BAF nhận chuyển nhượng 2.8 triệu cp tại Sản xuất Rừng Xanh, lại có kế hoạch tăng vốn
BAF nhận chuyển nhượng 2.8 triệu cp tại Sản xuất Rừng Xanh, lại có kế hoạch tăng vốn
HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) vừa mới thông qua về việc nhận chuyển nhượng 2.8 triệu cổ phần, chiếm 40% vốn điều lệ của CTCP Sản xuất Rừng Xanh.
BAF giao cho bà Bùi Hương Giang – Tổng Giám đốc Công ty thực hiện quyết định toàn bộ vấn đề và chủ động thực hiện các công việc cần thiết để BAF sở hữu 2.8 triệu cp của Sản xuất Rừng Xanh.
Đồng thời, giao bà Giang là người đại diện theo ủy quyền quản lý toàn bộ số cổ phần nêu trên của Công ty tại Sản xuất Rừng Xanh và trong quá trình thực hiện, bà Giang được ủy quyền cho các cá nhân/tổ chức thực hiện công việc thuộc thẩm quyền của Tổng Giám đốc.
Ở diễn biến khác, HĐQT BAF thông qua việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện lấy ý kiến về việc thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ năm 2024, thời gian dự kiến thực hiện trong tháng 10/2024. Tuy nhiên, nội dung chi tiết về phương án này chưa được công bố.
Đáng chú ý, BAF muốn tăng thêm vốn trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa chào bán thành công hơn 68.4 triệu cp phổ thông với giá 10,000 đồng/cp, thấp hơn 47% so với thị giá 19/07 (19,000 đồng/cp). Số cổ phần này được chào bán theo phương thức thực hiện quyền mua, với tỷ lệ 1:0.476767, tương đương cổ đông sở hữu 10 cp được mua thêm gần 4.8 cp mới.
Ngoài ra, BAF cũng hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu ESOP với 2.6 triệu cp trong tổng hơn 7 triệu cp đăng ký, tương ứng gần 36% tổng lượng cổ phần chào bán.
Với lượng cổ phiếu ESOP chưa phát hành thành công, BAF nêu các yếu tố khách quan như: Đặc thù của ngành chăn nuôi, để đảm bảo an toàn sinh học, trên 90% tổng lao động của công ty hiện nay đang làm việc trong trang trại tại vùng sâu vùng xa; điều kiện tiếp cận thông tin về chứng khoán và thị trường chứng khoán còn nhiều hạn chế. Vì thế, một phần lớn cán bộ công nhân viên chưa thấu hiểu đầy đủ lợi ích của cổ phiếu ESOP, phần khác chưa đủ điều kiện tài chính để mua cổ phiếu ESOP khi thu nhập chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống gia đình.
Giải pháp mà BAF đưa ra là tích cực truyền thông đến cán bộ công nhân viên khi phát hành cổ phiếu ESOP, có giải pháp cụ thể và phù hợp giúp nhân sự có thể mua được cổ phiếu ưu đãi, được hưởng quyền lợi một cách đầy đủ. Từ đó tăng thu nhập, tăng sự gắn kết và đồng hành lâu dài cùng Công ty.
* BAF xử lý hết hơn 68 triệu cp chào bán cho cổ đông hiện hữu
Về hoạt động kinh doanh, theo BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm, BAF đạt doanh thu thuần hơn 2.6 ngàn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ; trong khi lãi ròng gần 154 tỷ đồng, gấp hơn 13 lần.
Lý giải, Doanh nghiệp cho biết giá heo đã có những sự hồi phục nhất định sau đợt giảm đáy vào quý 4/2023. Sản lượng heo BAF trong quý 2 đạt hơn 144 ngàn con, nâng tổng sản lượng heo lũy kế 6 tháng hơn 252 ngàn con, cao gấp 1.8 lần so với nửa đầu năm 2023.
Cùng với đó, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã giảm 10-20% so với giai đoạn trước, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi.
Ngoài ra, lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm nay do được ghi nhận từ việc bán lô đất Mai Chí Thọ, khu đất này ban đầu được dự định để phát triển tòa nhà văn phòng mới của BAF. Tuy nhiên, với việc Công ty chuyển đến địa điểm mới phù hợp hơn nên đã quyết định chuyển nhượng để tập trung nguồn lực vào kinh doanh chăn nuôi cốt lõi.
Khép phiên 11/09, giá cổ phiếu BAF dừng ở mức 19,050 đồng/cp, tăng hơn 4% so với đầu năm 2024, thanh khoản bình quân đạt gần 3.5 triệu cp/phiên.
Diễn biến cổ phiếu BAF từ đầu năm 2024