Chân dung Tập đoàn ThaiBinh Seed “lỡ hẹn” giải gạo ngon nhất thế giới

Tiền thân là một trong những công ty giống cây trồng được thành lập sớm nhất ở Việt Nam, nếu xét về vốn, CTCP Tập đoàn ThaiBinh Seed chỉ có 10 tỷ đồng vốn điều lệ. Nhưng xét về những “giá trị mềm”, Tập đoàn này đang nắm trong tay còn nhiều hơn thế.

Nổi tiếng là “quê hương năm tấn” mang những nét đặc trung nhất của vùng đồng bằng sông Hồng - cái nôi của nền văn minh lúa nước” từ thời dựng nước, là “quê lúa”, vùng đất “thóc thừa cân, quân vượt mức” trong cách mạng giải phóng dân tộc. Sự ra đời của ThaiBinh Seed gắn với sự kiện lịch sử năm 1966, Thái Bình lập kỳ tích năng suất lúa 5 tấn/ha.

Ngày 10/01/1972, Uỷ ban Hành chính tỉnh Thái Bình ban hành quyết định thành lập Công ty Giống lúa Thái Bình, tiền thân của ThaiBinh Seed ngày nay, một trong những công ty giống cây trồng được thành lập sớm nhất ở Việt Nam.

Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn ThaiBinh Seed, bày tỏ nỗi lòng tại Hội nghị phát triển thị trường lúa gạo tỉnh Thái Bình: “Thái Bình là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn thứ hai tại khu vực đồng bằng sông Hồng với truyền thống thâm canh nổi tiếng. Vậy tại sao cho đến nay vẫn chưa có thương hiệu lúa gạo Thái Bình? Câu hỏi đó luôn đau đáu ở trong suy nghĩ và tâm khảm của người dân Thái Bình”.

Tháng 09/2004, Công ty cổ phần hóa và đổi tên mới là CTCP Tổng Công ty Giống Cây trồng Thái Bình. Ông Trần Mạnh Báo được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật Công ty từ đó đến nay.

Để phù hợp với xu thế hội nhập, trong năm 2018, Công ty đổi tên thành CTCP Tập đoàn ThaiBinh Seed. Trụ sở chính tại số 36 Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình, tổng số cán bộ nhân viên hơn 400 người.

ThaiBinh Seed hoạt động chính trong lĩnh vực nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, kiểm nghiệm các loại giống cây trồng, sản xuất, kinh doanh nông sản, máy nông nghiệp và xây dựng. Hiện, Tập đoàn này mở rộng hoạt động trên ba lĩnh vực giống cây trồng, kinh doanh lương thực và thương mại dịch vụ, với 13 chi nhánh và hệ thống phân phối sản phẩm trải dài khắp cả nước.

ThaiBinh Seed có cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu, chọn tạo khảo nghiệm, sản xuất, chế biến hạt giống, trong đó có hai nhà máy chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu, công suất đạt 30,000 - 40,000 tấn/năm, một nhà máy chế biến gạo công suất 40,000 tấn/năm, phòng thử nghiệm quốc gia mã số Vilas 110, Viện nghiên cứu cây trồng quy mô 152 ha… Hàng năm, ThaiBinh Seed đầu tư từ 10 - 15 tỷ đồng để nghiên cứu khảo nghiệm hàng ngàn giống lúa các loại.

Tập đoàn có 21 giống cây trồng được công nhận giống Quốc gia, kỷ lục về số lượng giống lúa ở Việt Nam, trong đó bao gồm BC15, TBR-1, TBR45, TBR36, TBR225, Đông A1, Thái Xuyên 111...  Mỗi năm, ThaiBinh Seed đáp ứng 20% thị phần giống lúa cả nước, 85 - 90% thị phần trong tỉnh Thái Bình.

Trong năm 2020, Tập đoàn đưa vào vận hành toà nhà văn phòng kết hợp trung tâm thương mại và khách sạn quốc tế Selegend Hotel, gồm 15 tầng với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ThaiBinh Seed.

Toà nhà văn phòng kết hợp trung tâm thương mại và khách sạn quốc tế Selegend Hotel

Trong giai đoạn tới, chiến lược của ThaiBinh Seed là xây dựng “Tập đoàn kinh tế phát triển theo hướng đa ngành”. Trong đó ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu phát triển sản phẩm nông nghiệp mới; chọn tạo nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu và đặc biệt khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp từ nghiên cứu đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ; nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; trồng trọt gắn với chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn…

Tiếp tục xây dựng và bảo vệ thương hiệu “Lúa giống Thái Bình”, xây dựng và phát triển thành công thương hiệu “Gạo Thái Bình”; phát triển thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài.

Vốn điều lệ ban đầu của ThaiBinh Seed là 9.96 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ 30.72%; ông Trần Mạnh Báo 7.29%; ông Nguyễn Văn Minh 3.73%; ông Trần Danh Khoái 2.44%; ông Đỗ Ngọc Bài 2.41%; ông Trần Đình Thăng 1.83%; các cổ đông sáng lập còn lại 51.57%.

Cuối tháng 06/2014, SCIC đã bán đấu giá 91,800 cổ phần ThaiBinh Seed. Mặc dù giá khởi điểm rất cao 108,000 đồng/cp nhưng giá đấu thành công lên tới 228,000 đồng/cp. Một nhà đầu tư đã mua toàn bộ số cổ phần trên với số tiền chi ra gần 21 tỷ đồng. Sau khi thoái bớt vốn, SCIC vẫn còn nắm giữ 214,200 cổ phần, tương đương 21.5% vốn điều lệ ThaiBinh Seed.

Đến tháng 09/2018, tại danh sách cổ đông mới nhất của ThaiBinh Seed không còn ghi nhận sở hữu của SCIC, thay vào đó 97 cá nhân (trong đó có đến 96 người đang thường trú ở Thái Bình) sở hữu cổ phần, với cổ đông lớn nhất là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ông Trần Mạnh Báo nắm 18.957%, ngoài ra còn có một cổ đông lớn khác là ông Nhâm Cao Phong nắm 6.944%.

Chủ tịch Trần Mạnh Báo từng chia sẻ, nhiều người nói ThaiBinh Seed sẽ phá sản vào thời điểm Công ty phải hy sinh 33 tỷ đồng, gấp ba lần vốn điều lệ, để hỗ trợ nông dân.

Chuyện xảy ra vào năm 2013, giống lúa BC15 gặp nhiệt độ thấp (38 năm mới gặp một lần) nên bị lem lép hạt tại 11 tỉnh. Lúc đó ThaiBinh Seed quyết định bỏ ra 1,063 tấn thóc để hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất. Ngay cả Nhà nước cũng chưa bao giờ xuất ra đến 1,000 tấn thóc giống để hỗ trợ giống lúa cho nông dân (tính đến thời điểm đó).

Dù vốn điều lệ chỉ gần 10 tỷ đồng nhưng doanh thu hàng năm của ThaiBinh Seed vẫn đạt gần 600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hàng năm đều gấp 2 - 5 lần vốn, nộp ngân sách Nhà nước bình quân gần 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân cho cán bộ, công nhân viên đạt 11 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2022, trong bối cảnh thời tiết thay đổi do nắng nóng kéo dài, mưa bão cuối vụ, dư âm của đại dịch COVID-19… đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp. ThaiBinh Seed cho biết doanh thu, lợi nhuận, thu nhập người lao động vẫn kế hoạch đề ra; thực hiện chi trả cổ tức tỷ lệ 100%.

Năm 2023, ThaiBinh Seed đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế bằng và vượt so với năm 2022, thu nhập bình quân 11.6 - 12 triệu đồng/người/tháng. Trả cổ tức tỷ lệ 100%. Tập đoàn sẽ tiếp tục đổi mới quản lý; đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Người tiêu dùng biết đến các sản phẩm gạo mang thương hiệu ThaiBinh Seed như Gạo Niêu Vàng, Nếp A Sào, Nhất Hương, Sông Vàng, Tám Thơm Tiền Hải và gạo dinh dưỡng Lứt Tím…

Tại cuộc thi Gạo ngon Việt Nam năm 2022, gạo TBR39 của ThaiBinh Seed giành giành giải gạo thơm ngon nhất, Nếp A Sào giành giải gạo nếp ngon nhất, gạo Lứt Tím đạt giải ba.

Tuy nhiên, kỹ sư Hồ Quang Cua (DNTN Hồ Quang Trí) nghi ngờ giải nhất gạo thơm, gạo TBR39 của ThaiBinh Seed là ruột gạo ST24 do ông Cua lai tạo; yêu cầu đình chỉ và điều tra lại kết quả cuộc thi.

Phản hồi những thông tin trên, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trưởng ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam năm 2022, khẳng định cuộc thi diễn ra trung thực, khách quan, minh bạch, đúng theo quy chế. Qua rà soát, hồ sơ dự thi của gạo đoạt giải nhất là TBR39 đáp ứng về pháp lý theo quy định đối với gạo chưa lưu hành, đang trong giai đoạn khảo nghiệm.

Dù được giải nhất cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” năm 2022, gạo TBR39 lại chưa có mặt trên thị trường. ThaiBinh Seed cho biết, đơn vị này mua giống từ năm 2019 và đã tiến hành khảo nghiệm trong suốt ba năm vừa qua tại vùng canh tác lúa tôm ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu…

Trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu năm 2023 do The Rice Trader tổ chức tại Philippines, gạo Việt Nam đã được vinh danh giải nhất "gạo ngon nhất thế giới" (World’s Best Rice). Giải nhì thuộc về gạo Campuchia, giải ba thuộc về gạo Ấn Độ.

Tuy nhiên, lùm xùm đã xảy ra vì Việt Nam có đến ba doanh nghiệp gồm ThaiBinh Seed, Tập đoàn Lộc Trời, DNTN Hồ Quang Trí mang gạo dự thi giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới 2023. Phía DNTN Hồ Quang Trí công bố gạo Ông Cua ST 25 đã đoạt giải nhất; hai đơn vị còn lại thì cho rằng giải nhất thuộc về “gạo quốc gia Việt Nam”.

Cả ba doanh nghiệp đều chụp ảnh chung với cup giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới 2023

Ngay sau khi ban tổ chức công bố kết quả cuộc thi, Chủ tịch ThaiBinhSeed ông Trần Mạnh Báo đã có chia sẻ trên trang cá nhân: “Việt Nam có ba đơn vị tham gia là ThaiBinh Seed, Lộc Trời và doanh nghiệp Hồ Quang Trí. Tuy nhiên, năm nay ban tổ chức không công bố tên gạo đạt giải nhất mà chỉ công bố quốc gia đạt giải nhất, nên chưa biết gạo của đơn vị nào ngon nhất".

Trước các thông tin gây tranh cãi, The Rice Trader đã phải chính thức lên tiếng bằng thông cáo báo chí nêu tên đích danh loại gạo đạt giải, việc này vốn dĩ 6 tháng sau khi kết thúc giải ban tổ chức mới công bố chính thức. Trong đó danh hiệu Gạo ngon nhất thế giới 2023 thuộc về gạo ST25 của Công ty ông Hồ Quang Trí.

Ông Jeremy Zwinger – CEO của The Rice Trader cho biết, việc thông báo chỉ đề cập đến Việt Nam – nước có nhiều mẫu gạo dự thi đã gây ra nhầm lẫn về giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới 2023”.

*Chấm dứt lùm xùm: ST25 chính thức được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới 2023” 

Thế Mạnh

FILI

14-12-2023 09:02:00+07:00

Tin cùng chuyên mục

Hotline: 0908 16 98 98