Tài phiệt John Law và bong bóng Mississippi Company tại Pháp, 1720 (kỳ 2)

03/05/2019 14:56
03-05-2019 14:56:41+07:00

Tài phiệt John Law và bong bóng Mississippi Company tại Pháp, 1720 (kỳ 2)

Tóm tắt kỳ 1: John Law – một tay đánh bạc người gốc Scotland – đã lẩn trốn khắp châu Âu sau một vụ đấu súng gây chết người. Đam mê tài chính từ nhỏ, hắn đã luôn ước mơ được thực hiện dự án phát hành tiền giấy để huy động nhanh chóng từ dân chúng.

Với tính cách lanh lợi, khôn ngoan và 20 năm kinh nghiệm phiêu bạt khắp châu Âu, Law đã kết thân được với Phillipe II, công tước vùng Orleans. Khi vua Louis XIV băng hà, công tước vùng Orleans lên làm quan nhiếp chính (“the regent”, chức cao ngang tể tướng), điều hành toàn bộ kinh tế, cuộc đời John Law bắt đầu thăng hoa kể từ sự may mắn ấy.

Lợi dụng mối quan hệ với Phillipe II, John Law đề xuất dự án Ngân hàng Quốc Gia, phát hành ra 1 tỷ livres các tín phiếu Kho bạc để giải quyết số nợ hơn 3 tỷ livres từ thời ăn chơi xa hoa của vua Louis XIV. Tiếp theo, hắn xin quan nhiếp chính lập ra công ty Mississippi Company, được đặc ân độc quyền thương mại hàng hóa sang vùng Đông Ấn, tinh chế quặng và nhiều mảng kinh doanh khác.

John Law tiến hành phát hành cổ phiếu của Mississsippi Co. rộng rãi ra công chúng để huy động vốn, một trong những thương vụ IPO khổng lồ đầu tiên trong lịch sử. Và chính nhờ công ty này, sự giàu có của John Law đã đạt đỉnh điểm, kéo theo sự hỗn loạn của nền kinh tế Pháp do phong trào đầu cơ cổ phiếu Mississippi tràn lan, điên rồ.

Cổ phiếu công ty này tăng gần 20 lần từ 500 livres lên 10,000 livres mỗi cổ phiếu, kéo theo nhiều tầng lớp giàu có lên nhanh chóng, làm thoái hóa đi các chuẩn mực đạo đức truyền thống của tầng lớp quý tộc Pháp. Dòng người từ khắp châu Âu cũng đổ về thủ phủ Paris nhờ cơn sốt cổ phiếu, lên đến hơn 300 ngàn người. Bất ngờ thay, sự giàu sang lại đến nhanh chóng với một quốc gia tưởng chừng như phá sản một vài năm trước; mọi người chìm trong những ảo vọng của bản thân, quên nhận ra rằng có một "bóng mây đen” đang phủ quanh họ…

Những hồi chuông cảnh báo. Giới đầu cơ bỏ chạy

@Ngài Charles Mackay:

(Cuối năm 1719) Chưa bao giờ Paris lại tráng lệ, ngập tràn những kỷ vật xa hoa đến như vậy!

Những bức tượng điêu khắc, tranh vẽ, vật dụng cao cấp nhất được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Viên kim cương đẹp nhất thế giới nặng 500 gram, được chào bán cho ngài quan nhiếp chính với giá 2 triệu livres bằng tiền của cư dân mà không một chút suy nghĩ. Không ai trong cộng đồng doanh nhân Pháp đủ giàu để mua một thứ xa xỉ như vậy…

Khi sự giàu có đến như vậy, người ta thấy không lạ rằng Law gần như được tôn thờ (worshipped) bởi đại bộ phận dân chúng. Chưa có một kẻ chuyên chế nào được nịnh bợ ngang bằng hắn ta. Tất cả các nhà thơ, lớn có, nhỏ có, đều bủa vây hắn với những lời khen ngợi, gọi hắn là “người cứu rỗi của đất nước”, với “vẻ ngoài thánh thiện” và “sự thông thái trong mọi quyết định”.

Hệ thống tiếp tục thịnh vượng cho đến đầu năm 1720 (khi John Law chạm ngưỡng 49 tuổi). Quốc hội Pháp đưa ra lời cảnh báo cuối cùng như nhiều lần trước: Trò chơi lạm dụng in tiền giấy (bank notes) của Law và quan nhiếp chính sớm muộn sẽ đưa đất nước vào bờ vực phá sản. (!)

Quan nhiếp chính, người chẳng hiểu gì về kinh tế, cứ nghĩ rằng nếu 500 triệu livres tiền giấy đã giúp đất nước thịnh vượng như vậy, thì tại sao việc in thêm 500 triệu livres tiền giấy nữa lại là một điều tệ hại (?!) Tương tự như vậy, sự không hiểu biết của đại bộ phận dân chúng vẫn tiếp tục làm cơn ảo giác lớn hơn; khi giá cổ phiếu Mississippi càng tăng, thì lượng tiền vay nợ thông qua việc phát hành tín phiếu càng tăng tương ứng. Chính John Law và quan nhiếp chính đã vi phạm lời thề mà hắn từng nói khi lập nên Ngân hàng Quốc gia: “Một gã chủ ngân hàng xứng đáng chết (deserved death) nếu hắn phát hành tín phiếu nhiều hơn số mà hắn có thể chi trả!

Hồi chuông cảnh báo đầu tiên đã đến vào những tháng đầu tiên của năm 1720. Hoàng tử De Conti, sau mâu thuẫn với John Law khi không mua được cổ phiếu Mississippi giá gốc, đã ra lệnh cho ngân hàng phải hoàn trả cho ông ta lượng tiền bằng đồng xu vàng (specie) khổng lồ đến mức 3 xe ngựa chở không xuể! John Law cảm thấy hoảng sợ và đệ lên quan nhiếp chính, và vị tể tướng độc tài này đã cấm De Conti lặp lại việc này, bắt ông trả lại 2/3 số tiền vàng đã rút ra phải gửi lại vào ngân hàng. Hoàng tử bắt buộc phải tuân theo sắc lệnh ấy trong căm phẫn. May mắn cho Law, Conti là một người ít nổi tiếng, ít được tôn trọng, nên công chúng vẫn dành cho hắn sự ưu ái như mọi khi - bất chấp tín hiệu mất thanh khoản đã được báo trước.

Những tay môi giới chứng khoán (stockjobbers) lão luyện tên là Bourbon và La Richardière, nhận ra dấu hiệu chẳng lành trên, đã nhanh chóng chuyển đổi tiền giấy sang tiền xu vàng bằng nhiều lượng nhỏ khác nhau và bí mật chuyển chúng ra các quốc gia châu Âu khác trong nhiều ngày. Họ cũng nhanh chóng mua vào rất nhiều trang sức, đồ vàng chén bạc, và vận chuyển chúng sang Anh và Hà Lan trong yên lặng.

Vermalet, cũng là một môi giới đã kiếm khẳm sau khi cổ phiếu Mississippi tăng hơn 20 lần, cũng “đánh hơi” ra được cơn bão sắp tới. Hắn mua vào vàng và bạc bằng tiền xu lên đến 1 triệu livres – một số tiền khổng lồ - chất đầy một xe chở lúa mì. Sau đó, hắn phủ rơm lên, ăn vận như một kẻ ăn mày nghèo khổ, rồi chở đống tiền ấy nhẹ nhàng và an toàn sang Bỉ. Không lâu sau đó, hắn mới chuyển dần sang sinh sống ở Amsterdam, Hà Lan.

Sự khốn khó đã không xảy ra ngay với những kẻ muốn rút tiền giấy ra và chuyển đổi thành tiền vàng. Song, những lời than thở, oán trách ngày một lớn hơn khi cung tiền vàng và bạc trong nội quốc ngày càng khan hiếm. Có vẻ như những kim loại quý của Pháp đang ngày một chảy dần sang các quốc gia khác như Anh và Hà Lan.

Nhận ra đang đứng trên tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Law bàn với nhóm thành viên nội các rằng cần phải ban hành một Nghị định để phục hồi niềm tin của công chúng vào tiền giấy. Tháng 2/1720, một nghị định được ban hành, trong đó quy định rõ: “Cấm bất kỳ người nào được sở hữu trên 500 livres bằng vàng trong người. Hơn nữa, cấm mua các loại trang sức, chén đĩa, đá quý”. Những kẻ thi hành công vụ, vốn được hứa hẹn sẽ nhận được 1/2 số tiền nếu bắt được những kẻ không tuân thủ, đã lục soát nhà của vô số người, đưa nước Pháp vào tình cảnh hỗn loạn, chia cắt và lầm than hơn bao giờ hết…

Sự căm phẫn của công chúng cho John Law và quan nhiếp chính đã phát triển lớn đến nỗi nhiều cuộc biểu tình nổ ra, tớ phản chủ, trò phản thầy, vợ phản chồng; bất cứ ai trừ khi quá gấp mới chuyển đổi sang tiền giấy để dùng. Không ai biết giá trị của tiền giấy ngày hôm nay trong túi anh ta sẽ có giá như thế nào sang ngày hôm sau.

Giá cổ phiếu Mississippi cũng rơi không phanh -30% theo niềm tin của đại đa số trong vòng vài ngày ngắn ngủi. Một nỗ lực cuối dùng để khơi dậy niềm tin của số đông: Một loạt những kẻ ăn mày ở Paris được lệnh của Chính phủ, ăn vận như những thợ đào mỏ, cầm cuốc xẻng, cùng diễu hành qua đường phố đến bến cảng tựa như thể họ sắp sang vùng Lousiana (châu Mỹ) để khởi động cho các dự án đào vàng ở đó. Khoảng 2/3 số người trên chẳng bao giờ được đưa sang châu Mỹ, tản ra khắp nơi dọc đường, bán cuốc xẻng và dụng cụ đi rồi quay trở lại nghề ăn xin.

Chỉ vài tuần sau đó, 1/3 số người đã quay về Paris. Ấy vậy mà, biện pháp này cũng giúp cổ phiếu Mississippi tăng ngược trở lại vùng đỉnh cũ trong thời gian ngắn… (hình dưới, vào tháng 2/1720)

Một cuộc họp hội nghị liên bang được diễn ra vào tháng 5/1720, đồng nghiệp trong Ủy ban Tài chính của Law, D’Angerson đã tính toán rằng lượng tiền giấy thông qua tín phiếu trong hệ thống lên đến 2.6 tỷ livres, trong khi lượng tiền vàng trong nước còn không được 1/2 số đó. (!)

Nhiều ý kiến cho rằng nên phá giá tiền giấy còn một nửa giá trị để bằng tương ứng với số vàng nội quốc, người khác cho rằng phải nâng giá danh nghĩa của tiền xu vàng lên để cân bằng với giá trị tín phiếu. John Law thoạt đầu phản bác 2 kiến nghị đó, song sau đó cũng không nghĩ ra cách nào tốt hơn, đành phải chấp nhận rằng lượng tín phiếu cần phải phá giá đi.

Vào ngày 21/05/1720, một Nghị định được cho ra đời, trong đó đưa ra luật rằng phải giảm giá từ từ giá trị danh nghĩa của các tín phiếu, cũng như cổ phiếu của Mississippi Co. còn một nửa giá trị vào cuối năm. Nước Pháp rơi vào hỗn loạn.

Vận may kết thúc với John Law. Bong bóng Mississippi Company sụp đổ

Vào ngày 27/05 (6 ngày sau đó), toàn Quốc hội trở nên phẫn nộ - cấm ban hành thứ Nghị định điên rồ đó. Đồng thời, Quốc hội ra quy định cấm Ngân hàng Quốc gia không được phép hoàn trả tiền xu và tiền vàng cho người mua tín phiếu nữa. Cả Law và D’Angerson đều bị cách chức khỏi Ủy ban Tài chính. D’Aguesseau, người từng phản đối kế hoạch của John Law vào năm 1718 và bị cách chức, được mời quay trở lại điều hành ngân khố Quốc gia.

D’Aguesseau nhậm chức và hội họp với Ủy ban Tài chính khẩn cấp mới, thực hành việc tiêu hủy đi các tín phiếu ngân hàng thời John Law. Ông phát hành ra 25 triệu tín phiếu Kho bạc mới, được đảm bảo dựa trên nguồn thu công của thủ đô Paris, với lãi suất 2.5%/năm. Niềm tin được khôi phục, mọi người có thể có bao nhiêu tiền vàng và tiền xu tùy thích, số tín phiếu cũ bị đốt cháy ngay trước điện Hotel de Ville của John Law ngày trước.

Vài ngày đầu tiên sau khi sắc lệnh trên được ban hành vào tháng 6/1720, hàng chục ngàn người dân Paris đổ xô đến ngân hàng để rút tiền vàng và bạc ra. Cuối ngày, trung bình có đến 15 xác chết ở ngưỡng cửa Ngân hàng Quốc gia.

Đến tháng 8/1720, số tín phiếu lãi suất thấp của Chính quyền mới vẫn chưa hề hấp dẫn đối với các cổ đông lớn của Mississippi Company. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi, một Nghị định mới được ban hành, quy định số cổ phiếu từ 1,000 livres đến 10,000 livres sẽ không được chuyển đổi sang tín phiếu mới, mà chỉ nhận được các khoản tiền hoàn trả hằng kỳ theo số vốn gốc.

Đến tháng 11/1720, toàn bộ quyền kinh doanh, thương mại độc quyền tại châu Mỹ của Mississippi Co. được chuyển về cho Quốc gia, hủy niêm yết công ty thành một công ty tư nhân thông thường (hình bên). Chính quyền ban hành lệnh cấm xuất cảnh, bắt tất cả những kẻ đầu cơ cổ phiếu, môi giới chứng khoán đã thu lợi bất chính từ cổ phiếu này phải hoàn trả lại toàn bộ lợi nhuận đã được chuyển ra trang sức, vàng bạc, chén đĩa, đá quý…

John Law, biết rằng số phận và toàn bộ quyền lực của hắn đến đây là hết, đã quyết tâm bỏ trốn khỏi đất nước để bảo toàn tính mạng. Trong một cuộc phỏng vấn cuối cùng với Hoàng tử Pháp, người ta nghe thấy Law nói rằng: “Tôi tự thú nhận rằng tôi đã làm sai. Nhưng tôi làm sai bởi vì tôi là con người, và con người thì phải mắc sai lầm chứ! Tôi xin thề với Ngài rằng những hành động tôi làm không một chút gì tư lợi cho bản thân”.

Nhiều ngày sau, người ta thấy Law ở Brussels, Bỉ, thậm chí có lúc ở Venice, Ý. Đám đông nhiều nơi tò mò đến để xem liệu Law giàu có như thế nào. Tuy nhiên, không có ý tưởng nào lại sai lầm như vậy: Law đã đầu tư tất cả gia tài vào hàng loạt bất động sản, biệt thự ở Pháp; hắn ta không hề mua một món nữ trang nào đắt giá, không mua chén dĩa, không gửi tiền vàng bạc gì ra nước ngoài như những kẻ đầu cơ. Đó là minh chứng cho thấy hắn luôn tin rằng kế hoạch của hắn sẽ tồn tại được bền vững (!) Với bàn tay trắng khi đến Pháp, trớ trêu thay, ngày rời đi, Law cũng cất bước khỏi chốn này không khác gì một kẻ ăn mày…

Một vài năm sau, tay quan nhiếp chính cũng chết bất đắc kỳ tử vào năm 1723 khi đang nói chuyện với ái nữ của mình. Mất hết hy vọng có thể quay trở lại Pháp, Law đành phải trốn chui trốn nhủi 4 năm tại Anh, sau đó trở về Venice và từ trần ở đó vào năm 1729 – kết thúc một di sản đầy oái oăm cho xứ sở hoa lệ.

@S.A.F.E: Câu chuyện ly kỳ của ngài Mackay kết thúc ở đó, để lại không chỉ bài học về tâm lý điên rồ của loài người, mà còn là bài học về “tội ác” báo trước của việc vay nợ quá mức! Chúng tôi xin mượn chính lời thề của Law để kết lại câu chuyện lịch sử huyền thoại này: “Một gã chủ ngân hàng thì xứng đáng chết nếu hắn vay nợ nhiều hơn số mà hắn có thể chi trả!

Hà Hùng Anh – Golden Newsletter VN

(Lược dịch, trích dẫn và bình luận thêm từ tác phẩm huyền thoại “Extraordinary Popular Delusions and the Madness of Crowds”, 1852, Charles Mackay )

FILI





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Tôi đã “chơi” cổ phiếu như thế nào?

Lãi bao nhiêu không quan trọng, hiện thực được bao nhiêu phần lãi đó mới quan trọng.

'Chênh vênh' tâm lý giao dịch chứng khoán và những bài học đắt giá

Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Có thể nói, yếu tố tâm lý của họ ảnh hưởng nhiều đến diễn...

Cẩn trọng với những chiêu trò lừa đảo chứng khoán trên mạng

Giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến giúp tiếp cận thị trường chứng khoán càng thêm thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sự thuận lợi này kéo theo không ít chiêu trò lừa...

Kinh nghiệm nào cho nhà đầu tư qua sự cố hệ thống VNDirect?

Rủi ro với VNDirect cũng có thể xảy ra đối với bất kỳ công ty chứng khoán nào trên thị trường, dù doanh nghiệp đều đầu tư bài bản vào hệ thống công nghệ thông tin...

Hội quán Chứng khoán sinh hoạt định kỳ tháng 3/2024 với chủ đề “Cơ hội đầu tư quý 2 qua góc nhìn FA và Fn”

Sau giai đoạn tăng tốt về cả thanh khoản lẫn điểm số, thị trường chứng khoán trong tháng 3 đã có những tuần rung lắc, đặc biệt  phiên 19/03, chỉ số VN-Index giảm 42...

Trăn trở của nhà đầu tư nhỏ lẻ mỗi khi mùa báo cáo tài chính đến

Kết thúc năm 2023 cũng là lúc hàng ngàn báo cáo tài chính của các công ty niêm yết công bố với nhiều thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Là một nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc...

Từ vụ 'đánh bạc' cổ phiếu họ FLC, rút bài học về nguyên tắc đầu tư

Qua vụ việc thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch tập đoàn FLC, một bài học lần nữa được nhắc lại, đó là nguyên tắc đầu tư và...

Warren Buffett: Kỷ nguyên tăng trưởng ấn tượng của Berkshire Hathaway đã qua

Huyền thoại Warren Buffett cảnh báo rằng đế chế đa ngành 905 tỷ USD của ông “gần như không có khả năng tăng trưởng ấn tượng” trong vài năm tới. Điều này đặt ra...

Warren Buffett ca ngợi Charlie Munger là kiến trúc sư của Berkshire Hathaway

Warren Buffett vừa chia sẻ sự kính trọng với huyền thoại Charlie Munger quá cố trong lá thư gửi cổ đông, ca ngợi Charlie Munger là kiến trúc sư của Berkshire...

Luận Cổ Nhơn, đàm chứng khoán

Đầu xuân Giáp Thìn 2024, tôi được một người đồng nghiệp giới thiệu trò chơi dân gian ở quê anh - Cổ Nhơn.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98