Phe “bò” và phe “gấu” nghĩ gì về nền kinh tế thế giới năm 2019?

17/12/2018 16:51
17-12-2018 16:51:55+07:00

Phe “bò” và phe “gấu” nghĩ gì về nền kinh tế thế giới năm 2019?

2019 có lẽ sẽ là một năm đầy thử thách đối với nền kinh tế thế giới.

Những nhà đầu tư giá xuống (Bears – phe gấu) cho biết thị trường tín dụng bong bóng phập phồng, chiến tranh thương mại dài dẳng và các bất ổn chính trị sẽ kìm hãm tăng trưởng. Trong khi đó, những nhà đầu tư giá lên (Bull – phe bò) tranh luận rằng nhu cầu toàn cầu vẫn còn vững chắc, lạm phát trong tầm kiểm soát và nếu có giảm tốc thì cũng giảm tốc nhẹ mà thôi.

Sau đây, Bloomberg dẫn lại những vấn đề nóng và gây nhiều tranh cãi về năm 2019.

#1 Chiến tranh thương mại

Phe “gấu”

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý đình chiến thương mại tạm thời, nhưng phe “gấu” cho rằng bình yên sẽ không kéo dài. Điều này có nghĩa, rủi ro áp thêm thuế mới và các rào cản khác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn đáng lo ngại.

Phe “bò”

Phe “bò” tranh luận rằng hai bên có thể tiến tới một thỏa thuận. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đồng ý các điều khoản cho phép nhà đầu tư tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng tạo ra một nền kinh tế công nghệ cao hàng đầu thế giới.

#2 Thị trường dầu

Phe “gấu”

Giá dầu đã biến động dữ dội trong năm 2018, gần khép lại năm nay ở quanh mức 50 USD/thùng sau khi vượt mốc 75 USD/thùng trong tháng 10/2018. Phe “gấu” cho rằng giá dầu thấp hơn phản ánh nhu cầu yếu và nguồn cung vẫn còn bùng nổ từ phía dầu đá phiến Mỹ - qua đó sẽ gây tổn thương đến các nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng.

Phe “bò”

Phe “bò” cho biết giá năng lượng rẻ hơn sẽ hỗ trợ cho người tiêu dùng, những quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai và sẽ kìm hãm lạm phát. Từ đó, các ngân hàng trung ương không còn lý do để nâng lãi suất. Việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu Mỏ (OPEC) và đồng minh cắt giảm sản lượng 1.2 triệu thùng dầu/ngày cũng không tác động quá nhiều.

#3 Các ngân hàng trung ương

Phe “gấu”

Phe “gấu” cho rằng vốn sẽ dần trở nên đắt đỏ hơn khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Từ đó, thị trường mới nổi sẽ biến động mạnh hơn trong lúc chủ nghĩa dân túy đang gây áp lực lên các ngân hàng trung ương.

Phe “bò”

Phe “bò” cho rằng không có áp lực lạm phát nên không cần nâng lãi suất cao hơn. Ngoài ra, khả năng suy giảm về tăng trưởng Mỹ có thể khiến Fed ngừng nâng lãi suất.

#4 Nền kinh tế Mỹ

Phe “gấu”

Thay vì một nền kinh tế Mỹ phá vỡ kỷ lục về chuỗi tăng trưởng dài nhất, phe “gấu” nhận thấy năm 2019 là năm tăng trưởng bắt đầu đảo ngược. Tác động tích cực ngày càng phai nhạt từ các gói kích thích tài khóa, sự tê liệt từ Quốc hội, chiến tranh thương mại và các đợt nâng lãi suất của Fed sẽ gây tổn thương tới nền kinh tế.

Phe “bò”

Có thể không phải là vậy. Không hề có dấu hiệu quá nhiệt hay lạm phát tăng mạnh và do đó, nền kinh tế và thị trường việc làm của Mỹ vẫn tiếp tục vững mạnh. Ngoài ra, Fed có thể quyết định tạm ngưng nâng lãi suất sớm hơn dự báo của thị trường, qua đó giảm bớt áp lực lên người đi vay và thị trường.

#5 Thị trường tín dụng

Phe “gấu”

Tại Mỹ, sự bùng nổ trong việc phát hành các sản phẩm cấu trúc (structured products) như các khoản vay có thế chấp đã khiến các nhà điều hành cảm thấy lo ngại và đưa ra lời cảnh báo. Phe “gấu” lo ngại rằng đà giảm tốc về kinh tế và việc Fed rút bớt thanh khoản có thể tác động mạnh tới các yếu tố cơ bản của thị trường tín dụng, đẩy những tài sản có mức tín nhiệm BBB xuống phạm vi “rác" (junk).

Phe “bò”

Phe “bò” cho rằng khi quá trình nâng lãi suất của Fed gần tới hồi kết và né tránh được một cuộc suy thoái thì tỷ suất sinh lợi sẽ tăng trở lại trong năm 2019. Bank of America Merrill Lynch (BoAML) nhận thấy các khoản vay có đòn bẩy (leveraged loans) tại Mỹ có thể mang về tỷ suất sinh lợi 4-5%.

#6 Khủng hoảng Euro

Phe “gấu”

Phe “gấu” cho rằng việc chính quyền Italy thách thức các quy định ngân sách châu Âu sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng kế tiếp của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể buộc phải can thiệp vào thị trường bằng cách công cụ chưa được kiểm nghiệm trước đó, qua đó gây áp lực lên sự đồng thuận về chính trị vốn đã rất mong manh ở khu vực Eurozone.

Phe “bò”

Phe “bò” tranh luận rằng sự hỗ trợ dành cho đồng Euro đang ở mức cao kỷ lục tại Italy và phần còn lại của khu vực Eurozone. Chính phủ dân túy đã báo hiệu muốn thỏa hiệp với các đối tác châu Âu. Các cuộc biểu tình trên đường phố ở Pháp đã dịu bớt phần nào mà không để lại thiệt hại lâu dài.

#7 Brexit

Phe “gấu”

Anh có thể rời Liên minh châu Âu (EU) vào năm tới mà không có một thỏa thuận nào. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã lên tiếng cảnh báo với kịch bản trên, nền kinh tế Anh có thể suy thoái 8% và Bảng Anh mất 25% giá trị. Trong kịch bản Brexit không có thỏa thuận, các thị trường tài chính sẽ rơi vào tình trạng hoảng loạn.

Phe “bò”

Phe “bò” tranh luận Brexit có thể diễn ra một cách có trật tự và cả hai bên có thể đạt những bước tiến nhanh chóng để định hình mối quan hệ mới của họ về kinh tế.

#8 Nợ

Phe “gấu”

Citigroup lưu ý rằng nợ toàn cầu giờ cao gấp 3 lần so với thời điểm 20 năm về trước, từ đó làm dấy lên nỗi lo thế giới có thể rơi vào cuộc khủng hoảng nợ. Ngoài ra, họ còn cảnh báo đà tăng của lãi suất còn tạo ra rủi ro lớn cho các hộ gia đình và các công ty phi tài chính. Họ lưu ý phần lớn Chính phủ tại các nền kinh tế phát triển và một vài thị trường mới nổi lớn rất dễ tổn thương trước các rủi ro nợ.

Phe “bò”

Trong khi đó, phe “bò” cho rằng lãi suất sẽ chỉ tăng lên cao và miễn là tăng trưởng kinh tế vẫn còn giữ vững thì người đi vay có thể trả hết được khoản nợ của họ.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nhiều nước châu Á đẩy lùi thời điểm giảm lãi suất

Với triển vọng ngày càng mờ mịt về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng tiền tệ trong năm, nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á buộc phải đẩy lùi thời điểm...

Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc được nâng lên 4,8%

Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu năm mới mạnh mẽ nhờ nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của nước này và việc chính quyền nỗ lực phát triển công nghệ...

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao

Tổng Sản phẩm Quốc nội của Mỹ đã tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2024, thấp hơn nhiều mức trung bình được các nhà kinh tế dự báo trước đó là 2,4%, trong khi tốc độ...

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98