Protrade giải thể công ty con sản xuất giấy bao bì
Protrade giải thể công ty con sản xuất giấy bao bì
HĐQT Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - CTCP (Protrade, UPCoM: PRT) vừa thống nhất giải thể Công ty TNHH MTV Giấy Vĩnh Phú.
Dây chuyền sản xuất giấy cuộn bao bì của Giấy Vĩnh Phú tại xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Nguồn: PRT
|
Nguyên nhân do tình hình kinh doanh không hiệu quả, không có đơn hàng, không tiêu thụ được hàng hóa, dẫn đến hàng tồn kho nhiều trong khi giá vốn cao. Chưa kể, vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để nên việc tiếp tục sản xuất trong bối cảnh và điều kiện hiện tại của Giấy Vĩnh Phú không được đảm bảo. “Do đó, HĐQT xét thấy cần thiết chấm dứt hoạt động của Công ty TNHH MTV Giấy Vĩnh Phú”, Nghị quyết PRT nêu.
Thời hạn, thủ tục thanh lý các hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của Giấy Vĩnh Phú cùng phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động sẽ thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.
Theo báo cáo từ PRT, Giấy Vĩnh Phú đã buộc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kể từ ngày 15/03/2023 cũng vì những lý do kể trên và được cổ đông thông qua chủ trương giải thể tại ĐHĐCĐ thường niên 2024. Năm 2021, PRT cũng đã có ý định thoái vốn các khoản đầu tư vào các công ty con, trong đó có Giấy Vĩnh Phú.
Giấy Vĩnh Phú được thành lập từ năm 1979 với thế mạnh là sản xuất bột giấy từ nguồn nguyên liệu tại chỗ là tre nứa, lồ ô. Đến năm 1985, công ty con PRT chuyển sang sản xuất giấy bao bì phục vụ công nghiệp cho đến nay. Giấy Vĩnh Phú có trụ sở tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Đến cuối năm 2023, vốn điều lệ khoảng 84 tỷ đồng, do PRT nắm 100%. Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PRT - ông Lê Trọng Nghĩa đang làm Chủ tịch HĐTV công ty con.
Ngoài Giấy Vĩnh Phú, PRT còn có các công ty con hoạt động đa ngành nghề như Thương mại Tổng hợp Thuận An (PRT sở hữu 62.68%) kinh doanh thương mại; Sân Golf Palm Sông Bé (sở hữu 100%) kinh doanh dịch vụ golf; Quốc tế Protrade (sở hữu 100%) kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; Cao su Dầu Tiếng Việt Lào (sở hữu 51%) trồng, khai thác, chế biến mủ cao su; KP Apparell Manufacturing Co., Ltd (sở hữu 100%) sản xuất hàng sợi, vải, may mặc và 7 công ty liên kết khác.
Các công ty con và công ty liên kết của PRT. Nguồn: PRT
|
Tỷ lệ sở hữu các công ty liên kết của PRT. Nguồn: PRT
|
Nửa đầu năm 2024, tình hình kinh doanh của PRT "sáng hơn" so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 439 tỷ đồng, cải thiện 5%. Giá vốn ở mức thấp giúp lãi gộp đạt gần 130 tỷ đồng, gấp 2.4 lần, chủ yếu do đóng góp từ mảng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại đơn vị thành viên, trong khi nguồn thu từ bán thành phẩm, hàng hóa giảm mạnh.
Công ty lãi ròng 7.7 tỷ đồng, khá hơn mức lỗ 51 tỷ đồng 6 tháng đầu năm trước, nhưng chưa thể so với đỉnh cao 223 tỷ đồng cùng kỳ 2022. Theo PRT, chi phí quản lý tăng thêm do trích lập chi phí dự phòng các khoản nợ phải thu quá hạn thanh toán từ CTCP Đầu tư và Phát triển Tân Thành (Công ty Tân Thành) khoảng 8 tỷ đồng.
Tương tự các lần trước, BCTC soát xét bán niên 2024 của PRT tiếp tục nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với loạt vấn đề, phần lớn từ các giao dịch được thực hiện trước khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần (năm 2018) cũng như quyết toán cổ phần hóa chưa được phê duyệt; cho đến khoản đầu tư vào Công ty Tân Thành, công ty liên kết do PRT nắm 41.74% tỷ lệ lợi ích, đến nay vẫn chưa giải quyết xong do công ty này đang mất cân đối tài chính nghiêm trọng, chưa kể vướng vấn đề về pháp lý và cơ cấu cổ đông liên quan đến 2 bản án của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội và Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Thông tin liên quan khác, HĐQT PRT thống nhất lấy 03/10/2024 làm ngày chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2023, tỷ lệ 3% (tương đương 300 đồng/cp). Công ty sẽ tốn 90 tỷ đồng cho đợt thanh toán cổ tức này. Nguồn trả trích từ lợi nhuận sau thuế lũy kế còn lại đến ngày 31/12/2022 và dự kiến thực hiện vào ngày 28/10/2024.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của PRT giai đoạn 2019-2024 | ||