Giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn: Cần thiết!

05/10/2023 05:17
05-10-2023 05:17:30+07:00

Giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn: Cần thiết!

Các chuyên gia cho rằng việc giảm tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống ngân hàng.

Theo lộ trình được quy định trong Thông tư 08/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 1-10-2023, các ngân hàng sẽ phải giảm tỉ lệ tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn xuống mức 30%, thay vì 34% như hiện tại.

Các chuyên gia cho rằng quy định này là cần thiết để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng cũng như phù hợp với chuẩn mực thông lệ quốc tế.

Ngân hàng gánh cả thị trường tiền tệ và vốn

Thực tế hiện nay nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn, dưới một năm. Theo số liệu từ NHNN cho thấy có tới 88% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi dưới 12 tháng. Trong khi đó, tỉ trọng cho vay trung, dài hạn lên tới 52% trên tổng dư nợ tín dụng của hệ thống.

Từ ngày 1-10, các ngân hàng sẽ phải giảm tỉ lệ vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn xuống mức 30%. Ảnh: N.NHI

Từ ngày 1-10, các ngân hàng sẽ phải giảm tỉ lệ vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn xuống mức 30%. Ảnh: N.NHI

Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng đang phải gánh trên vai cả thị trường tiền tệ lẫn thị trường vốn. Trong khi đó, vai trò của các ngân hàng thương mại là huy động và phục vụ nhu cầu vay vốn ngắn hạn. Đối với nhu cầu vay vốn trung, dài hạn phục vụ cho mục đích đầu tư, các doanh nghiệp phải tìm đến thị trường vốn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu.

Mặc dù thanh khoản của thị trường này đã có sự cải thiện trong hai tháng trở lại đây nhưng tổng khối lượng phát hành mới vẫn còn hạn chế, chỉ vỏn vẹn 39.000 tỉ đồng trong hai tháng 6 và 7.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, cho biết: “Đây là chính sách có hiệu lực sau một năm gia hạn nên quy định không mang yếu tố gây bất ngờ. Theo đó, các ngân hàng đã có một năm chuẩn bị để thực hiện theo quy định mà NHNN đưa ra, đó là đưa tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về mức 30% như hiện nay. Tại Ngân hàng OCB, tỉ lệ này hiện chỉ dao động quanh ngưỡng 27% mà thôi”.

Số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, tính đến tháng 7 vừa qua, các ngân hàng đều đáp ứng tỉ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là 34% (áp dụng từ ngày 1-10-2022 đến 30-9-2023).

Theo đó, tỉ lệ này duy trì ở mức 32,66% với nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, cao hơn so với nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (24,97%). Xét chung toàn hệ thống, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%.

Đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống ngân hàng

Đánh giá về việc giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về mức 30%, các chuyên gia kinh tế tại Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng: Trong ngắn hạn, việc hạ tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay các kỳ hạn dài của các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ để tăng trưởng.

Đồng thời, thông tư mới cũng phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn của các ngân hàng, gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM).

Trong dài hạn, với chủ trương lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, việc áp dụng quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản. Đồng thời ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.

“Hầu hết ngân hàng đều đáp ứng quy định mới của Thông tư 08/2020 của NHNN. Việc giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ ngày 1-10-2023 là một phần động lực cho các ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn và tập trung phát hành kỳ hạn dài trong thời gian tới” - một chuyên gia Công ty Chứng khoán KBViệt Nam nhận định.

Không ảnh hưởng đến huy động vốn

Chuyên gia tài chính ngân hàng, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá: Giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là việc làm mà NHNN đã giảm trong nhiều năm nay và giảm có lộ trình. Hiện nay, hầu hết ngân hàng lớn trong hệ thống các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã giảm mức vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống chỉ còn đâu đó 25%-27%.

“Do đó, việc giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về mức 30% không ảnh hưởng gì đến hoạt động huy động vốn cũng như cho vay trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Giảm dần tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là một trong những động thái của NHNN nhằm đảm bảo tính an toàn thanh khoản cho các ngân hàng thương mại” - ông Thịnh nhận định.

Ông Thịnh lý giải: Khi gửi tiền tiết kiệm, người gửi chủ yếu chọn kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng. Khi đến hạn, ngân hàng sẽ phải hoàn trả cả gốc và lãi cho khách hàng. Trong khi người đến vay trung, dài hạn thì ngân hàng thường cho vay 3-5 năm, 10 năm, thậm chí có những khoản vay lên đến 30 năm.

Khi cần nguồn tiền để thanh toán cho người gửi ngắn hạn mà ngân hàng lại dùng để cho vay trung, dài hạn rồi thì có thể gây ảnh hưởng đến thanh khoản của một ngân hàng thương mại nói riêng và toàn hệ thống nói chung.

Theo thông lệ quốc tế, việc huy động vốn ngắn hạn chỉ cho vay ngắn hạn, cho vay trung, dài hạn chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Chúng ta cũng cần phải tuân thủ các quy định để đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống ngân hàng.

Việc giảm tỉ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã có lộ trình cụ thể. Ảnh: N.NHI

Việc giảm tỉ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã có lộ trình cụ thể. Ảnh: N.NHI

THÙY LINH

Pháp luật TPHCM





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Cơ cấu nguồn điện ra sao theo Quy hoạch điện 8 điều chỉnh?

Quy hoạch điện 8 (QHĐ8 điều chỉnh) vừa được thông qua ngày 15/04 nêu rõ, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm...

Được gỡ cơ chế, điện mặt trời mái nhà sẽ tăng mạnh thời gian tới

Theo Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, điện mặt trời mái nhà là xu hướng và sẽ phát triển rất nhanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới do hàng hoá của các doanh...

Bộ trưởng Xây dựng vừa ký 7 văn kiện quan trọng với Trung Quốc

Theo Bộ Xây dựng, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ Xây dựng đã ký 7 văn kiện quan trọng liên...

Tăng cường chống gian lận xuất xứ, bảo vệ uy tín và lợi ích hàng xuất khẩu

Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu đề xuất các biện pháp ngăn chặn tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận xuất xứ, bảo vệ uy tín và lợi...

Gây thiệt hại 38 tỉ đồng, cựu tổng giám đốc Tổng công ty Chè Việt Nam bị đề nghị 11-12 năm tù

Trong quá trình quản lý, sử dụng các khu nhà đất, cựu tổng giám đốc Vinatea Nguyễn Thiện Toàn cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại cho nhà nước.

Đề xuất DNNN có chế độ trả lương như doanh nghiệp tư nhân

Đề xuất cho doanh nghiệp nhà nước được trả lương như doanh nghiệp tư nhân là một ý kiến đáng chú ý của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân...

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân sắp hầu tòa phúc thẩm

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; còn bị cáo Lê Thanh Vân, kháng cáo kêu oan. Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm sẽ...

Máy bay Trung Quốc chính thức được nhập khẩu vào Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 89/2025 cho phép nhập khẩu nhiều chủng loại máy bay bao gồm Brazil, Canada, Nga, Anh và Trung Quốc.

Phấn đấu có tối thiểu 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến

Các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi...

Cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây tăng phí từ ngày 5/5

Mức phí lưu thông trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ tăng phí từ 2,100 đồng/km lên 2,240 đồng/km, tương ứng với mức tăng 7% (đã bao gồm thuế VAT) từ ngày...


Hotline: 0908 16 98 98