Nghịch lý ngành gym Hàn Quốc

05/03/2025 19:12
05-03-2025 19:12:00+07:00

Nghịch lý ngành gym Hàn Quốc

Trong nhiều năm qua, các phòng tập gym tại Hàn Quốc đã phải nỗ lực để cung cấp mức giá thấp nhất, nhưng không phải ai cũng trụ lại với cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Trong khi các phòng tập truyền thống đóng cửa ngày càng nhiều, những phòng tập mô nhỏ hơn và cung cấp dịch vụ cá nhân hóa, chi phí đắt đỏ hơn lại nở rộ.

Trước bối cảnh kinh tế bất ổn, người dân Hàn Quốc buộc phải cắt giảm chi tiêu cho ăn uống bên ngoài, du lịch và hoạt động giải trí. Tuy nhiên, có một khoản chi mà không ít người Hàn Quốc vẫn sẵn sàng bỏ ra, đó là phí thành viên tại các phòng tập boutique.

Phòng tập boutique mô tả các phòng tập nhỏ, khoảng 200m2 tới hơn 1,000m2.

Đây là những phòng tập hoặc trung tâm thể hình nhỏ, chuyên biệt, tập trung vào việc cung cấp các trải nghiệm tập luyện cá nhân hóa và chất lượng cao, chi phí đắt đỏ.

“Đây là một phong cách sống, không phải một thứ xa xỉ”, Jamie Kim, CEO của F45 Training & FS8 Korea, chia sẻ với Korea Herald.

Quan sát của Kim phản ánh xu hướng đang gia tăng trong ngành công nghiệp thể hình của Hàn Quốc: Ngay cả khi các phòng tập truyền thống đóng cửa với tốc độ kỷ lục, các phòng tập boutique như F45 lại đang mở rộng. Năm 2024, 553 phòng tập gym trên toàn quốc đã đóng cửa, cao hơn cả giai đoạn phong tỏa đại dịch COVID-19. Các thương hiệu như F45 Training, FS8 Pilates và ButFit Seoul vẫn tiếp tục phát triển, khai thác nhu cầu mới của người tiêu dùng - một nhu cầu ưu tiên các bài tập có cấu trúc, sự tương tác cao và cảm giác cộng đồng thay vì chỉ đơn giản là có quyền sử dụng máy móc tập luyện.

Sự tương phản này đặt ra câu hỏi: Tại sao các phòng tập truyền thống lại gặp khó khăn, và điều gì khiến các phòng tập boutique với mức giá cao lại thu hút người tiêu dùng Hàn Quốc?

Tại sao các phòng tập gym truyền thống gặp khó khăn?

Sự sụp đổ của ngành phòng tập truyền thống ở Hàn Quốc đã có thể được dự báo từ nhiều năm trước. Theo số liệu giấy phép kinh doanh, giai đoạn 2019-2023, số lượng phòng tập trong nước gần như tăng gấp đôi, dẫn đến sự cạnh tranh không bền vững và những cuộc chiến giá khốc liệt.

Phòng tập của các chuỗi lớn đã hạ giá thành viên xuống chỉ còn từ 10,000–20,000 Won (7–14 USD) mỗi tháng, buộc các phòng tập nhỏ phải giảm giá đến mức không còn lợi nhuận hoặc đóng cửa.

Các máy móc tập luyện đã qua sử dụng tại một cửa hàng bán thiết bị tập luyện cũ ở Yongin, tỉnh Gyeonggi, vào ngày 03/02, khi một công nhân đang sắp xếp hàng tồn kho. (Newsis)

Tệ hơn, nhiều trung tâm thể hình dựa vào mô hình thành viên trả trước, cung cấp các gói giảm giá sâu cho hợp đồng 6 tháng hoặc thậm chí cả năm. Nhưng khi bất ổn tài chính ập đến, một số đã sử dụng chiêu trò gian lận bằng cách đóng cửa đột ngột mà không hoàn tiền các thành viên đã thanh toán tiền trước. Số lượng khiếu nại của người tiêu dùng tăng vọt, với hơn 2.5 ngàn vụ gian lận liên quan đến phòng tập trong năm 2024, theo Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc.

Một huấn luyện viên cá nhân vừa mở một phòng tập lớn tại Incheon đã chia sẻ góc nhìn của mình với tư cách là chủ doanh nghiệp. “Hầu hết chủ phòng tập không có ý định lừa đảo từ đầu”, anh chia sẻ. “Nhưng tại Hàn Quốc, các phòng tập phụ thuộc vào các khoản thành viên trả trước như nguồn vốn khởi nghiệp, chứ không chỉ là doanh thu. Vì vậy, khi số lượng người đăng ký mới giảm, sự sụp đổ tài chính trở nên gần như không thể tránh khỏi”.

Sự trỗi dậy của các phòng tập boutique giá cao

Khác với các phòng tập truyền thống, nơi thành viên tự tập luyện độc lập, các phòng tập boutique cung cấp các bài tập có cấu trúc do huấn luyện viên hướng dẫn. Các phòng tập này chuyên về các bài tập cường độ cao theo từng khoảng nghỉ, tập luyện sức mạnh và các chương trình vận động chức năng.

F45 Training, một trong những tên tuổi được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực thể hình boutique, đã đi đầu trong xu hướng này. Ban đầu được thành lập tại Úc, F45 cung cấp các bài tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT), kéo dài 45 phút mỗi vòng, kết hợp giữa cardio, rèn luyện sức mạnh và sự nhanh nhẹn trong một mô hình chuẩn hóa toàn cầu. Mỗi buổi tập đều được lên chương trình trước và hiển thị trên màn hình, đảm bảo các thành viên đều thực hiện cùng một bài tập bất kể địa điểm - cho dù ở Seoul, Sydney hay New York.

Kể từ khi ra mắt tại Hàn Quốc vào năm 2019, F45 đã mở rộng lên hơn 50 phòng tập trên toàn quốc, với thêm nhiều cơ sở mới dự mở trong năm 2025. Sự phát triển nhanh chóng này cũng được nhìn thấy ở các đối thủ như ButFit Seoul, SleekBoost và GoodHabit PT, những thương hiệu cũng đang mở rộng thông qua hình thức nhượng quyền.

Joseph “Joe” Maier - COO của Embrace Co. Ltd., đơn vị nhượng quyền chủ đạo cho F45 Training & FS8 tại Hàn Quốc, giải thích lý do tại sao phương pháp này lại được người tiêu dùng Hàn Quốc đón nhận.

“Các phòng tập gym lớn tập trung vào số lượng - cố gắng thu hút càng nhiều người càng tốt. Phòng tập boutique dựa trên trải nghiệm. Mỗi buổi tập đều được cấu trúc, hướng dẫn và xây dựng dựa trên cộng đồng, điều này khiến khách hàng quay lại liên tục”.

“Một ưu thế của chúng tôi khi ra mắt F45 tại Hàn Quốc là sự nhấn mạnh vào yếu tố cộng đồng - người Hàn Quốc vốn yêu thích các hoạt động tập thể và tìm kiếm những trải nghiệm mang tính cộng đồng. Tinh thần tập thể đó đã giúp chúng tôi xây dựng được một cộng đồng thành viên năng động và gắn kết”, Kim cho biết thêm.

Khác với các phòng tập truyền thống dựa vào thành viên trả trước, các phòng tập boutique định giá dựa trên đăng ký, tức là người tập trả tiền theo từng tháng hoặc từng năm. Tại F45 Gwanghwamun, một buổi tập có giá 35,000 Won (26 USD), trong khi gói thành viên không giới hạn hàng tháng có giá 348,000 Won (258 USD). Mặc dù đắt đỏ so với các phòng tập giá rẻ, F45 ghi nhận tỷ lệ gia hạn hàng tháng đạt 90% và thời gian thành viên tham gia trung bình từ 18 đến 19 tháng, theo dữ liệu nội bộ của công ty.

Tỷ lệ duy trì tập luyện cao một phần do độ tuổi của người sử dụng dịch vụ. 62.7% người tập tại F45 Korea là người ở độ tuổi từ 25-35, tiếp theo là 26.9% ở độ tuổi từ 35-44. Trong khi những người trẻ chiếm phần lớn, Kim nhận thấy sự tham gia của những người ở độ tuổi 40 và 50 đang tăng dần, theo xu hướng như thị trường phương Tây.

Cả F45 Korea và ButFit Seoul đều cung cấp các lớp học theo nhóm tập trung vào luyện tập chức năng. Tuy nhiên, F45 Korea là một thương hiệu nhượng quyền toàn cầu cung cấp các bài tập tiêu chuẩn hóa trên tất cả địa điểm, trong khi ButFit Seoul là phòng tập boutique địa phương cung cấp đa dạng lựa chọn tập luyện, bao gồm cả quyền sử dụng phòng gym thông thường (Team ButFit).

Đối với những người lần đầu tham gia, phòng tập boutique có thể là một trải nghiệm căng thẳng nhưng đầy phấn khích. Một thành viên của ButFit Seoul, ở độ tuổi gần 30 và cũng đã đăng ký tập luyện tại một phòng tập khác, mô tả buổi tập đầu tiên của mình:

“Trong một lớp học 50 phút, tôi đã đốt cháy hơn 600 calo, nhiều hơn rất nhiều so với khi tôi tự tập luyện tại phòng tập. Cấu trúc bài tập đã thúc đẩy tôi theo một cách mà tôi không thể tự mình đạt được”.

Phòng tập là nơi tương tác, giao lưu

Mặc dù yếu tố thể hình vẫn là sức hút chính, các phòng tập boutique còn đang dần trở thành những trung tâm mở rộng mối quan hệ xã hội - đặc biệt là trong giới trẻ. Nhiều thành viên coi các studio này là nơi gặp gỡ những người có cùng chí hướng, thậm chí có người mô tả phòng tập boutique như “nơi gặp gỡ của giới thượng lưu”.

Một cựu thành viên của F45, ở độ tuổi 30, người đã tham gia tại nhiều địa điểm ở Seoul suốt một năm để mở rộng quan hệ, so sánh văn hóa nơi đây giống như một “giáo phái”.

Cô cũng nhận thấy phòng tập mang lại giá trị cho cuộc sống nghề nghiệp của mình. “Có một tinh thần đồng đội mà khó có nơi nào có được. Rất nhiều chuyên gia có thu nhập cao đều đến đó - nó gần như là mạng lưới kết nối giao lưu cao cấp được ẩn dưới hình thức tập luyện”.

Tính chất toàn cầu của các bài tập F45 cũng thúc đẩy hình thành của một cộng đồng quốc tế. CEO Kim nhớ lại cách mà cô và một người bạn ở New York trao đổi tin nhắn về cùng một bài tập diễn ra ở các múi giờ khác nhau: “Nếu bài tập hôm nay mang tên ‘Bears’ - một bài tập cardio khá nổi tiếng trong cộng đồng thành viên của chúng tôi - thì tôi biết rằng người bạn của tôi ở Mỹ sẽ thực hiện chính xác cùng một bài tập trong ngày. Điều này tạo ra một trải nghiệm chung, ngay cả khi cách nhau cả lục địa”.

Liệu phòng tập boutique có thể tránh được những cạm bẫy của các phòng tập truyền thống?

Nhưng khi các thương hiệu phòng tập boutique mở rộng nhanh chóng thông qua nhượng quyền, một số người trong ngành lo ngại về tình trạng quá tải và vấn đề kiểm soát chất lượng.

Một huấn luyện viên cá nhân người Hàn, người gần đây vừa mở một phòng tập quy mô lớn tại Incheon, bày tỏ sự hoài nghi. Anh cho rằng các phòng tập boutique cung cấp một điểm khởi đầu vững chắc nhưng thiếu sự đào tạo cá nhân chuyên sâu cho phát triển thể chất lâu dài.

Maier thừa nhận những mối lo ngại này nhưng cho rằng phòng tập boutique phục vụ một mục đích khác biệt.

“Đối thủ cạnh tranh của chúng tôi không phải là phòng tập có huấn luyện viên cá nhân. Đó là những nhà cung cấp dịch vụ phòng tập theo nhóm khác. Có người muốn huấn luyện cá nhân, nhưng thành viên của chúng tôi lại tìm kiếm yếu tố giao lưu xã hội”.

Dù có mức giá cao, F45 Korea xem tỷ lệ duy trì cao và thời gian thành viên trung bình dài là dấu hiệu tích cực cho thấy mô hình kinh doanh này có tính bền vững, ngay cả khi cạnh tranh gia tăng.

“Tất nhiên, chúng tôi không mong đợi thành viên ở lại mãi mãi - đó chỉ là cách phòng tập hoạt động”, Maier chia sẻ. “Mọi người đến và đi, vì vậy chìa khóa không phải là ngăn chặn sự rời bỏ, mà là duy trì các buổi tập luôn hấp dẫn, đảm bảo luôn có những điều mới mẻ để thu hút sự quan tâm”.

Quốc An

FILI

- 18:10 05/03/2025





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Livestream bán hàng tại Trung Quốc: Từ "bùng nổ" đến "vào khuôn khổ"

Theo các quy định của Trung Quốc, người bán hàng phát trực tiếp cần thông tin chân thực, chính xác, toàn diện về hàng hóa của mình, đồng thời phải làm rõ nguồn gốc...

Ưu nhược điểm của thuê tài chính (Financial leasing) là gì?

Trên góc độ tài chính, thuê tài chính là một phương thức tín dụng trung và dài hạn, giúp doanh nghiệp có thể sử dụng tài sản mà không cần tự bỏ vốn mua ngay lập...

Chuyên gia: Siết chặt cho thuê ngắn hạn giúp chung cư tăng giá trị dài hạn

Thị trường cho thuê căn hộ ngắn hạn (Airbnb) tại TP.HCM đang chứng kiến làn sóng thay đổi mạnh mẽ khi các cơ quan quản lý và ban quản trị chung cư đồng loạt áp dụng...

Cần cơ chế bảo vệ các nhà bán nhỏ lẻ trên thương mại điện tử

Người bán hàng nhỏ lẻ trên các sàn thương mại điện tử dễ bị áp đặt bởi các chính sách bất lợi, dẫn đến giảm nhiệt huyết kinh doanh.

Người bán Baby Three “khóc ròng” vì phiên bản Thỏ thị trấn có hình nhạy cảm

Trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) hay Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) trước đây có rất nhiều điểm bán Baby Three thì nay đã vắng bóng.

Kinh nghiệm khởi nghiệp: Lưu ý khi mở cửa hàng dịch vụ thú cưng

Ngành dịch vụ phục vụ thú cưng đang phát triển nhưng liệu tham gia thị trường có dễ, nhất là người khởi nghiệp?

Người cao tuổi khởi nghiệp

Người cao tuổi sẽ được hỗ trợ và tạo điều kiện để tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp...

Vụ hũ tro cốt giá cao ở Nam Định, công ty Thanh Bình An Lạc Viên làm ăn thế nào?

Công ty Cổ phần Thanh Bình An Lạc Viên đang gây xôn xao dư luận sau vụ hũ tro cốt ở Nam Định. Tiềm lực của doanh nghiệp này thế nào, ai là người đang điều hành công...

Thể thao điện tử đang là mỏ vàng của các doanh nghiệp

Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường thể thao điện tử (eSports) phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Thuê mặt bằng kinh doanh rồi mang rao bán

Mặc dù chỉ là người thuê lại căn kiốt (gian hàng) do Nhà nước sở hữu để buôn bán, nhưng đối tượng lại đưa ra thông tin gian dối và dùng thủ thuật bán kiốt trên cho...


Hotline: 0908 16 98 98