Kinh tế, sự đồng cảm và cuộc bầu cử Mỹ
Kinh tế, sự đồng cảm và cuộc bầu cử Mỹ
Mặc dù chính sách của Kamala Harris và Donald Trump đều được dự đoán sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách và nợ của Mỹ trong thập kỷ tới, nhưng hậu quả của chính sách thuế quan do Trump đề xuất có nguy cơ gây ra nhiều thiệt hại hơn. Vào thời điểm căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế gia tăng, nước Mỹ cần một tổng thống thực sự quan tâm đến người dân.
* Bài viết thể hiện quan điểm của Kaushik Basu
Chính sách của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều có khả năng làm gia tăng thâm hụt ngân sách trong thập kỷ tới
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 sẽ có những hệ lụy sâu rộng đối với các nền kinh tế trên toàn cầu và các điểm nóng địa chính trị như Ukraine, Trung Đông, và Đài Loan. Trong nền kinh tế toàn cầu kết nối chặt chẽ hiện nay, với chuỗi cung ứng trải dài khắp các châu lục, bất kỳ sai lầm chính sách nào từ Mỹ cũng có thể gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới, làm bùng nổ các cuộc chiến tranh thương mại, gia tăng lạm phát và thất nghiệp.
Các chiến dịch tranh cử hiếm khi tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạch định chính sách một cách hợp lý vì các ứng viên thường đưa ra những lời hứa đầy tham vọng mà không cân nhắc đến tính khả thi của chúng. Điều này đặc biệt đúng với cuộc bầu cử năm 2024, khi các nghiên cứu cho thấy chính sách của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều có khả năng làm gia tăng thâm hụt ngân sách trong thập kỷ tới.
Việc tập trung vào các giải pháp ngắn hạn và biện pháp hỗ trợ tức thời có thể gây tác động đáng kể đến sức khỏe tài chính dài hạn của Mỹ. Theo Mô hình Ngân sách Penn Wharton, các chính sách kinh tế của Phó Tổng thống Kamala Harris có thể làm tăng thâm hụt liên bang thêm 1.2 nghìn tỷ USD vào năm 2034. Mặc dù con số này đáng lo ngại nhưng vẫn còn kém xa so với tác động tiềm tàng từ các chính sách mà cựu Tổng thống Donald Trump đề xuất, dự kiến sẽ làm thâm hụt ngân sách tăng thêm 5.8 nghìn tỷ USD trong cùng thời kỳ.
Các chuyên gia kinh tế vĩ mô lo ngại các đề xuất của Trump
Bà Harris và Tổng thống Joe Biden đã bị chỉ trích nặng nề vì điều hành trong bối cảnh lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm qua. Tuy nhiên, lạm phát đã giảm đáng kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 6/2022 khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tuần trước. Mặc dù vậy, Trump vẫn tiếp tục chỉ trích chính quyền Biden về việc giá cả leo thang đồng thời hứa hẹn sẽ kiểm soát lạm phát thông qua việc mở rộng khai thác dầu nội địa, chẳng hạn như đẩy mạnh hoạt động khoan dầu.
Mặc dù các chuyên gia kinh tế vĩ mô không phải lúc nào cũng chính xác trong việc dự đoán kết quả của các chính sách nhưng đôi khi những lo ngại của họ hoàn toàn có cơ sở. Các đề xuất kinh tế của Trump là một ví dụ điển hình.
Hãy xem xét đề xuất thuế quan của Trump. Nếu đắc cử, ông dự định sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Ông cũng đặt mục tiêu hạn chế việc gia công ra nước ngoài, hứa hẹn sẽ “xây dựng nước Mỹ, mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ”; đồng thời đe dọa “trừng phạt những doanh nghiệp đưa việc làm và nhà máy ra nước ngoài hoặc đến những nơi như Mexico.”
Nguồn: The Guardian
Dù thuế quan có thể có ý nghĩa kinh tế khi áp dụng có chọn lọc, việc áp dụng chúng trên diện rộng sẽ khiến chi phí tăng cao và làm giảm hiệu quả kinh tế. Hạn chế gia công ra nước ngoài có thể mang lại lợi ích tức thời, nhưng việc ngăn cản các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận nguồn lao động giá rẻ từ nước ngoài sẽ khiến sản phẩm của Mỹ kém cạnh tranh hơn trên trường quốc tế, gây tổn hại cho nền kinh tế và giảm nhu cầu lao động trong dài hạn.
Cuộc tranh luận hiện tại về việc gia công thường được khắc họa như một cuộc đối đầu giữa người lao động ở các nước phát triển và những người lao động ở các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, điều này bỏ qua thực tế rằng gia công thực chất là vấn đề giữa lao động và vốn. Mỗi khi một công việc được chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên, mang lại lợi ích cho chủ sở hữu, trong khi chi phí lại đẩy sang người lao động. Giải pháp tối ưu là đánh thuế vào vốn và phân bổ lại một phần nguồn thu đó cho người lao động mà không làm giảm tính cạnh tranh. Thế nhưng, Trump, người đã cam kết cắt giảm thuế doanh nghiệp, lại theo đuổi hướng đi ngược lại.
Bài học từ Argentina là một lời cảnh báo về những hiểm họa mà các chính sách của Trump có thể mang lại cho nền kinh tế Mỹ. Vào đầu thế kỷ 20, Argentina từng có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, đến mức nhiều người tin rằng quốc gia này sẽ vượt qua Mỹ về mặt kinh tế. Nhưng vào năm 1930, José Félix Uriburu đã thực hiện một cuộc đảo chính quân sự và tự tuyên bố làm tổng thống. Được sự hậu thuẫn của phe cực hữu Nacionalistas, ông đã hạn chế nhập cư và gần như tăng gấp đôi thuế quan vào năm 1933. Hậu quả là nền kinh tế Argentina rơi vào đình trệ và hy vọng cạnh tranh với Mỹ của nước này tan biến.
Thực tế, việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô luôn chứa đựng rủi ro và sự bất định. Đây là lý do tại sao những liên hệ đơn giản, chẳng hạn như chỉ ra rằng chỉ số kinh tế Y xấu đi dưới thời Tổng thống X là không chính xác và phần lớn không liên quan. Các nhà lãnh đạo chính trị không nhất thiết phải biết tất cả mọi thứ; điều mà họ được kỳ vọng là sự đồng cảm với người dân và khả năng đưa ra các quyết định dựa trên lý luận hợp lý cùng với kiến thức khoa học tốt nhất hiện có.
Trump rõ ràng không đạt được tiêu chuẩn này. Sự thiếu đồng cảm của ông thể hiện rõ qua những phát ngôn vô nhân đạo, đặc biệt là tuyên bố rằng người nhập cư đang "đầu độc dòng máu" của đất nước. Trong suốt sự nghiệp, ông luôn tỏ ra khinh thường những người yếu thế.
Trong thời điểm căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế gia tăng, nước Mỹ cần một tổng thống không nhất thiết phải có tất cả câu trả lời cho những vấn đề của thế giới, nhưng phải là người thực sự quan tâm đến người dân và tiếp cận các thách thức chính sách với sự đồng cảm, liêm chính và khiêm tốn.
Giới thiệu về tác giả Kaushik Basu
Kaushik Basu là cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và cố vấn kinh tế trưởng cho Chính phủ Ấn Độ. Ông cũng là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Cornell và là thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu Brookings.
Nguồn: Cornell University Marketing Group