Bà Vũ Ngọc Linh (VinaCapital): Giá trị cốt lõi của IR là xây dựng một kênh giao tiếp minh bạch, nhất quán
Bà Vũ Ngọc Linh (VinaCapital): Giá trị cốt lõi của IR là xây dựng một kênh giao tiếp minh bạch, nhất quán
“Ngay cả khi chưa có nhu cầu huy động vốn trên trị trường nợ và chứng khoán, hoạt động IR luôn cần truyền tải rõ ràng các giá trị của doanh nghiệp, tạo kết nối giữa nhà đầu tư và lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp”.
Đó là những chia sẻ của bà Vũ Ngọc Linh - Giám đốc bộ phận Phân tích và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital - với chúng tôi về hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) tại các doanh nghiệp niêm yết hiện nay.
Bên cạnh việc truyền tải thông tin đầy đủ, cung cấp cho nhà đầu tư trong nước góc nhìn đúng đắn về giá trị doanh nghiệp, còn phải áp dụng các chuẩn mực quốc tế, tạo kết nối với nhà đầu tư ngoài nước, cho thấy sự cải thiện về tính minh bạch của thông tin.
Bà Vũ Ngọc Linh - Giám đốc bộ phận Phân tích và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital
|
Là đại diện từ bên mua (buy-side), bà nhận thấy sự thay đổi hoặc cải tiến như thế nào trong cách thức hoạt động của bộ phận IR tại doanh nghiệp niêm yết theo thời gian? Những cải tiến này ảnh hưởng ra sao đến quá trình nghiên cứu và ra quyết định của nhà đầu tư tổ chức?
Bà Vũ Ngọc Linh: Từ góc nhìn của nhà đầu tư tổ chức, việc nhiều doanh nghiệp niêm yết Việt Nam có IR chuyên nghiệp, cung cấp thông tin minh bạch, chính xác, kịp thời đã giúp chúng tôi hiểu rõ doanh nghiệp hơn, tạo được niềm tin, do đó hiệu quả hơn trong quá trình nghiên cứu và có các quyết định đầu tư tốt hơn.
Ví dụ như việc càng nhiều doanh nghiệp niêm yết chủ động tổ chức tham quan nhà máy, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo cấp cao, người sáng lập công ty… tạo cơ hội cho nhà đầu tư có cái nhìn trực quan và nắm bắt hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế hay định vị kế hoạch tương lai của doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Nhờ sự chủ động trong ứng dụng đa dạng các phương thức chia sẻ thông tin, nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng, cập nhật và toàn diện hơn không những về tình hình tài chính và hoạt động của doanh nghiệp mà còn hiểu về định hướng phát triển tương lai. Khi có thông tin đầy đủ và được cung cấp kịp thời, nhà đầu tư có thể đánh giá chính xác hơn về tiềm năng và rủi ro của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý.
Các quỹ đầu tư thường đánh giá chất lượng và hiệu quả của bộ phận IR qua những tiêu chí nào?
Chúng tôi cho rằng, giá trị cốt lõi của hoạt động IR là xây dựng một kênh giao tiếp minh bạch, nhất quán và hiệu quả giữa công ty và các nhà đầu tư, bao gồm cổ đông, nhà đầu tư tiềm năng và cộng đồng tài chính nói chung; đảm bảo quyền lợi cổ đông và tạo thuận lợi cho việc huy động vốn của doanh nghiệp trong tương lai.
Đâu là yếu tố trọng yếu giúp hoạt động IR tại doanh nghiệp trở nên đặc biệt hữu ích đối với quá trình nghiên cứu và ra quyết định của nhà đầu tư?
Các yếu tố làm cho hoạt động IR tại doanh nghiệp trở nên đặc biệt hữu ích là:
Chất lượng và tính minh bạch của IR: Thông qua các tiêu chí như chất lượng công bố thông tin, mức độ đầy đủ trong các thông tin công bố trên website, chiến lược truyền thông, chiến lược thực hiện hoạt động IR, các sự kiện IR đi kèm và đặc biệt là công tác IR với định chế tài chính.
Công bố nhanh chóng, nhất quán với tất cả nhà đầu tư: Yếu tố quan trọng đánh giá mức độ chuyên nghiệp về IR là tính chính xác, kịp thời và nhất quán của thông tin. Nếu thông tin không rõ ràng, sai lệch giữa các kênh truyền thông, chậm trễ, gây khó hiểu cho nhà đầu tư, sẽ làm giảm niềm tin của nhà đầu tư cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình ra quyết định đầu tư.
Cải thiện nhận thức thị trường và tạo ra giá trị cổ đông: Bằng cách duy trì sự minh bạch và liên tục cập nhật thị trường như trên, giá trị cốt lõi của IR là tối ưu hóa giá trị cổ đông, thông qua việc đảm bảo rằng cổ phiếu của doanh nghiệp được định giá hợp lý trên thị trường.
Chúng tôi cũng nhận thấy bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) không nên hoạt động tách biệt với các phòng ban khác như tài chính, pháp lý hoặc phát triển bền vững. Điều này dẫn tới những thông tin quan trọng không được truyền đạt hoặc thông điệp thiếu sự nhất quán giữa các phòng ban, có thể tạo ra sự nhầm lẫn cho nhà đầu tư và làm giảm hiệu quả của các hoạt động IR.
Theo bà, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam nên xây dựng chiến lược IR tổng thể như thế nào để đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ cho giới đầu tư? Đâu là yếu tố chính cần được thúc đẩy?
Để đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho giới đầu tư, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam nên xây dựng một chiến lược IR tổng thể với các yếu tố sau:
Đào tạo nội bộ về IR: Để đảm bảo hoạt động IR hiệu quả, khuyến nghị các doanh nghiệp tăng cường triển khai đào tạo đội ngũ nhân sự, nhân sự cấp cao cũng như nhân sự chuyên trách về tầm quan trọng của việc truyền tải thông tin tới nhà đầu tư và các kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc này.
Phát triển cơ chế tiếp nhận phản hồi từ nhà đầu tư, nhà đầu tư tiềm năng để tăng tương tác giữa hai bên: Bên cạnh việc truyền tải thông tin tới nhà đầu tư, các doanh nghiệp cũng nên có cơ chế để nhà đầu tư phản hồi, góp ý về mức độ hài lòng. Việc này giúp doanh nghiệp hiểu ý nhà đầu tư và hiệu chỉnh thích hợp, kịp thời.
Minh bạch, nhất quán về thông tin: Doanh nghiệp cần đảm bảo mọi thông tin về tài chính, hoạt động kinh doanh và các yếu tố rủi ro đều được công khai, minh bạch và kịp thời. Các báo cáo tài chính, thông báo về kết quả kinh doanh nên được trình bày rõ ràng, đủ thông tin và dễ hiểu, khuyến khích theo thông lệ tốt nhất của quốc tế. Ngoài ra, thông tin cần được cung cấp cả bằng tiếng Anh.
Xây dựng hoạt động IR dài hạn, đảm bảo truyền tải giá trị doanh nghiệp: Ngay cả khi chưa có nhu cầu huy động vốn trên trị trường nợ và chứng khoán, hoạt động IR luôn cần truyền tải rõ ràng các giá trị của doanh nghiệp, tạo kết nối giữa nhà đầu tư và lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp huy động vốn hiệu quả trong tương lai, rút ngắn thời gian chuẩn bị cho huy động vốn mà vẫn đạt hiệu quả cao trong các đợt phát hành.
Quản lý khủng hoảng truyền thông: Trong trường hợp có những sự kiện bất lợi xảy ra bất ngờ, IR là rất cần thiết để quản lý việc truyền thông với nhà đầu tư, giảm thiểu hoảng loạn và đảm bảo quan điểm của công ty được trình bày rõ ràng trên thị trường.
Sử dụng công nghệ trong IR: Doanh nghiệp nên tận dụng các tiện ích hiện đại như website, email và mạng xã hội để tiếp cận và tương tác với nhà đầu tư nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Ngoài chú trọng làm tốt công tác quan hệ nhà đầu tư, chúng tôi đánh giá cao việc quản trị doanh nghiệp theo các tiêu chí của ESG (E: môi trường, S: xã hội và G: quản trị) mục tiêu tạo giá trị phát triển bền vững. Các doanh nghiệp tạo được sự tin tưởng khi áp dụng các chuẩn mực quốc tế về công bố thông tin ESG cho thấy sự cải thiện về tính minh bạch của thông tin.
Điểm nào VinaCapital hài lòng và chưa hài lòng đối với hoạt động IR của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam?
Những điểm hài lòng bao gồm các doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp hơn trong hoạt động IR, cụ thể là: (1) Chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho nhà đầu tư và (2) cởi mở hơn khi chia sẻ thông tin minh bạch, đầy đủ.
Tính chủ động của bộ phận IR ghi nhận từ việc đã tạo thêm nhiều hình thức tiếp cận nhà đầu tư, ví dụ tổ chức họp nhà đầu tư để cập nhật kết quả kinh doanh định kỳ theo quý bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp, hay thông qua các công ty chứng khoán (CTCK), cập nhật website, báo cáo thường xuyên và liên tục (newsletters), cũng như hiện diện nhiều hơn tại các hội thảo, diễn đàn… Đó là cải thiện đáng kể so với trước đây - khi nhà đầu tư chỉ có thể tiếp cận doanh nghiệp tại các cuộc họp cổ đông thường niên. Có một số doanh nghiệp lớn còn sử dụng các ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội như mở nhóm chat trực tuyến để kết nối với nhà đầu tư và chuyên viên phân tích từ các CTCK.
Những doanh nghiệp chuyên nghiệp trong hoạt động IR thường có các quy trình rõ ràng và tổ chức tốt việc quản lý quan hệ nhà đầu tư, từ đó tạo dựng được niềm tin từ phía nhà đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn còn những điểm cần cải thiện, chẳng hạn như việc một số doanh nghiệp chỉ công bố thông tin tối thiểu theo quy định, mang tính hình thức, thông tin cung cấp thiếu chi tiết, trình bày thiếu rõ ràng, mạch lạc hoặc đôi khi việc phản hồi các yêu cầu của nhà đầu tư còn chậm trễ.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận doanh nghiệp khi còn khá nhiều đơn vị chỉ công bố thông tin bằng tiếng Việt. Cá biệt có một vài doanh nghiệp vẫn từ chối gặp nhà đầu tư. Điều này gây tâm lý bất an và thiếu tin tưởng từ phía nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.
Xin cảm ơn bà.