Những doanh nghiệp “nợ” cổ đông... không chỉ một lời xin lỗi!
Những doanh nghiệp “nợ” cổ đông... không chỉ một lời xin lỗi!
Mọi quy định về công bố thông tin khi ‘đặt chân’ lên sàn chứng khoán dường như đã bị những doanh nghiệp này lờ đi. Tất yếu có vấn đề! Lúc này thì cổ đông biết kêu ai?
Theo thống kê của Vietstock, tính đến trung tuần tháng 3/2018, vẫn có 393 doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính quý 4/2018, chủ yếu rơi vào nhóm trên sàn UPCoM (383) và HNX (9). Trong đó, những cái tên trên HNX gồm ASA, CMI, CTA, HVA, KHB, NDF, QNC, SDE, VMI.
Đồng loạt bị tạm ngừng giao dịch, thông tin về kết quả kinh doanh xa vời vợi
Đối với CTCP Hàng tiêu dùng ASA (HNX: ASA), báo cáo tài chính gần đây nhất mà Công ty công bố cho cổ đông là quý 2/2018 với doanh thu vỏn vẹn 1.77 tỷ đồng và 26 triệu đồng lợi nhuận sau thuế. Đáng nói hơn, hệ lụy từ những vi phạm trong công bố thông tin đã khiến cổ phiếu ASA bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 19/09/2018 tại mức giá bèo bọt 700 đồng/cp. Quyết định tạm ngừng giao dịch ASA của Sở GDCK Hà Nội đưa ra nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, bởi ASA vẫn chưa công bố báo cáo kiểm toán năm 2017 cũng như soát xét 6 tháng 2018.
Những chỉ số tài chính mà cổ đông chỉ có thể thấy gần đây nhất của ASA là từ quý 2/2018
Nguồn: VietstockFinance
|
Trước viễn cảnh u tối của Công ty, ĐHĐCĐ bất thường ngày 26/11/2018 của ASA đã thông qua việc thay đổi toàn bộ nhân sự HĐQT, Ban kiểm soát và dự kiến đổi tên thành CTCP Tập đoàn ASA (ASA Group); đồng thời dời trụ sở từ Hà Nội về Hưng Yên.
Với bộ sậu mới, ASA quyết định thoái 70 tỷ đồng vốn góp tại CTCP ICT Thanh Bình để dồn tiền hợp tác kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà ở và bất động sản. Cụ thể là hợp tác kinh doanh căn hộ chung cư với cá nhân là ông Trần Quốc Tuấn. Với số vốn 35 tỷ đồng, ASA sẽ hợp tác kinh doanh tại chung cư quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, với diện tích 1,626 m2, xây dựng 8 tầng và 62 căn hộ; và 12.5 tỷ đồng dành để hợp tác kinh doanh tại chung cư quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội với tổng diện tích sàn là 1,049.3 m2.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, những thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ASA rất hiếm, ngoài báo cáo quản trị 2018 sơ sài, website Công ty không còn tồn tại.
Còn thảm hơn nữa, cổ phiếu của CTCP Vinavico (HNX: CTA) cũng bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 30/07/2018 tại mức giá trà đá 500 đồng/cp do liên quan đến vi phạm công bố thông tin. Còn cổ đông muốn tìm hiểu thông tin về CTA thì thông tin gần đây nhất mà Công ty công bố trên website là từ tháng 8/2018 về thay đổi Tổng Giám đốc, còn báo cáo tài chính chỉ dừng lại ở quý 4/2017.
Thông tin tài chính của CTA dừng tại năm 2017
Nguồn: VietstockFinance
|
Có lẽ, cổ đông của CTA không thể trông chờ gì vào đồng vốn họ bỏ ra tại đây nữa khi mà dường như mọi thông tin về tình hình hoạt động của Công ty đều bặt vô âm tín!?
Cùng cảnh ngộ, cổ phiếu của CTCP Khoáng sản Hòa Bình (HNX: KHB) cũng bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 30/07/2018 tại mức giá 1,000 đồng/cp. Còn theo các báo cáo tài chính gần đây (mới nhất là quý 1/2018) thì KHB hầu như không ghi nhận doanh thu từ quý 1/2017 đến quý 1/2018, lợi nhuận thì liên tục báo âm.
Theo kế hoạch Công ty đặt ra cho năm 2018, doanh thu xuất hiện với 50 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tới 25 tỷ đồng; đặc biệt Công ty sẽ thu hồi công nợ và các khoản đầu tư với 100 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo thông tin từ hồi tháng 5/2018, KHB đã lên kế hoạch thanh lý bán sắt vụn khu nhà xưởng, máy móc thiết bị tại trụ sở Công ty để thu hồi vốn kinh doanh. Nhưng từ đó đến nay, những gì cổ đông của KHB nhận được là thông tin tạm ngừng giao dịch cổ phiếu, là chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2019, là thay đổi nhân sự… còn tình hình kinh doanh vẫn xa vời vợi.
Các chỉ số tài chính do KHB công bố đến quý 1/2018
Nguồn: VietstockFinance
|
CTCP Chế biến Thực phẩm Nông sản xuất khẩu Nam Định (HNX: NDF) cũng nằm trong diện cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch từ tháng 7/2018. Đáng nói hơn, các số liệu về tài chính của NDF dừng lại tại quý 3/2017 dù vẫn đang ghi nhận lợi nhuận qua từng quý.
Các chỉ số tài chính do NDF công bố đến quý 3/2017
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong năm 2018, ngoài thông tin thay đổi Chủ tịch do vị Chủ tịch bấy giờ qua đời, thì tại NDF không có thông tin gì ngoài 7 lần giao dịch “lướt sóng” của mỗi một cổ đông lớn là Nguyễn Thanh Mai.
CTCP Kỹ thuật Điện Sông Đà (HNX: SDE) bị tạm ngừng giao dịch từ tháng 10/2018 và có nguy cơ bị hủy niêm yết do lỗ liên tục từ năm 2015-2017 và lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ tại báo cáo tài chính năm 2017. Vì nguyên do đó, SDE cũng vừa có giải trình thua lỗ do ảnh hưởng của nền kinh tế, nên khó huy động vốn, khó tìm việc làm nên sản lượng cũng như doanh thu rất thấp; thêm vào đó, công nợ phải thu lớn tập trung tại Tổng Công ty Sông Đà, Công ty Vinaconex, Sông Đà 11...
Các chỉ số tài chính do SDE công bố đến quý 3/2018
Nguồn: VietstockFinance
|
Cổ phiếu bị kiểm soát, kinh doanh bế tắc
Còn cổ đông của CTCP CMISTONE Việt Nam (HNX: CMI) chỉ chưa biết được tình hình tài chính quý 4/2018 có tiếp tục lỗ như 5 quý liền trước hay không, và cả năm 2018 liệu có ghi nhận mức lỗ năm thứ 3 liên tiếp (năm 2016 lỗ 47 tỷ, năm 2017 lỗ 118 tỷ)? Dường như câu trả lời đã được CMI tiết lộ hồi tháng 10/2018 tại ĐHĐCĐ thường niên với kế hoạch doanh thu 20 tỷ đồng và tiếp tục lỗ 15 tỷ đồng.
Tình hình tài chính của CMI hiện dừng tại thời điểm quý 3/2018
Nguồn: VietstockFinance
|
Trước đó, hồi năm 2017, CMI đã thừa nhận Công ty đang ở trong tình trạng bế tắc khi nợ xấu tại ngân hàng, rồi nợ thuế - bảo hiểm xã hội, hóa đơn bị đình chỉ sử dụng, kiểm toán nêu loạt ý kiến ngoại trừ…
Trước tình cảnh bê bết, cổ đông lớn của CMI là PYN Elite Fund đã phải tháo chạy ngay sau đó khi thoái hết gần 1 triệu cp, tương ứng 5.67% vốn. Còn cổ phiếu CMI cũng chẳng khá khẩm hơn khi đang bị kiểm soát và giao dịch quanh mức 700 đồng/cp.
CTCP Đầu tư HVA (HNX: HVA) dù chưa công bố báo cáo tài chính quý 3 và 4/2018 nhưng có vẻ khiến cổ đông đỡ ấm ức hơn khi đến cuối tháng 2/2019 vừa qua đã có những giải trình liên quan đến báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2018. Theo đó, nguyên nhân chậm trễ công bố báo cáo tài chính của HVA là do có sự vướng mắc, không đồng thuận giữa dàn lãnh đạo mới và cũ, nhất là hồ sơ, tài liệu của Công ty theo như dàn lãnh đạo mới thì do "lãnh đạo cũ chiếm giữ trái phép và làm tổn thất tài chính của Công ty". HVA cho biết sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để chuyển hồ sơ sang các cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Tình hình kinh doanh của HVA đến quý 2/2018
Nguồn: VietstockFinance
|
Trước khi lộ ra những rắc rối này, HVA nổi lên là một doanh nghiệp huy động vốn để đầu tư vào các dự án rất “hợp thời” là blockchain nhưng đến nay, hầu hết chỉ là “bánh vẽ”, chưa cho cổ đông thấy được kết quả khả quan nào ngoài mớ bòng bong này.
Còn cổ phiếu HVA mặc dù vẫn đang nằm trong diện bị kiểm soát nhưng vẫn may mắn hơn khi xoay quanh mức trên 2,000 đồng/cp.
Ngoài ra, trong nhóm này còn có CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (HNX: QNC) và CTCP Khoáng sản và Đầu tư Visaco (HNX: VMI) cùng vào diện bị kiểm soát từ ngày 15/03/2019 khi báo cáo tài chính chỉ dừng ở quý 2 và 3/2018.
Báo cáo tài chính cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp như tài sản, nợ, vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền… là một trong những công cụ giúp nhà đầu tư nắm được tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp, để đưa ra được những quyết định đầu tư tài chính hợp lý. Vậy nhưng, mọi quy định về công bố thông tin khi đặt chân lên sàn chứng khoán dường như đã bị những doanh nghiệp này lờ đi. Dĩ nhiên đây không phải là những cái tên vi phạm đầu tiên, mà lịch sử đã ghi nhận rất nhiều trường hợp khi lên sàn "hô hào" rất hoành tráng, nhưng khi kinh doanh ngày càng bết bát thì hệ lụy kéo theo rất nhiều vấn đề và điều gì đến cũng đến. Lúc này thì cổ đông biết kêu ai?
Fili