Báo cáo thị trường chứng khoán thế giới quý 2/2024 (Kỳ 1): Thị trường châu Á diễn biến giằng co
Báo cáo thị trường chứng khoán thế giới quý 2/2024 (Kỳ 1): Thị trường châu Á diễn biến giằng co
Phân tích và nhận định xu hướng chỉ số của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới và được cộng đồng đầu tư quan tâm, các phân tích dưới đây có thể phục vụ cho mục đích tham khảo trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Nikkei 225: Hạ nhiệt sau khi lập đỉnh 52 tuần
Trong khung đồ thị tuần, Nikkei 225 đang bám sát dải trên (Upper Band) của Bollinger Bands trong khi chỉ số liên tục tạo các đỉnh và đáy mới cao hơn (Higher High, Higher Low), càng củng cố thêm cho đà tăng dài hạn của thị trường.
Bên cạnh đó, chỉ số đang test lại đường Neckline của mẫu hình Rounding Bottom. Trong thời gian tới, nếu Nikkei 225 test thành công đường Neckline này, đồng thời quay lại xu hướng tăng dài hạn và lần lượt vượt các ngưỡng Fibonacci Projection 161.8% và 261.8% thì mục tiêu giá (price target) của mẫu hình Rounding Bottom này là vùng 69,500-74,500 điểm vẫn còn hiệu lực.
Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator tiếp tục hướng xuống, sau khi đã cho tín hiệu bán tại vùng quá mua (overbought). Nếu chỉ báo rơi khỏi vùng này thì triển vọng sẽ kém sắc hơn trong các tuần tới.
Trong khung đồ thị ngày, chỉ số Nikkei 225 liên tục xuất hiện những phiên tăng giảm đan xen, sau khi giá cắt xuống đường Middle trong khi Bollinger Bands đang dần thu hẹp (Bollinger Squeeze), cho thấy trạng thái đi ngang sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn.
Đồng thời, chỉ báo ADX đang nằm trong vùng xám (20<ADX<25) và tiếp tục suy yếu, càng củng cố thêm cho kịch bản giằng co vẫn sẽ tiếp diễn.
Thêm vào đó, ngưỡng Fibonacci Projection 100% (tương đương vùng 38,500-39,500) đang đóng vai trò hỗ trợ khá quan trọng trong bối cảnh chỉ báo MACD đang không ngừng mở rộng khoảng cách với đường Signal đã cho tín hiệu bán trước đó. Nếu Nikkei 225 tiếp tục rơi xuống và xuyên thủng vùng hỗ trợ này trong các phiên tới thì khả năng cao kịch bản tiêu cực hơn sẽ xảy ra.
Vì thế, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng và hạn chế giao dịch trong ngắn hạn đồng thời quan sát các tín hiệu đảo chiều tiềm năng xuất hiện để mở vị thế mua trở lại.
Đồ thị Nikkei 225 trong giai đoạn 2020-2023 - Nguồn: Investing.com
Hang Seng: Kỳ vọng bứt thoát trend giảm dài hạn
Trong khung đồ thị tuần, chỉ số Hang Seng bật tăng sau khi test lại đáy cũ tháng 10/2022 (tương đương vùng 14,500-15,500) và đang test lại cạnh trên của kênh giá giảm (Bearish Price Channel), cho thấy triển vọng đã bớt bi quan.
Bên cạnh đó, chỉ số này đang vận động trong vùng giao dịch dày đặc (Congestion Zone) đồng thời Bollinger Bands đang thu hẹp trong bối cảnh chỉ báo ADX tiếp tục có dấu hiệu suy yếu. Điều này cho thấy kịch bản đi ngang với các phiên tăng giảm đan xen vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Trong khung đồ thị ngày, đường SMA 50 ngày đang thu hẹp khoảng cách với đường SMA 100 ngày. Trong các phiên tới, nếu xuất hiện điểm giao cắt vàng (Golden Cross) giữa 2 đường này thì triển vọng dài hạn sẽ tích cực hơn.
Vì thế, đối với các nhà đầu tư an toàn, nên ưu tiên quan sát và chờ mua khi các tín hiệu tích cực hơn xuất hiện trong các phiên tiếp theo.
Đồ thị Hang Seng trong giai đoạn 2018-2023 - Nguồn: Investing.com