Nhà sáng lập Huawei: “Nếu ông Trump gọi, tôi chưa chắc sẽ nhấc máy”
Nhà sáng lập Huawei: “Nếu ông Trump gọi, tôi chưa chắc sẽ nhấc máy”
Nhà sáng lập Huawei Technologies Nhậm Chính Phi đưa ra giọng điệu thách thức khi đối mặt với lệnh cấm từ Mỹ, dù lệnh cấm này có thể đe dọa tới sự tồn tại của “đứa con tinh thần” của ông.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television, nhà sáng lập công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc thừa nhận lệnh giới hạn xuất khẩu của chính quyền Trump sẽ tác động mạnh tới vị trí dẫn đầu của Huawei trước các đối thủ như Ericsson AB và Nokia Oyj. Thế nhưng, Huawei sẽ tự phát triển nguồn cung cấp chip của chính họ hoặc tìm các nơi cung ứng thay thế để duy trì lợi thế trong mảng điện thoại thông minh và 5G.
Nhà sáng lập Huawei Technologies Nhậm Chính Phi
|
Trong ngày 17/05/2019, Mỹ đã thêm Huawei vào danh sách đen – vì cáo buộc công ty hỗ trợ cho Bắc Kinh trong hoạt động gián điệp – và ngăn chặn Huawei tiếp cận tới phần mềm và linh kiện Mỹ cần thiết để lắp ráp sản phẩm. Lệnh cấm này rõ ràng cản trở con đường của nhà cung cấp thiết bị kết nối mạng lớn nhất thế giới và là công ty điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, ngay khi họ chuẩn bị bước lên vị trí dẫn đầu về công nghệ trên toàn cầu. Lệnh cấm khiến các nhà sản xuất chip từ Mỹ cho tới châu Âu lao đao vì chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ vụn vỡ.
Chưa dừng lại ở đó, lệnh cấm cũng có thể gây gián đoạn tới việc triển khai hệ thống mạng 5G trên toàn cầu, hủy hoại một tiêu chuẩn từng được ngợi ca là nền tảng của mọi thứ từ xe hơi tự lái cho tới phẫu thuật bằng robot.
Ông Nhậm Chính Phi vẫn tin vào khả năng của Huawei, cho rằng công ty có thể tự nghĩ ra giải pháp – chỉ cần có thời gian. Họ đã bắt đầu tự thiết kế chip trong nhiều năm qua và chip của họ cũng được sử dụng trong nhiều chiếc điện thoại thông minh Huawei. Thậm chí, họ còn tự phát triển hệ điều hành cho điện thoại và server. Tuy nhiên, nhà sáng lập Huawei lại lảng tránh những câu hỏi về việc Huawei có thể nhanh chóng thay thế những linh kiện hay phần mềm từ Mỹ hay không. Nếu không nhanh chóng tìm ra giải pháp thì mảng tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh chóng của Huawei sẽ rơi vào thế khó và thậm chí, những nỗ lực mở rộng hoạt động gần đây như dịch vụ đám mây cũng sẽ “chết yểu”.
“Điều này phụ thuộc vào khả năng thợ sửa chữa của chúng tôi, họ sẽ sửa ‘chiếc máy bay’ Huawei nhanh tới thế nào”, ông Nhậm Chính Phi điềm tĩnh trả lời câu hỏi về hoàn cảnh của Huawei. “Không quan trọng việc họ sử dụng nguyên liệu gì, có thể là kim loại, vải hoặc giấy, mục tiêu là giữ chiếc máy bay ở trên không trung”.
Từ một người sống ẩn dật, ông Nhậm Chính Phi bỗng trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông chỉ trong vòng vài tháng khi ông cố gắng cứu vớt Công ty mà ông gầy công tạo dựng. Rời khỏi trạng thái bế quan tỏa cảng, nhà sáng lập 74 tuổi này xuất hiện sau vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei và cũng là con gái của ông, bà Mạnh Văn Chu, trong một cuộc điều tra về Huawei. Kể từ đó, ông trở thành nhân vật nằm trung tâm trong cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung – vốn có thể là một sự kiện quan trọng nhất để định hình lại thế giới kể từ sự sụp đổ của Liên minh Soviet. Như ông Nhậm Chính Phi cho biết hồi tháng 1/2019, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đấu tranh cho ngôi vị dẫn đầu, những gì đang ngáng đường họ sẽ khó mà tồn tại được. Huawei đang là “hạt vừng” giữa cuộc chiến của hai cường quốc lớn nhất thế giới, ông nói.
“Thương chiến Mỹ-Trung sẽ khiến một trong những niềm tự hào của Trung Quốc gục ngã”, Chris Lane , Chuyên viên phân tích tại Sanford C. Bernstein & Co, nhận định. “Nếu Trung Quốc đóng cửa tất cả nhà máy của Apple, Mỹ sẽ rất bực tức. Đây là một động thái tương tự”.
Ông Nhậm Chính Phi phải đấu tranh trước “loạt đạn” từ chính quyền Mỹ. Huawei ngày càng hứng chịu nhiều áp lực, bị bủa vây khi Mỹ kêu gọi các đồng minh cấm sử dụng thiết bị từ Huawei, gần đây nhất, Microsoft đã “đá” Huawei ra khỏi dịch vụ đám mây. Giờ đây, Huawei gặp khó trăm bề ở nhiều lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng mạng không dây và thiết bị bán dẫn cho tới thiết bị tiêu dùng.
Rồi lại tới việc bị Mỹ thêm vào danh sách đen. Huawei dường như đã đoán trước được việc này từ giữa năm 2018, khi Mỹ đe dọa áp trừng phạt lên đối thủ cạnh tranh ZTE. Huawei được cho là có đủ linh kiện và chip dự trữ để tiếp tục hoạt động trong ít nhất là 3 tháng.
“Chúng tôi đã sản xuất ra một số loại chip rất tốt”, ông Nhậm Chính Phi cho hay. Ông là một nhân vật huyền thoại ở quê nhà bởi cách mà ông gầy dựng Huawei từ một công ty chẳng có gì thành một “gã khổng lồ” trên toàn cầu. “Có thể tăng trưởng trong môi trường khắc nghiệt nhất chỉ cho thấy chúng tôi tuyệt vời như thế nào thôi”.
Tuần trước, ông Trump cho biết Huawei có thể trở thành một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, làm dấy lên suy đoán cho rằng Huawei có thể là một lợi thế trong các cuộc đàm phán nhạy cảm. Thế nhưng, ông Nhậm Chính Phi cho biết ông không phải là chính trị gia. “Đây là một trò hề thực sự”, ông lên tiếng nhạo báng. “Làm sao mà chúng tôi lại có liên quan tới thương mại Mỹ-Trung?”.
Nếu ông Trump gọi, “tôi sẽ phớt lờ ông ấy, rồi sau đó ông ấy sẽ thương lượng với ai? Nếu ông ấy gọi tôi, tôi chưa chắc sẽ nhấc máy. Nhưng ông ấy còn không có số của tôi nữa mà”.
Trên thực tế, ông Nhậm Chính Phi chẳng chỉ trích người mà ông đã gọi là “vị Tổng thống tuyệt vời” chỉ vài tháng trước. “Tôi thấy ông ấy tweet và nghĩ nó thật buồn cười vì chúng tự mâu thuẫn với nhau”, ông nói. “Sao ông ấy có thể là bậc thầy của nghệ thuật thỏa thuận được nhỉ?”.
Bắc Kinh không phải là không có lựa chọn nào. Một số người cho rằng Trung Quốc có thể đáp trả lại động thái cấm Huawei – vốn có thể trải rộng ra một số công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đáng hứa hẹn nhất – bằng cách cấm các tập đoàn lớn nhất của Mỹ tham gia vào thị trường Trung Quốc. Apple có thể mất gần 1/3 lợi nhuận nếu Trung Quốc cấm các sản phẩm của họ, Goldman Sachs ước tính.
Ông Nhậm Chính Phi cho biết ông sẽ phản đối động thái cấm Apple.
“Đầu tiên là điều đó sẽ không xảy ra. Và thứ hai, nếu có xảy ra đi chăng nữa, tôi sẽ là người đầu tiên phản đối”, ông Nhậm Chính Phi cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Apple là thầy của tôi, Apple đang đi tiên phong. Là một học trò, tại sao lại chống thầy giáo của mình? Không bao giờ!”.
Nằm trung tâm trong cuộc đàn áp của ông Trump là nghi ngờ rằng các công ty Trung Quốc đã giúp Bắc Kinh do thám các Chính phủ nước ngoài, đồng thời dẫn đầu tham vọng trở thành cường quốc công nghệ của Trung Quốc. Nhiều năm qua, Huawei bị cáo buộc đánh cắp sở hữu trí tuệ trong các vụ kiện do các công ty Mỹ khởi xướng, từ Cisco Systems Inc. và Motorola Inc. cho tới T-Mobile US Inc. Những nhà bình luận cho biết hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ giúp Huawei đi đầu về công nghệ - thế nhưng, nhà sáng lập Huawei cười và phủ nhận cáo buộc đó.
“Tôi đánh cắp các công nghệ Mỹ của tương lai. Mỹ còn chẳng hề có những công nghệ đó”, ông nói. “Chúng tôi đang dẫn trước Mỹ. Nếu chúng tôi đang tụt lại phía sau thì chẳng có lý gì ông Trump lại chỉ trích chúng tôi”.
"Mỹ chưa bao giờ mua sản phẩm của chúng tôi”, ông cho hay. “Ngay cả nếu họ muốn trong tương lai, có thể tôi cũng sẽ không bán cho họ. Chẳng cần phải thương lượng làm gì".
FiLi