyến metro số 1
Tại công trường xây dựng cầu bộ hành của ga Công Nghệ Cao tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ngày 2-6, hàng chục công nhân vẫn đang tất bật thi công.
Tiếp cận metro an toàn, thuận lợi
Không khí làm việc tại đây rất khẩn trương. Phần cứng của công trình đang dần hình thành với nhiều móng, cọc vươn lên vững chãi. Người dân đi trên xa lộ Hà Nội từ xa dễ dàng nhận thấy sự biến đổi. Đại diện đơn vị thi công cho biết đang làm việc hết công suất để hoàn thành cầu bộ hành đúng tiến độ đề ra.
Nỗ lực thi công để hoàn thành công trình đúng tiến độ
|
Đây là một công trình nằm trong tổng thể tuyến metro số 1. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), việc xây dựng các cầu bộ hành góp thêm tín hiệu vui để tuyến đường sắt đô thị đưa vào khai thác thương mại đầu năm 2024 như mong đợi.
MAUR cho hay đang triển khai thi công cầu bộ hành tại 4 nhà ga, gồm Tân Cảng, Rạch Chiếc, Phước Long và Công Nghệ Cao. Với các cầu tại 5 ga còn lại (Thảo Điền, An Phú, Bình Thái, Thủ Đức và ĐHQG TP HCM), đơn vị đang tích cực phối hợp cùng các bên liên quan để hoàn tất việc di dời hạ tầng kỹ thuật, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu xây dựng. Dự kiến, các cầu bộ hành này hoàn thành vào cuối năm 2023, cùng tiến độ với tuyến metro 1.
Tuyến metro số 1 đang sẵn sàng cho ngày về đích .Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Mỗi cầu bộ hành dài hơn 70 m, rộng 3,5 m, kết nối từ tầng trung chuyển khách của nhà ga với khu dân cư, trạm xe buýt bên cạnh. Chúng được thiết kế đồng bộ kiến trúc với nhà ga chính, tối ưu hóa về diện tích sử dụng, diện tích trồng cây xanh. Ngoài ra, mái che và khung thép được thiết kế thông thoáng, bảo đảm ánh sáng, nâng cao sự thoải mái, thuận tiện cho người đi bộ đến các ga trên cao. Chín cầu này không chỉ giúp kết nối hành khách mà còn là hướng thoát hiểm chính của nhà ga trong trường hợp khẩn cấp.
"Trong tương lai, TP HCM triển khai thêm dự án xây dựng thang máy tại các vị trí cầu bộ hành nhằm phục vụ tốt hơn cho người già, trẻ em và người khuyết tật. Các bãi đậu xe cá nhân cũng đã được bổ sung, tính toán tại từng vị trí nhà ga, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho hành khách sử dụng cũng như kết nối các nhà ga với những tòa nhà chung cư, khu thương mại lân cận. Từ đó, góp phần nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của dự án này" - đại diện MAUR thông tin.
Hệ thống xe buýt trải đều
MAUR cũng đang phối hợp với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM hoàn thiện phương án tổ chức mạng lưới tuyến xe buýt tiếp cận tuyến metro số 1 - một "miếng ghép hoàn hảo" nữa.
Theo đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, sau thời gian nghiên cứu, đơn vị đang trình Sở Giao thông Vận tải thông qua phương án này. Cụ thể: Đề xuất giữ nguyên hiện trạng 11 tuyến xe buýt, ngưng hoạt động 2 tuyến, điều chỉnh lộ trình 15 tuyến. Song song đó, đề xuất mở mới 22 tuyến, gồm 3 tuyến liên tỉnh và 19 tuyến nội thành.
19 tuyến nội thành mở mới sẽ là những tuyến gom khách từ các trường đại học, khu dân cư, trung tâm thương mại, bến xe, như tuyến ĐHQG - Suối Tiên, Công viên Gia Định - Vinhomes Grand Park, Trường ĐH Nông Lâm - KCX Linh Trung 1... Ba tuyến liên tỉnh mở mới gồm: 2 tuyến kết nối với Bình Dương là Bến xe Miền Đông mới - Bến xe Củ Chi, Bến xe Bến Cát - Bến xe Miền Đông mới; 1 tuyến kết nối với Đồng Nai là Bến xe Miền Đông mới - Khu Du lịch Giang Điền.
Với mạng lưới tuyến xe buýt này, hành khách dễ dàng tiếp cận hệ thống 13 nhà ga của tuyến metro số 1. Trong đó, ga Bến Thành nhiều nhất với 29 tuyến xe buýt kết nối, ga Nhà hát Thành phố 14 tuyến, ga Tân Cảng 11 tuyến, ga Ba Son 8 tuyến, ga Bình Thái 7 tuyến, ga Rạch Chiếc 4 tuyến, ga Văn Thánh 2 tuyến…
Riêng hạ tầng phục vụ xe buýt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM đề xuất làm mới 230 vị trí điểm dừng. Khu vực nhà ga Văn Thánh và Bình Thái sẽ được xây dựng các sân, bãi dừng, đậu xe buýt, taxi… với tổng diện tích khoảng 3.260 m2.
Nói về mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến metro số 1, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, cho rằng hệ thống xe buýt dọc xa lộ Hà Nội được thay đổi theo hướng từ "điểm nối điểm" sang "tuyến trục - tuyến nhánh" để thu gom khách. Việc thay đổi này nhằm bảo đảm cho người dân tại các địa bàn dân cư ở TP HCM cũng như các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai đều có thể tiếp cận được những nhà ga metro bố trí dọc xa lộ Hà Nội thông qua hệ thống xe buýt.
Những phần việc còn lại để metro lăn bánh Theo MAUR, nhằm bảo đảm tiến độ hoàn thành của dự án, đơn vị sẽ tích cực phối hợp với các nhà thầu thi công, tư vấn để đẩy nhanh những phần việc còn lại. Trong đó, hoàn thiện kiến trúc các ga, cầu bộ hành và tòa nhà văn phòng Công ty O&M; hoàn thiện việc lắp đặt các thiết bị hệ thống cơ điện còn lại của nhà thầu CP3; tiến hành các bước thử nghiệm, vận hành, khai thác thử cho từng đoạn và toàn tuyến; xây dựng quy trình, định mức và đơn giá cho khâu vận hành, bảo trì. MAUR cũng sẽ phối hợp với các đơn vị, cơ quan có thẩm quyền triển khai những công việc liên quan đào tạo vận hành và bảo trì; thực hiện đăng kiểm phương tiện; kiểm tra, cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; kiểm tra và nghiệm thu về PCCC... |
LÊ VĨNH - THU HỒNG