Shinhan Bank: Ngành sản xuất Việt Nam dự kiến phục hồi từ năm 2024
Shinhan Bank: Ngành sản xuất Việt Nam dự kiến phục hồi từ năm 2024
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 6 tháng cuối năm 2023 của Trung tâm giải pháp giao dịch Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc (Shinhan Bank S&T Center) và Trung tâm giao dịch toàn cầu Ngân hàng Shinhan Việt Nam, sự phục hồi của ngành sản xuất Việt Nam vẫn chưa chắc chắn trong nửa cuối năm 2023, dự kiến có thể phục hồi từ năm 2024.
Cụ thể, báo cáo đánh giá ngành sản xuất và xuất khẩu Việt Nam vẫn ảm đạm trong một khoảng thời gian nữa do nhu cầu toàn cầu chậm lại, đặc biệt là ở các nước phát triển. So với năm trước, tăng trưởng chậm là điều khó tránh. Trong nước, sự chậm lại ở các ngành điện, nước, xây dựng và sản xuất là những trở ngại cho tăng trưởng.
Các ngành dịch vụ như tiêu dùng, nhà hàng, khách sạn với sự phục hồi của khách du lịch, bán buôn/bán lẻ, công nghệ thông tin, tài chính và vận tải dự kiến sẽ hỗ trợ nhu cầu nội địa trong nửa cuối năm.
Báo cáo cũng cho biết ngành sản xuất và xuất khẩu Việt Nam thu hẹp trở lại sau khi hồi phục vào quý 1 là điều không thể tránh khỏi do chu kỳ kinh tế toàn cầu. Sự phục hồi rõ ràng vẫn chưa chắc chắn trong nửa cuối năm, dự kiến bắt đầu từ năm 2024.
Song song đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi giữa bối cảnh tái tổ chức chuỗi cung ứng do xung đột G2. Trong bối cảnh tái tổ chức chuỗi cung ứng, tỷ trọng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm từ mức 23.2% năm 2018 xuống còn 16.6% vào tháng 3/2023.
FDI có sự sụt giảm do bất ổn toàn cầu. Số liệu cho thấy so với năm 2010, khi đầu tư nước ngoài bùng nổ, dòng vốn FDI nay đã suy giảm. Tổng số vốn đăng ký FDI năm 2022 đạt 12.4 tỷ USD (giảm 18% so với năm trước đó), chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo (60.6%) và bất động sản (16%). Trong khi đó, Hàn Quốc vốn là quốc gia đầu tư lớn nhất trong những năm 2010, thế nhưng dòng vốn FDI từ nước này đã giảm từ năm 2020. Năm 2023, Singapore tiếp tục dẫn đầu tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn về triển vọng thời gian tới, báo cáo đánh giá Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ môi trường đầu tư trong nước thuận lợi, lao động giá rẻ và các chính sách tích cực ủng hộ FDI của Chính phủ cho phép dòng vốn chảy vào nhiều hơn, đặc biệt là từ các nước châu Á.
Về rủi ro, báo cáo lưu ý Việt Nam có thể chịu tác động gây ra bởi nền kinh tế Trung Quốc do tỷ trọng xuất nhập khẩu sang Trung Quốc lớn, áp đảo về cơ cấu thương mại. VNĐ trước đây thường có xu hướng di chuyển cùng chiều với Nhân dân tệ, khi Nhân dân tệ yếu có thể gây áp lực giảm giá cho VNĐ trong ngắn hạn. Sự suy yếu gần đây của Nhân dân tệ đang tạo gánh nặng lên VNĐ khi lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã mất đà sau một đợt phục hồi ngắn vào đầu năm 2023.