Masan: Lãi ròng 6 tháng 1,882 tỷ đồng, trong 6 đến 12 tháng tới sẽ đạt mức tăng trưởng hai chữ số
Masan: Lãi ròng 6 tháng 1,882 tỷ đồng, trong 6 đến 12 tháng tới sẽ đạt mức tăng trưởng hai chữ số
CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) cho biết, lợi nhuận các lĩnh vực kinh doanh chính tăng 37% trong quý 2/2019 và 20% trong nửa đầu năm 2019; đầu tư vào các ngành tăng trưởng trụ cột mang lại hiệu quả cho Tập đoàn trong 12 tháng tới.
Doanh thu thuần trong quý 2/2019 của MSN đạt mức 9,250 tỷ đồng, nhích nhẹ so cùng kỳ 2018. Trong đó, Masan Consumer Holdings đóng góp 4,199 tỷ đồng và ghi nhận sự tăng trưởng gần 7% so cùng kỳ; Masan MEATLife đóng góp 3,549 tỷ đồng, còn Masan Resource ở mức 1,502 tỷ đồng.
Sau cùng, lãi ròng hoạt động kinh doanh chính của Masan đạt mức 1,016 tỷ đồng, tăng gần 37% so cùng kỳ. Nâng lũy kế 6 tháng lên con số 1,882 tỷ đồng, tăng gần 21%.
Nổi bật trong các ngành hàng của Masan kỳ này chính là Masan MEATLife (MML) khi tỷ suất lãi gộp biên cải thiện mạnh từ mức 14.6% của cùng kỳ lên 18% nhờ việc ra mắt thành công thương hiệu MEATDeli. Với sự ra mắt thành công này, MML đặt mục tiêu doanh thu năm 2019 sẽ từ 500 - 1,000 tỷ đồng với số lượng điểm bán tăng gấp 5 lần, lên xấp xỉ 500 điểm.
Ngoài ra, ngành thức ăn chăn nuôi của MML cũng đang dần ổn định. Sản lượng thức ăn cho heo giảm 17%, so với mức giảm của thị trường là hơn 20%, nhưng được bù đắp bởi mức tăng trưởng hai chữ số ở phân khúc thức ăn thủy sản và gia cầm. Ban điều hành MML dự kiến doanh thu thức ăn cho heo sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 4/2019 khi tiêu thụ cám Bio-zeem được đẩy mạnh nhờ vào chương trình hợp tác với trại lớn.
Với Masan Resources (MSR), thị trường giá Vonfram giảm đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh nửa đầu 2019. Công ty tin rằng thị trường Vonfram đã chạm đáy và kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục vào cuối quý 3/2019. Thêm vào đó, Trung Quốc - nơi kiểm soát 80% sản lượng Vonfram toàn cầu - có thể sẽ cắt nguồn cung cho các nước khác do giá vốn của các doanh nghiệp Vonfram trong nước này đang thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Mặt khác, Công ty cũng có kế hoạch giảm tồn kho đồng trong vòng 6 đến 12 tháng tới.
Trong khi đó, Masan Consumer Holdings (MCH) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 6% trong nửa đầu năm 2019. Ngành hàng gia vị tăng 2.6%, còn nước mắm cao cấp đang theo đúng hướng mà Công ty đã đề ra. Sản phẩm hạt nêm nổi lên như một nhân tố đóng góp mạnh mẽ vào chỉ số tăng trưởng, tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian để đánh giá tác động tăng trưởng trong trung hạn. Trong nửa cuối năm 2019, ngành hàng gia vị được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 2 chữ số vì mức tăng trưởng hàng tháng của các sản phẩm chính đã đi vào ổn định, cộng thêm đóng góp doanh thu từ các phát kiến mới.
Ngành hàng thực phẩm tiện lợi cao cấp đạt tăng trưởng 27% trong nửa đầu 2019 và danh mục các giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh tăng 45% so với nửa đầu 2018. Trong nửa cuối 2019, ngành hàng này dự kiến cũng sẽ đạt mức tăng trưởng 2 chữ số.
Với ngành hàng nước uống, doanh thu thuần tăng hơn 26% trong nửa đầu 2019 nhờ vào mức tăng trưởng hai chữ số ở cả nước tăng lực và nước đóng chai. Nước tăng lực tăng trưởng 28.4% trong nửa đầu năm 2019 do mạng lưới phân phối được mở rộng và sản phẩm mới được ưa chuộng.
Tóm lại, cả năm 2019, Masan Consumer dự kiến doanh thu thuần tăng 20-25%, còn Masan MEATLife sẽ tăng từ một đến hai chữ số, Masan Resources sẽ phụ thuộc vào giá hàng hóa trong nửa cuối 2019, mặc dù doanh nghiệp sẽ bảo vệ lợi nhuận bằng cách giảm thiểu mức tồn kho vào cuối năm để tạo ra nguồn tiền trong môi trường đầy thách thức.
Dù vậy, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masan Group tin tưởng kết quả kinh doanh trong 6 đến 12 tháng tới sẽ đạt mức tăng trưởng hai chữ số. Các mảng kinh doanh chưa hiệu quả sẽ được cải thiện bằng các nguồn lực nội tại hoặc thông qua các hoạt động M&A.
Fili