Sửa đổi Luật Điện lực: Tạo hành lang pháp lý phát triển các nguồn năng lượng
Sửa đổi Luật Điện lực: Tạo hành lang pháp lý phát triển các nguồn năng lượng
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tập trung vào một số nội dung lớn, như: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Nhân viên EVN kiểm tra các thiết bị điện. (Ảnh: evn)
|
Luật Điện lực đã có gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay tồn tại một số vấn đề mà các quy định trong Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, do vậy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đáp ứng yêu cầu mới
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường điện, năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường với các loại hình năng lượng; thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện Mặt Trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; luật hóa việc điều hành giá điện…
Chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng cho rằng có hai vấn đề cần phải đặt ra trong luật này. Đầu tiên là phải áp dụng được một loạt những tiêu chuẩn Xanh, tiêu chuẩn về thông minh và những tiêu chuẩn mới của kỹ thuật, công nghệ.
Tiếp đến là các quy định về tiêu chuẩn định mức, định mức quản lý cũng cần xem xét điều chỉnh. Trong đó, ông Lạng nhấn mạnh việc thay đổi bộ máy quản lý để thực thi mục tiêu về thể chế phát triển điện đã xây dựng như: Quy hoạch điện 8; Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia; Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia…
“Một mặt là về công nghệ và hơn nữa là về quản lý. Bởi khi làm luật này không chỉ để quản lý mà còn để phát triển công nghệ, để phát triển ngành điện và dựa vào phát triển ngành điện để hoàn thiện bộ máy quản lý trên nguyên tắc là tinh gọn, hiệu quả, phát triển theo đúng quy luật,” ông Lạng nói.
Lắp đặt điện Mặt Trời mái nhà. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Nhìn vào hệ thống điện Việt Nam, chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây đã có hàng trăm nhà đầu tư với đa dạng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển nguồn điện, góp phần đưa tỷ lệ điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện Mặt Trời, điện Mặt Trời mái nhà) đạt gần 30% trong tổng công suất đặt nguồn điện.
Cùng với đó, cũng đã có những nhà đầu tư quan tâm, đã tham gia vào việc xây dựng lưới truyền tải điện cao áp… Song, từ những bất cập trong việc đầu tư nguồn điện, lưới điện thời gian qua, cùng với những đòi hỏi thực tế, do vậy cần có những thay đổi để có thể sớm triển khai các dự án trong Quy hoạch Điện 8.
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng sạch và tăng trưởng Xanh nêu thực tế việc rõ ràng trong các quy định pháp lý về đầu thầu, đấu giá hay cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư khi tham gia vào các dự án điện là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, ông cho rằng cần làm rõ được trách nhiệm để xử lý các rủi ro, những rào cản, đặc biệt là rào cản liên quan đến hành lang pháp lý…
Đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 chương, bao gồm 119 điều, tập trung vào 6 nội dung lớn: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Cùng đó, hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Dưới góc độ nhà tư vấn, ông Phan Xuân Dương, cố vấn cao cấp Công ty UBP, chủ đầu tư hai nhà máy điện gió Lạc Hòa và Hoà Đông tại tỉnh Sóc Trăng cho rằng, sửa Luật điện lực trong bối cảnh chuyển đổi Xanh, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cần thiết phải quan tâm và coi trọng vần đề chuyển dịch năng lượng.
Theo đại diện Công ty UBP, cần phải chuyển dịch năng lượng, kể cả việc đầu tư năng lượng tái tạo. Hơn nữa, việc sửa đổi cũng tạo thuận lợi trong việc kêu gọi vốn đầu tư vào các dự án lớn.
“Bây giờ dự án điện gió ngoài khơi kể cả điện gió rất khó sử dụng vốn trong nước. Do vậy, trong dự thảo Luật điện lực sửa đổi cần có cách thức để liên kết với các luật khác như Luật đầu tư, hay là luật về quản lý tài chính… để mà mở rộng cho việc thu hút vốn tư nhân, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài...,” chuyên gia Phan Xuân Dương khuyến nghị.
Phát triển điện gió tại tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
An toàn điện trong bối cảnh các nguồn năng lượng tái tạo vào nhiều cũng là vấn đề được đề xuất phải quan tâm. Ông Vũ Quang Đăng (Ngân hàng ADB) cho rằng Ban soạn thảo cũng đã cân nhắc về quy định an toàn liên quan đến điện gió. Tuy nhiên, ông đề xuất cân nhắc thêm cả hai lĩnh vực mới là điện Mặt Trời nổi và pin lưu trữ năng lượng (BESS).
Bởi các hồ thủy điện, thủy lợi mà có điện Mặt Trời nổi có liên quan tới giao thông thủy, liên quan đến an toàn đập hồ chứa… Ngoài ra, đối với pin lưu trữ (BESS) hiện chưa có nhiều, nhưng dự kiến trong thời gian tới sẽ phát triển. Ông cho rằng, các thiết bị này có đặc tính liên quan đến an toàn cháy nên cần phải có những khoảng an toàn cố định… Vì thế, Ban soạn thảo cần cân nhắc đưa vào để sau này khi đưa ra các quy định cụ thể các đơn vị triển khai bên dưới sẽ được thuận tiện hơn…
Mới đây, khi lấy ý kiến vào bản dự thảo Luật điện lực sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh tới tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; trong đó nhấn mạnh tới yêu cầu phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; chuyển dịch năng lượng; lưu ý các hình thức năng lượng: điện gió, điện Mặt Trời, điện Mặt Trời tự sản tự tiêu… Còn các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tới tính phù hợp, dễ hiểu, dễ thực thi nhưng vẫn phải bắt kịp xu hướng chung của thế giới khi ban hành Luật điện lực sửa đổi lần này./.
Đức Duy