Kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa, từ “rác thải” đến “tài nguyên”
Kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa, từ “rác thải” đến “tài nguyên”
Khái niệm kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tiên phong trong những năm gần đây, xuất hiện trong nhiều ngành công nghiệp, trong đó ngành nhựa đang trải qua một cuộc cách mạng đầy triển vọng. Với tính tiện dụng, độ bền cao cùng chi phí sản xuất thấp đã khiến nhựa dễ dàng lấn sân vào mọi lĩnh vực của đời sống, từ bao bì, đồ gia dụng đến công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, xu hướng chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính “sản xuất – tiêu dùng – thải bỏ” sang mô hình kinh tế tuần hoàn “giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế” đang dần trở thành lựa chọn tất yếu để bảo vệ môi trường.
Chiến lược này khuyến khích việc tái chế, sử dụng lại và sáng tạo các vật liệu thay thế, hướng đến việc biến “rác thải” thành “tài nguyên” quý giá. Những sáng kiến đổi mới công nghệ, các giải pháp xanh bền vững và chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý đang mở ra một chương mới đầy hứa hẹn, giúp cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cho tương lai.
Thực trạng ngành nhựa và rác thải nhựa tại Việt Nam
Năm 2019, sản lượng nhựa Việt Nam đạt khoảng 8.89 triệu tấn sản phẩm, mang lại doanh thu ước tính 17.5 tỷ USD, tương đương 6.7% GDP[1]. Nhựa được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như bao bì, hàng tiêu dùng, điện tử, ô tô, dệt may và nông nghiệp. Tuy nhiên, mặt trái của sự bùng nổ này là lượng rác thải nhựa ngày càng lớn, tạo ra áp lực nghiêm trọng lên hệ thống quản lý chất thải và môi trường.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 quốc gia hàng đầu thế giới về ô nhiễm nhựa[2]. Theo một báo cáo vào năm 2021, mỗi ngày người Việt thải ra hơn 8,000 tấn rác thải nhựa, tương đương 2.93 triệu tấn mỗi năm, tăng từ mức 2.7 triệu tấn năm 2018. Bình quân ở các đô thị, lượng rác nhựa thải ra khoảng 40 - 50 kg/người/năm, trong khi con số này tại nông thôn thấp hơn nhưng cũng đang gia tăng. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM dẫn đầu về phát sinh rác nhựa, với TP.HCM thải khoảng 1,068 tấn/ngày và Hà Nội khoảng 738 tấn/ngày chỉ riêng trong năm 2021. Việc tiêu dùng phổ biến đồ nhựa dùng một lần (túi nilon, ống hút, hộp xốp đựng thức ăn) góp phần làm khối lượng rác nhựa tăng nhanh[3].
Tuy lượng rác thải nhựa khổng lồ như vậy, khả năng thu gom và tái chế hiện vẫn rất hạn chế. Năm 2021, cả nước chỉ thu gom được khoảng 2.4 triệu tấn rác nhựa, trong đó chỉ 0.77 triệu tấn được tái chế thành công. Điều này có nghĩa là phần lớn rác nhựa được thu gom đang bị đưa đi chôn lấp hoặc đốt, và vẫn còn hơn 420,000 tấn rác nhựa bị thất thoát ra môi trường mỗi năm do thu gom chưa đạt[4]. Trên thực tế, ước tính 75% rác thải rắn ở Việt Nam (bao gồm nhựa) đang bị quản lý kém (đổ không đúng cách), dẫn đến việc chỉ dưới 30% lượng rác nhựa được tái chế[5]. Sự thiếu hiệu quả này khiến nhựa chiếm tới 80% rác thải biển của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến các hệ sinh thái biển và ven bờ.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) chẩn đoán về 10 loại rác thải nhựa hàng đầu được tìm thấy trên các điểm khảo sát kết hợp ở sông và ven biển chiếm 83% tổng số lượng và 73% tổng trọng lượng các vật dụng bằng nhựa. Túi nilon và các mảnh vỡ của chúng là những vật dụng dùng một lần phổ biến nhất tại Việt Nam.
Các mảnh nhựa mềm (soft plastic fragments), chủ yếu là mảnh vỡ của túi nilon chiếm 17.4% về số lượng và 14.5% về trọng lượng, và túi nilon cỡ 1 khoảng 0 - 5kg (plastic bags size 1) chiếm 8.5% về số lượng và 9.1% về trọng lượng. Dụng cụ đánh cá loại 1 (fishing gear 1) chiếm 16.9% về số lượng và 17.3% về trọng lượng và dụng cụ đánh cá loại 2 (fishing gear 2) thấp hơn loại 1 với 13% về số lượng và 11.5% về trọng lượng.
Tiếp theo là hộp xốp đựng thức ăn (styrofoam food containers) và các mảnh nhựa cứng (hard plastic fragments). Các loại nhựa khác (other plastic) như các mảnh và mảnh vỡ quá nhỏ hoặc bị hư hỏng không thể phân loại có số lượng ít nhất trong số 10 loại rác thải nhựa hàng đầu nhưng đứng thứ tư khi xét về trọng lượng[6].
![]() Nguồn: World Bank, 2022. Việt hóa: Phạm Hoàng Phúc
|
![]() Nguồn: World Bank, 2022
|
Tình trạng rác nhựa thất thoát đã đưa Việt Nam trở thành một điểm nóng về ô nhiễm nhựa toàn cầu. Nghiên cứu của Jambeck vào năm 2015 đã xếp Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về lượng rác nhựa đổ ra đại dương[7]. Các báo cáo gần đây cũng khẳng định Việt Nam thuộc nhóm top 5 quốc gia gây ô nhiễm nhựa đại dương lớn nhất[8]. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, lượng rác nhựa rò rỉ ra biển của Việt Nam có thể tăng gấp đôi vào năm 2030.
Chính sách và quy định hiện hành về kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa
Trước vấn nạn ô nhiễm nhựa, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa. Trong đó, Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) năm 2020, có hiệu lực từ 01/01/2022, lần đầu tiên áp dụng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)[9]. Theo đó, các nhà sản xuất và nhập khẩu phải thu hồi, tái chế một tỷ lệ nhất định sản phẩm, bao bì nhựa sau sử dụng hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường[10]. Việc triển khai EPR kỳ vọng tạo nguồn lực cho ngành tái chế, giảm gánh nặng ngân sách xử lý rác.
Bên cạnh EPR, Việt Nam đã xây dựng chiến lược chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Từ năm 2019, Việt Nam ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến 2030 (Quyết định 1746/QĐ-TTg) đặt mục tiêu giảm 50% rác nhựa đại dương vào 2025 và 75% vào 2030. Để đạt được, Việt Nam cấm túi nilon khó phân hủy vào năm 2026 và hầu hết sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031[11]. Đây là lộ trình quan trọng nhằm giảm thiểu rác nhựa ngay từ đầu nguồn.
Việt Nam cũng tham gia các sáng kiến toàn cầu như Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) hợp tác cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thiết lập nền tảng đa bên để giảm ô nhiễm nhựa. Trong nước, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn (Quyết định 687/QĐ-TTg năm 2022) và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến 2035 (Quyết định 222/QĐ-TTg năm 2025) đã được ban hành, khẳng định cam kết dài hạn của Việt Nam.
Mặc dù khung pháp lý đã hình thành, thách thức lớn vẫn nằm ở thực thi. Các chuyên gia cho rằng cần sớm có hướng dẫn chi tiết, cơ chế giám sát minh bạch và chế tài đủ mạnh để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ EPR. Đồng thời, đạt được các mục tiêu tham vọng như giảm 75% rác nhựa đại dương đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng.
Công nghệ tái chế và sáng kiến kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa
Công nghệ tái chế nhựa tại Việt Nam hiện chủ yếu là tái chế cơ học, trong đó rác nhựa được phân loại, làm sạch, nghiền nhỏ và nấu chảy để sản xuất hạt nhựa tái sinh. Hệ thống tái chế phần lớn dựa vào khu vực phi chính thức với mạng lưới người thu mua ve chai và các làng nghề truyền thống như Minh Khai (Hưng Yên) từ lâu nổi tiếng là “làng triệu phú rác”, nơi chiếm hơn 25% công suất tái chế nhựa cả nước[12]. Tuy nhiên, nhiều làng nghề sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nước thải và khói độc hại từ quá trình nấu nhựa. Bên cạnh tái chế cơ học, một số dự án thử nghiệm tái chế hóa học, như nhiệt phân nhựa thành nhiên liệu, nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi.
Gần đây, một số sáng kiến kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nhựa đã được triển khai. Đáng chú ý là hợp tác công tư giữa các doanh nghiệp lớn và tổ chức quốc tế nhằm cải thiện thu gom và tái chế. Chẳng hạn, chương trình “Vỏ chai sống nhiều lần” tại TP.HCM (tháng 11/2023), sử dụng ứng dụng VECA để kết nối người dân với người thu gom ve chai. Thông qua ứng dụng, người dân có thể dễ dàng bán vỏ chai cho người thu mua ve chai, tích lũy điểm thưởng. Các vỏ chai sau đó được tái chế thành nguyên liệu sản xuất chai mới theo công nghệ bottle-to-bottle.
Ngoài ra, đổi mới sáng tạo trong vật liệu và thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường đang phát triển mạnh. Một số doanh nghiệp đã giới thiệu bao bì làm từ nhựa sinh học phân hủy hoặc vật liệu tái chế. Các dự án khởi nghiệp như Plastic People biến rác nhựa thành ván ốp tường hoặc sản phẩm nội thất, mở ra vòng đời mới cho rác thải nhựa. Mô hình “đổi rác lấy quà” hay sử dụng máy bán hàng ngược tại siêu thị cũng đang khuyến khích thói quen tái chế của người tiêu dùng.
Một sáng kiến nổi bật khác là ứng dụng nhựa tái chế trong xây dựng hạ tầng. Năm 2019, Dow Chemical phối hợp với khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) xây dựng con đường thí điểm dài 1.4km bằng nhựa tái chế[13]. Kết quả cho thấy những con đường được xây dựng bằng nhựa tái chế đã giúp giảm tiêu thụ nhựa nguyên sinh.
Nhìn chung, công nghệ tái chế nhựa của Việt Nam đang từng bước cải thiện nhờ sự tham gia của khu vực tư nhân và hỗ trợ quốc tế. Dù còn nhiều hạn chế về công nghệ và vốn đầu tư, các sáng kiến nêu trên cho thấy tiềm năng biến “rác thải” thành “tài nguyên” trong nền kinh tế tuần hoàn.
Tác động kinh tế và môi trường
Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa mang lại lợi ích lớn cả về kinh tế lẫn môi trường cho Việt Nam. Về kinh tế, mô hình này giúp thu hồi giá trị vật liệu thất thoát trong chuỗi sản xuất tiêu dùng. Theo WB, 75% giá trị nhựa tái chế tại Việt Nam bị lãng phí mỗi năm, tương đương 2.2 - 2.9 tỷ USD[14]. Tăng cường tái chế tiết kiệm chi phí nhập khẩu nguyên liệu, tạo ra thị trường nguyên liệu thứ cấp trị giá hàng tỷ USD, thúc đẩy ngành tái chế nội địa và khởi nghiệp xanh. Đồng thời, việc chính quy hóa ngành thu gom phi chính thức sẽ tạo thêm việc làm xanh, đóng góp vào GDP cũng như an sinh xã hội.
Về môi trường, lợi ích rõ rệt nhất là giảm ô nhiễm nhựa trên đất liền và đại dương. Khi rác nhựa được tái sử dụng, lượng chất thải ra sông, biển giảm mạnh, bảo vệ hệ sinh thái ven biển quan trọng cho thủy sản và du lịch. Mục tiêu giảm 75% rác nhựa đại dương vào 2030 sẽ cải thiện đáng kể môi trường biển, giảm nguy cơ sinh vật biển bị tổn hại bởi rác thải nhựa. Trên đất liền, kinh tế tuần hoàn giúp giảm áp lực lên các bãi chôn lấp quá tải, kéo dài tuổi thọ bãi rác, hạn chế ô nhiễm đất, nước ngầm.
Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn cũng đặt ra thách thức ban đầu như chi phí đầu tư lớn cho công nghệ tái chế tiên tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng phân loại, thu gom. Các doanh nghiệp cần tái cơ cấu hoạt động và người lao động phải được đào tạo lại để thích ứng. Dù vậy, những chi phí này là khoản đầu tư cho tương lai bền vững.
[1] https://documents1.worldbank.org/curated/en/657501632843146201/pdf/Executive-Summary.pdf
[2] https://vasi.monre.gov.vn/di-tim-dong-chay-rac-thai-nhua-1707.htm
[3] https://vietnamnews.vn/society/1652007/viet-nam-still-witnesses-large-amount-of-plastic-waste-leaking-into-environment.html
[4] https://vietnamnews.vn/society/1652007/viet-nam-still-witnesses-large-amount-of-plastic-waste-leaking-into-environment.html
[5] https://www.undp.org/vietnam/stories/ripples-change-viet-nams-journey-reduce-plastic-pollution
[6] https://documents1.worldbank.org/curated/en/099731406282241639/pdf/P1673071d02f2c0be180741356b6b0e3deb.pdf
[7] https://documents1.worldbank.org/curated/en/657501632843146201/pdf/Executive-Summary.pdf
[8] https://www.worldbank.org/en/country/vietnam/publication/towards-a-national-single-use-plastics-roadmap-in-vietnam-strategies-and-options-for-reducing-priority-single-use-plasti
[9] https://documents1.worldbank.org/curated/en/657501632843146201/pdf/Executive-Summary.pdf
[10] https://www.vietnam-briefing.com/news/vietnams-extended-producer-responsibility-policy-company-recycling-obligations.html
[11] https://www.worldbank.org/en/country/vietnam/publication/towards-a-national-single-use-plastics-roadmap-in-vietnam-strategies-and-options-for-reducing-priority-single-use-plasti
[12] https://www.reccessary.com/en/news/vn-environment/vietnam-plastic-waste-recycling-challenges
[13]https://en.vietnamplus.vn/vietnams-first-recycled-plastic-made-road-being-built-in-hai-phong-post161349.vnp
[14] https://blogs.worldbank.org/en/eastasiapacific/why-vietnam-needs-circular-economy-plastics
- 08:10 27/03/2025