Vốn chủ vẫn âm dù lãi gần ngàn tỷ sau hơn 3 năm, VST đưa lộ trình khắc phục
Vốn chủ vẫn âm dù lãi gần ngàn tỷ sau hơn 3 năm, VST đưa lộ trình khắc phục
Theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2024, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart, UPCoM: VST) vẫn đang âm hơn 725 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, dù 3 năm gần nhất làm ăn có lãi, khiến cổ phiếu VST vẫn nằm trong diện hạn chế giao dịch.
Mới đây, VST công bố giải trình cùng lộ trình khắc phục. Doanh nghiệp cho biết khoản vốn chủ ấm 725 tỷ đồng chủ yếu do kết quả kinh doanh thu lỗ giai đoạn 2012-2020 vì phải chịu ảnh hưởng của giai đoạn thị trường vận tải biển suy thoái mạnh từ cuối 2008-2020. Trong giai đoạn này, lượng cung tàu trên thị trường vượt xa nhu cầu vận chuyển, giá nhiên liệu thường duy trì ở mức cao, đặc biệt là chi phí tài chính liên quan đến trả lãi vay các tàu mua cùng chênh lệch tỷ giá USD và VND quá lớn.
Chuỗi thua lỗ gần 10 năm khiến vốn chủ của VST âm nặng | ||
Tuy vậy, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, VST đã lãi được 961 tỷ đồng nhờ nhiều giải pháp. Doanh nghiệp cũng thực hiện thành công tái cơ cấu tài chính với các tổ chức tín dụng thương mại. Do vậy, năm 2021, Doanh nghiệp lãi mỏng 260 triệu đồng, năm 2022 lãi 217 tỷ đồng, năm 2023 lãi 560 tỷ đồng, và 6 tháng đầu năm 2024 lãi 182 tỷ đồng.
Về giải pháp khắc phục, VST cho biết nửa đầu năm 2024, thị trường vận tải biển có dấu hiệu phục hồi tích cực. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng ổn định nhờ sự phục hồi của các ngành công nghiệp sản xuất, xây dựng, tiêu dùng… dẫn đến giá cước vận tải biển tăng nhẹ. Dựa trên cơ hội này, VST đã ký kết hợp đồng cho thuê tàu đến cuối năm 2024.
Với các dự báo trên, VST dự kiến 2024 tiếp tục có lãi để bù đắp phần lỗ lũy kế; đồng thời phát hành 2 triệu cp hoán đổi nợ để tăng vốn chủ, song song tái cơ cấu tài chính với các tổ chức tín dụng còn lại theo hướng xóa/miễn lãi vay (trên sổ sách còn hơn 500 tỷ đồng). Việc này sẽ giúp Công ty có lợi nhuận dương, và bù hết phần lỗ lũy kế. Dự kiến, Công ty sẽ không còn âm vốn chủ vào cuối năm 2025.
Doanh nghiệp dự kiến áp dụng các nhóm giải pháp về kinh doanh - thị trường, quản trị tài chính, tái cơ cấu tài chính… Trong đó, VST sẽ bám sát thị trường để chọn hợp đồng vận chuyển, phương án khai thác với giá cước phù hợp, ký hợp đồng có thời hạn hợp lý, tối ưu hiệu quả kinh doanh; đồng thời tiết giảm chi phí, nghiên cứu xây dựng phương án thuê tàu để tăng năng lực vận chuyển.