Giá đường nhảy múa, cây mía chưa mang lại niềm vui chung
Giá đường nhảy múa, cây mía chưa mang lại niềm vui chung
Hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp mía đường đang khởi sắc rõ rệt khi giá đường thế giới lẫn trong nước tăng cao. Tuy nhiên, thực tế tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại có thêm một nhà máy đường phải dừng hoạt động để tránh thua lỗ trong niên vụ 2023 - 2024.
*Doanh nghiệp mía đường niên độ 2023 - 2024: Kỳ vọng và lo lắng?
Lợi nhuận “thêm ngọt”
Dữ liệu từ Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giá đường thế giới kết phiên 06/11 đạt 616.2 USD/tấn, tăng 150% so với đầu năm và giữ được đà tăng liên tục kể từ quý 4/2022. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 12 năm qua đối với ngành mía đường toàn cầu, tính từ tháng 10/2011.
Nguồn cung đường sụt giảm tại 2 quốc gia sản xuất lớn trên thế giới là Ấn Độ và Thái Lan đã đẩy giá đường thế giới tăng và duy trì ở mức cao như hiện tại. Nhờ yếu tố này, giá các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu tăng và giá đường trong nước cũng tăng theo, dù mức tăng thấp hơn
Đó cũng là lý do vì sao phần lớn doanh nghiệp ngành mía đường thu về kết quả kinh doanh khá “ngọt ngào” trong quý 1 niên độ 2023 - 2024 (từ ngày 01/07 - 30/09/2023).
Kết quả kinh doanh quý 1 niên độ 2023-2024 của doanh nghiệp mía
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Mía đường Lam Sơn (Lasuco, HOSE: LSS) là doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, cả về doanh thu và lợi nhuận trong quý đầu niên độ mới.
Cụ thể, doanh thu 471 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hơn 17 tỷ đồng, tăng lần lượt 55% và 113% so với cùng kỳ. Đây là kết quả khả quan nhất của LSS trong vòng 5 quý gần nhất, kể từ quý 4/2021.
Tại ĐHĐCĐ thường niên, tổ chức ngày 09/11, Lasuco cho biết sẽ nhập 40,000 tấn đường thô trong niên độ 2023 - 2024 nhằm hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 2,202 tỷ đồng và lãi trước thuế 106 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 167% so với niên độ trước. Kết thúc quý 1, Công ty hoàn thành được 21% chỉ tiêu doanh thu và 16% mục tiêu về lợi nhuận.
Mía Đường Sơn La (HNX: SLS) cũng hé lộ kết quả quý 1 với mức tăng ấn tượng: doanh thu gần 431 tỷ đồng và lãi hơn 119 tỷ đồng, tăng tương ứng 26% và 47% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 12,183 đồng. Biên lãi gộp được cải thiện từ 29% cùng kỳ lên 31%.
Dù ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ, doanh thu và lợi nhuận của SLS giảm đáng kể so với quý liền trước và ngắt chuỗi 7 quý liên tiếp lợi nhuận quý sau cao hơn quý trước, kể từ quý 1 niên độ 2021 - 2022.
Cần nhấn mạnh rằng, quý 4 niên độ 2022 - 2023 là giai đoạn kinh doanh “bùng nổ” của SLS khi lập đỉnh doanh thu và lợi nhuận. Do đó, muốn phá kỷ lục trong quý 1 niên độ 2023 - 2024 không hề dễ dàng.
Trong niên độ 2023 - 2024, SLS tiếp tục đặt mục tiêu thận trọng với doanh thu thuần gần 1,046 tỷ đồng và lợi nhuận 137 tỷ đồng, giảm lần lượt 39% và 74% so với nền cao cùng kỳ, do lo ngại hiện tượng El Nino sẽ tác động nghiêm trọng đến vùng mía nguyên liệu. Dù mới hoàn thành được 41% chỉ tiêu doanh thu, SLS sắp cán đích mục tiêu lợi nhuận ngay quý đầu niên độ khi đạt 87% kế hoạch năm.
Khởi đầu niên độ mới, “ông lớn” Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, HOSE: SBT) là doanh nghiệp có lãi giảm 14% so với cùng kỳ, còn 195 tỷ đồng và đạt 30% kế hoạch năm. Đây vẫn là mức lãi cao nhất của SBT trong vòng 4 quý gần nhất, kể từ quý 2 niên độ 2022 - 2023.
Đằng sau sự sụt giảm lợi nhuận là ảnh hưởng từ chi phí lãi vay, chiếm hơn 444 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Biên lãi gộp co hẹp từ mức 12.5% cùng kỳ còn 11%.
Kỳ này, TTC AgriS tiêu thụ hơn 313 ngàn tấn đường, tăng 14% so với cùng kỳ và đạt hơn 6,366 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20% và hoàn thành 31% kế hoạch năm. Hoạt động bán đường mang về gần 5,900 tỷ đồng doanh thu (chiếm 93% tỷ trọng) và 663 tỷ đồng lãi gộp, tăng lần lượt 23% và 3%.
Biên lãi gộp quý 1 niên độ 2023 - 2024 của các doanh nghiệp mía đường
(Đvt: %)
Nguồn: VietstockFinance
|
“Một mình một kiểu” là Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS), sử dụng niên độ tài chính kết thúc vào 31/12 hàng năm. Kết thúc quý 3/2023, “vua sữa đậu nành” đạt hơn 506 tỷ đồng lãi ròng, tăng 60% so với cùng kỳ - chỉ thấp hơn mức kỷ lục 712 tỷ đồng của quý 2 trước đó. Đây là mức lãi quý cao thứ 2 của Doanh nghiệp trong vòng 27 quý trở lại đây. Biên lãi gộp cải thiện từ 32% cùng kỳ lên 35%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của QNS đạt 7,749 tỷ đồng, tăng 23% và đạt 93% kế hoạch năm. Trong đó, mảng đường có đà tăng trưởng tích cực nhất với doanh thu 3,127 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 862 tỷ đồng, gấp 2.2 lần và 3.6 lần cùng kỳ; mảng sữa đậu nành đi lùi với doanh thu 3,106 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 1,260 tỷ đồng, giảm 8% và 11%.
Sau cùng, Công ty lãi ròng 1,535 tỷ đồng, tăng 79% và vượt 52% mục tiêu về lợi nhuận.
Đường tồn kho giảm mạnh
Tại cuối tháng 09/2023, hàng tồn kho của các doanh nghiệp mía đường đều sụt giảm đáng kể so với đầu niên độ, khiến giới đầu tư lo ngại việc các doanh nghiệp không có hàng để bán trong quý tới, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Hàng tồn kho tại cuối tháng 9/2023
của doanh nghiệp mía đường
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Cụ thể, Mía đường Sơn La có giá trị tồn kho tại thời điểm 30/09 chỉ còn khoảng 76 tỷ đồng, giảm gần 250 tỷ đồng (tương ứng giảm 77%) ngay sau quý đầu niên độ mới. Đây là mức tồn kho thấp nhất của doanh nghiệp mía đường này trong vòng 27 quý trở lại đây, kể từ quý 3 niên độ 2016 - 2017.
Tương tự, hàng tồn kho của Mía đường Lam Sơn giảm 45%, còn khoảng 416 tỷ đồng; TTC AgriS giảm 7%, còn 4,185 tỷ đồng; KTS giảm nhẹ 2%, xuống 28 tỷ đồng.
Giá cao, nhà máy vẫn dừng sản xuất vì hết nguyên liệu
Dù hưởng lợi từ xu hướng của giá đường, để tận dụng tốt lợi thế này, vấn đề “đau đầu” nhất của các công ty mía đường Việt Nam vẫn là phát triển vùng nguyên liệu tự chủ.
Sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực thực thi, thuế nhập khẩu đường của Việt Nam từ các nước ASEAN đã giảm từ 85% xuống còn 5%. Điều này khiến cho việc nhập khẩu đường của Việt Nam tăng liên tục và gần 2/3 nguyên liệu cho các nhà máy đường trong nước đang phụ thuộc vào nguồn đường thô nhập khẩu.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào đường thô nhập khẩu khiến các nhà máy đường bị động ở các vụ cung ứng đường cao điểm trong năm. Việc Bộ Công Thương áp dụng các loại thuế phòng vệ thương mại thời gian qua, phần nào đã kích thích một số địa phương phục hồi vùng nguyên liệu mía.
Kết quả, diện tích trồng mía đã tăng trở lại trong 2 niên vụ gần nhất (2021 - 2022 và 2022 - 2023) nhưng vẫn còn khá thấp so với trước đây. Hơn nữa, do yếu thế cạnh tranh, đã có 17 nhà máy ngừng sản xuất hoặc phá sản, chỉ còn 24 nhà máy mía đường hoạt động trong thời gian từ năm 2019 đến tháng 05/2023.
Tại ĐBSCL, số liệu tổng hợp từ ngành nông nghiệp cho thấy, diện tích mía thời điểm năm 2010 là hơn 50,000 ha, nhưng nay chỉ còn khoảng 15,000 - 16,000 ha. Nguyên nhân chính là do cây mía không thể cạnh tranh với các loại cây trồng khác về mặt hiệu quả kinh tế.
Trước đây, toàn vùng ĐBSCL có 10 nhà máy đường hoạt động. Đến năm 2022, chỉ còn 3 nhà máy ở Trà Vinh, Hậu Giang và Sóc Trăng. Mới nhất, nhà máy đường Phụng Hiệp tại Hậu Giang - nhà máy sản xuất đường lớn nhất miền Tây - đã tạm ngưng hoạt động từ ngày 25/10, ngay trong vụ thu hoạch mía 2023 - 2024.
Đây là quyết định được ĐHĐCĐ CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco) thông qua với lý do nguồn nguyên liệu không đủ phục vụ sản xuất cho nhà máy, nếu tiếp tục hoạt động sẽ dẫn đến thua lỗ nặng. Ngoài ra, một phần cũng do nhiều bà con trồng mía phá vỡ cam kết, bán ra ngoài với giá cao hơn.
Casuco cho biết, sẽ bám sát diễn biến thị trường mía chục, mía đi Long An, Tây Ninh để xây dựng kế hoạch phục hồi vùng nguyên liệu cho các vụ kế tiếp, khi đủ điều kiện sẽ đưa nhà máy đường Phụng Hiệp sản xuất trở lại.
Liên quan thông tin trên, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, đối với ngành đường, việc tạm dừng nhà máy Phụng Hiệp cũng không ảnh hưởng lớn đến sản lượng chung, vì năm ngoái nhà máy cũng chỉ ép được 14,000 tấn mía (chiếm 0.14% sản lượng ngành).
*Thêm một nhà máy đường tại ĐBSCL dừng hoạt động, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường nói gì?
Cuối tháng 9, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình ban hành quyết định về việc ngừng hoạt động toàn bộ dự án nhà máy mía đường Hòa Bình trong thời gian 3 tháng. Nguyên nhân do trong quá trình hoạt động, CTCP Mía đường Hòa Bình làm ăn không hiệu quả, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước.
Cục Thuế tỉnh Hòa Bình cho biết, Mía đường Hòa Bình đang nợ 7.4 tỷ đồng tiền thuế. Đơn vị này đã được khoanh nợ vào năm 2020 do không còn khả năng trả nợ.
*Dừng hoạt động nhà máy mía đường lớn nhất Hòa Bình
Ngành Mía đường Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục hồi vùng nguyên liệu mía với quy mô khoảng 250,000 ha, đến năm 2028 đạt quy mô 300,000 ha. Trong niên vụ 2023 - 2024, theo VSSA, diện tích mía thu hoạch dự kiến sẽ đạt trên 159,100 ha, tăng 12% so với niên vụ trước; sản lượng mía chế biến 10.9 triệu tấn, tăng 13%; sản lượng đường trên 1 triệu tấn, tăng 10%. |