TAR đặt mục tiêu lợi nhuận 2023 đi lùi 34%, dừng kế hoạch lên HOSE
TAR đặt mục tiêu lợi nhuận 2023 đi lùi 34%, dừng kế hoạch lên HOSE
Sáng ngày 29/06/2023 tới, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh cũng như báo cáo về tiến độ thực hiện các nội dung đã được thông qua tại những kỳ ĐHĐCĐ trước đó.
Đặt kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh
Sau khi năm 2022 ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm, trong năm 2023, Công ty tiếp tục theo đuổi định hướng phát triển là: xây dựng thương hiệu gạo sạch Trung An chế biến theo hướng công nghệ cao, hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp bền vững, khẳng định thương hiệu gạo Trung An trên thị trường quốc tế, có trữ lượng gạo sạch và xuất khẩu gạo sạch lớn nhất cả nước.
TAR đặt mục tiêu năm 2023 đi lùi với doanh thu 3,800 tỷ đồng và lãi sau thuế 50 tỷ đồng, lần lượt đi ngang về doanh thu và giảm gần 34% về lợi nhuận.
Cũng trong năm 2023, Công ty cho biết sẽ tiếp tục đầu tư cải tiến máy móc, đầu tư sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo chất lượng gạo xanh sạch, giàu hàm lượng dinh dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Định hướng đến năm 2030, sản lượng gạo của Trung An sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu. Công ty luôn chú trọng việc đầu tư vào các cảnh đồng mẫu lớn, thu hoạch lúa, chế biến gạo, tới khâu thương mại phân phối.
Về kế hoạch đầu tư, Công ty sẽ tập trung đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu sang các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long bằng hình thức liên kết sản xuất Công ty cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc này sẽ giúp Công ty chủ động được nguyên liệu đầu vào đảm bảo an toàn, chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đầu tư một số hoạt động sản xuất và kinh doanh mang tính lâu dài bền vững như xử lý rác thải sinh hoạt ứng dụng công nghệ cao chuyển hóa thành điện năng và sản xuất phân bón hữu cơ từ Than Bùn để phục vụ cho việc trồng lúa sạch của Công ty.
Sẽ không niêm yết lên HOSE
Một nội dung quan trọng nữa được ban lãnh đạo trình tại Đại hội tới chính là việc dừng triển khai chuyển niêm yết chứng khoán, cụ thể là cổ phiếu TAR, sang giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) như đã thông qua tại ĐHĐCĐ 2020. Nguyên nhân được đưa ra là do yếu tố vĩ mô không thuận lợi, thị trường chứng khoán diễn biến khó lường nên Công ty sẽ chỉ tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tiếp tục phương án huy động hơn 1,387 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu
Một nội dung khác được thông qua tại ĐHĐCĐ 2020 nhưng TAR lại đề xuất hủy bỏ trong Đại hội lần này là việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tương tự vấn đề trên, nguyên nhân hủy bỏ là do tình hình thị trường không thuận lợi, việc triển khai có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Công ty và cổ đông.
Mặt khác, TAR sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo phương án đã được thông qua tại ĐHĐCĐ 2022. Cụ thể, Công ty dự kiến phát hành thêm hơn 39 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 15,000 đồng/cp và phát hành riêng lẻ 40 triệu cp với giá 20,000 đồng/cp.
Với tổng số tiền dự kiến thu được là hơn 1,387 tỷ đồng (hơn 587 tỷ đồng từ phát hành cho cổ đông và 800 tỷ đồng phát hành riêng lẻ, TAR sẽ mở rộng dự án phát triển vùng nguyên liệu tại vùng tứ giác Long Xuyên, cũng như nâng cao năng lực về vốn của Công ty. Về tiến độ thực hiện, TAR cho biết Công ty đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Không tham gia mua cổ phiếu phát hành thêm của Trung An Kiên Giang
Đối với phần vốn góp tại CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang, TAR tại Đại hội 2022 đã thông qua thoái bớt phần vốn góp tại đây, dự kiến số tiền thu về tối thiểu sẽ đạt 191 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để tăng vốn lưu động, góp vốn thành lập các công ty con của TAR. Tuy nhiên, trong ĐHĐCĐ năm nay, TAR đề xuất sẽ hủy phương án thoái vốn trên với lý do nhu cầu vốn tại các công ty con mới thành lập chưa cao.
TAR cũng đề xuất sẽ không thực hiện quyền mua cổ phần phát hành thêm của Trung An Kiên Giang trong năm 2023. Với động thái này, sau khi Trung An Kiên Giang phát hành thành công, TAR vẫn sẽ là công ty mẹ nhưng tỷ lệ sở hữu sẽ giảm từ 90.81% xuống còn 51%.
Về cổ tức, TAR dự kiến sẽ giữ tỷ lệ cổ tức 2023 bằng với năm 2022 là 10%. Liên quan đến cổ tức năm 2022, TAR dự kiến sẽ thực hiện chia cổ tức thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 10%.