Doanh nghiệp có thể tận dụng sự khác biệt giữa các mức thuế quan của Trump?
Doanh nghiệp có thể tận dụng sự khác biệt giữa các mức thuế quan của Trump?
Việc thay đổi một phần chuỗi cung ứng của sản phẩm có thể giúp giảm chi phí theo “quy tắc xuất xứ”, nhưng việc cố gắng tận dụng điều này lại đi kèm những rủi ro.
Quyết định của Tổng thống Trump áp đặt các mức thuế quan khác nhau đối với các quốc gia trên thế giới đã tạo ra sự bất định lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, và trên lý thuyết, mang đến cơ hội tận dụng sự chênh lệch này.
Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cảnh báo rằng rất phức tạp để khai thác sự chênh lệch đó bằng cách tái cấu trúc chuỗi cung ứng, và không thể đoán được cách chính quyền Mỹ thực thi các quy tắc thương mại mới của mình.
Trong bối cảnh thương mại bị xáo trộn bởi thuế quan, các doanh nghiệp sẽ tìm cách giảm bớt gánh nặng. Cách họ làm điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng tái tổ chức chuỗi cung ứng, thu thập dữ liệu để vận hành một hệ thống mà các quy tắc vẫn đang được xây dựng.
Quy tắc xuất xứ là gì và tại sao chúng quan trọng?
Quy tắc xuất xứ là các quy định chi tiết về cách các doanh nghiệp phải chứng minh nguồn gốc sản phẩm và các thành phần cấu thành sản phẩm đó. Các nhà xuất khẩu cần chứng minh sản phẩm đến từ quốc gia nào để xác định mức thuế áp dụng.
Hiện nay, khi mức thuế dưới thời Trump thay đổi mạnh mẽ giữa các quốc gia, việc chứng minh hàng hóa đến từ một quốc gia có mức thuế thấp hơn có thể mang lại khoản tiết kiệm đáng kể tại biên giới Mỹ.
Quy tắc xuất xứ áp dụng trong các thỏa thuận thương mại song phương – nơi chúng được gọi là “quy tắc xuất xứ ưu đãi” – nhưng cũng được sử dụng ngoài phạm vi này, ví dụ trong việc áp dụng thuế chống bán phá giá, trừng phạt và hạn ngạch.
Các quy tắc xuất xứ “không ưu đãi” sẽ được sử dụng để xác định mức thuế mà sản phẩm phải chịu theo mức thuế mới của Trump, nhiều trong số đó bắt đầu có hiệu lực vào ngày 09/04.
Chính sách thuế mới của Trump sẽ hoạt động ra sao trong thực tế?, đây là câu hỏi mà các nhà giao dịch vẫn đang tìm kiếm câu trả lời.
Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, cơ quan liên bang chịu trách nhiệm thực thi quy định thương mại, đã công bố một số hướng dẫn ban đầu về cách thực hiện mức thuế mới.
Theo đó, các nhà xuất khẩu sẽ cần phân tích thành phần của các mặt hàng họ xuất khẩu, phân biệt giữa thành phần từ Mỹ – không chịu thuế, và thành phần không từ Mỹ - phải chịu mức thuế mới tùy thuộc vào nơi sản xuất.
Tuy nhiên, ngoài việc phân biệt thành phần từ Mỹ và không từ Mỹ, mức thuế không được xác định theo tỷ lệ phần trăm nguồn gốc mà dựa trên quốc gia cuối cùng sản xuất sản phẩm.
Anna Jerzewska, người sáng lập công ty tư vấn Trade and Borders, cho biết không giống như một thỏa thuận thương mại song phương, nơi quy tắc được quy định rõ ràng với quy tắc xuất xứ “không ưu đãi”, chi tiết ít rõ ràng hơn nhiều.
“Với những quy tắc không ưu đãi này, mọi thứ ít chắc chắn hơn và Hải quan Mỹ quyết định dựa trên cách diễn giải riêng của họ”, bà nói.
Doanh nghiệp có thể tận dụng chính sách thuế mới của Trump như thế nào?
Theo Sam Lowe, chuyên gia về chính sách thương mại tại Flint Global, doanh nghiệp có thể chuyển đổi chuỗi cung ứng để xuất khẩu từ các quốc gia có mức thuế thấp hơn nhằm khai thác hệ thống này.
Để tận dụng một quốc gia có mức thuế thấp hơn, sản phẩm cuối cùng phải trải qua “biến đổi đáng kể” tại quốc gia đó để trở thành một sản phẩm có “công dụng khác biệt so với trước khi chế biến”.
![]() Việt hóa: Quốc An
|
Một doanh nghiệp nhập khẩu rau thô rồi cắt nhỏ, đông lạnh và đóng gói sẽ không đạt tiêu chuẩn theo quy định của Mỹ.
Tuy nhiên, một doanh nghiệp nhập khẩu bơ, bột mì và sữa để làm bánh quy hoặc bánh ngọt sẽ đáp ứng điều kiện, với sản phẩm cuối cùng được coi là có xuất xứ từ quốc gia nơi nó được chế biến.
Về lý thuyết, một nhà sản xuất phô mai tại Cộng hòa Ireland, nơi thuộc EU và chịu mức thuế 20% có thể chuyển sản xuất sang Bắc Ireland để xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ với mức thuế thấp hơn, chỉ 10%, áp dụng cho Anh.
“Do sữa thường được thu mua trên cơ sở toàn Ireland nên đã có sự mơ hồ về nguồn gốc của nó”, Lowe cho biết thêm, “trên thực tế việc này có hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào cách Cơ quan Hải quan Mỹ quyết định diễn giải các quy định nếu họ cho rằng các công ty đang cố gắng lách luật”.
![]() Một nhà sản xuất phô mai ở Cộng hòa Ireland sẽ phải chịu thuế 20% của Hoa Kỳ nhưng có thể chuyển sản xuất sang Bắc Ireland và xuất khẩu sang Hoa Kỳ theo mức thuế 10%. Ảnh: Ana Fernandez/SOPA/LightRocket/Getty Images
|
Các công ty sẽ tận dụng sự khác biệt về thuế quan đến mức nào?
Các chuyên gia thương mại cho rằng điều này khó dự đoán, nhưng cảnh báo nhiều doanh nghiệp có thể đơn giản chọn cách trả thuế thay vì chịu chi phí và sự phức tạp khi tính toán tỷ lệ thành phần của sản phẩm là từ Mỹ hay không phải từ Mỹ.
Điều này xảy ra bất chấp gánh nặng tiềm năng lớn từ các mức thuế, vốn đã khiến thị trường toàn cầu lao dốc.
Việc chứng minh nguồn gốc hoàn toàn không phải từ Mỹ cũng không đơn giản. Lawrence Friedman, luật sư hải quan và đối tác tại công ty luật Barnes, Richardson & Colburn LLP ở Chicago, cho biết việc xác định một sản phẩm đã được “biến đổi đáng kể” để đủ điều kiện áp dụng mức thuế của một quốc gia cụ thể vẫn còn nhiều bất định.
“Quá trình này không khó về bản chất, nhưng nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và mơ hồ. Một người có thể đưa ra tuyên bố xuất xứ hợp lý nhưng hải quan lại không đồng ý”, ông nói.
“Một quyết định có thể xoay quanh việc thành phần nào tạo nên ‘bản chất’ của một sản phẩm hoàn thiện, nhưng ‘bản chất’ lại là một thuật ngữ khó xác định”.
Một số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đã quen với giao dịch theo các thỏa thuận thương mại song phương và có hệ thống xử lý “quy tắc xuất xứ” - có thể ở vị trí tốt hơn so với những doanh nghiệp khác, George Riddell - Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn thương mại Goyder cho biết.
“Điều này phụ thuộc vào việc phần mềm quản lý chuỗi cung ứng của họ tốt đến đâu và liệu dữ liệu đó có được cập nhật theo thời gian thực hay không”, ông nói.
Trên thực tế, ông cho biết nhiều công ty, bao gồm cả các tập đoàn đa quốc gia lớn, đã không cập nhật chứng nhận quy tắc xuất xứ. “Việc sửa chữa và cập nhật rất tốn thời gian và chi phí”, ông nói thêm.
Với sự khó đoán của chính quyền Trump, nhiều doanh nghiệp có khả năng sẽ chờ đợi và quan sát tình hình, Jerzewska từ Trade and Borders nhận xét.
“Việc thiết lập các quy trình mới để giám sát nội dung không phải từ Mỹ là rất tốn kém. Với sự biến động hiện tại, các doanh nghiệp sẽ tự hỏi: Chúng ta chắc chắn đến mức nào về các mức thuế trả đũa sẽ tồn tại đủ lâu để khoản đầu tư đó mang lại lợi ích?”.
![]() Harley-Davidson đã chuyển dây chuyền sản xuất xe máy sang Thái Lan để tránh thuế trả đũa của EU trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, nhưng khối này vẫn áp thuế với lý do việc di dời nhằm mục đích tránh né thuế. Ảnh: Jack Taylor/AFP/Getty Images
|
Rủi ro khi cố gắng lách luật hệ thống mới là gì?
Rủi ro là rất lớn. Việc chuyển sản xuất sang các quốc gia khác để tận dụng mức thuế thấp hơn có thể mất nhiều năm, nhưng Trump đã tuyên bố rõ ràng rằng ông giữ quyền tăng hoặc giảm thuế đối với các quốc gia tùy thuộc vào hành vi của họ.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, ông đã đưa ra và hoãn áp dụng một loạt mức thuế đối với các quốc gia và sản phẩm khác nhau. Vào hôm 07/04, ông tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế 50% đối với Trung Quốc để trừng phạt Bắc Kinh vì hành động trả đũa đối với các mức thuế 34% và 20% mà Washington đã thông báo trước đó.
“Không có gì đảm bảo rằng, đến lúc bạn chuyển đổi sản xuất, quốc gia đó chưa làm điều gì khiến Trump tức giận và ông ấy lại tăng thuế”, Jerzewska bổ sung.
Rủi ro cũng mang tính chính trị trong bối cảnh Mỹ, EU và Trung Quốc bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Trong trường hợp đó, Riddell cho biết thêm, rủi ro nằm ở việc cơ quan chức năng Mỹ áp dụng cách tiếp cận trừng phạt đối với bất kỳ biện pháp nào nhằm lách luật thuế quan.
Ông dẫn ví dụ về nhà sản xuất xe máy Harley-Davidson của Mỹ đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Thái Lan để tránh các mức thuế trả đũa mà Brussels áp đặt trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. EU đã quyết định rằng vẫn phải áp dụng mức thuế vì việc di dời nhằm mục đích tránh né thuế.
“Luật pháp Mỹ hiện tại không cho phép loại trả đũa như vậy, nhưng không thể loại trừ khả năng Mỹ sẽ đi theo hướng tương tự trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện”, ông nói.
- 20:59 08/04/2025