Từ quốc gia nghèo đến nền kinh tế phát triển nhanh nhất - Bài 2: Những thương hiệu đi cùng năm tháng

02/04/2025 08:27
02-04-2025 08:27:16+07:00

Từ quốc gia nghèo đến nền kinh tế phát triển nhanh nhất - Bài 2: Những thương hiệu đi cùng năm tháng

Sau ngày đất nước thống nhất, một số thương hiệu trong nước tiếp tục lan tỏa trên thị trường. Ngoài những thương hiệu sản phẩm thực phẩm như mì gói “hai con tôm”, mỹ phẩm Thorakao, còn có nhiều mặt hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, thiết bị nội thất… Trong số đó, không ít thương hiệu có tuổi đời hơn nửa thế kỷ đang “sống khỏe”, dù đã trải qua những thăng trầm cùng với lịch sử phát triển kinh tế của đất nước.

* Từ quốc gia nghèo đến nền kinh tế phát triển nhanh nhất - Bài 1: Khó khăn, thách thức và đổi mới

Hương vị từ ký ức

Trong tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có viết: “Hồi đó, tôi chỉ thích có 3 món: mì gói, mì gói và dĩ nhiên mì gói”. Trong thế giới mì gói những năm 70-90 thế kỷ XX, không ai lại không biết đến thương hiệu mì gói có bao bì in hình “hai con tôm”. Chẳng thế mà cho đến nay, nhiều người vẫn quen gọi mì gói, dù của bất cứ thương hiệu nào, là “mì tôm”.

Tuy nhiên, không nhiều người biết hình ảnh “hai con tôm” trên bao bì được sử dụng đầu tiên là của Công ty Thiên Hương với sản phẩm mì ăn liền Vị Hương do ông Trần Thành, một doanh nhân gốc Hoa, sáng lập. Công ty Thiên Hương còn rất thành công với sản phẩm bột canh Vị Hương Tố lần đầu ra thị trường năm 1964.

Sau đó, công ty tiếp tục giới thiệu sản phẩm mì ăn liền Vị Hương với bao bì in hình hai con tôm và thương hiệu này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thương hiệu khác tiếp tục sản xuất mì gói với biểu tượng nhận diện là những con tôm ngộ nghĩnh.

Trong số đó, Xí nghiệp Chế biến Lương thực - Thực phẩm Colusa (thành lập năm 1972, sau này sáp nhập với thương hiệu Miliket) cũng sử dụng hình ảnh hai con tôm trên bao bì. Hiện mì ăn liền Miliket không còn ở thời điểm “vàng son” như những thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước nhưng vẫn giữ thiết kế dung dị trên giấy kraft, mang lại cảm giác quen thuộc với những người tiêu dùng hoài cổ, kết nối hiện tại với ký ức một thời.

Về phần Công ty Thiên Hương, doanh nghiệp này đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm với trụ sở chính đặt tại quận 12, TPHCM. Sản phẩm của công ty khá đa dạng, từ mì ăn liền Vị Hương, bột ngọt, cháo ăn liền, hủ tiếu, phở, đến các loại gia vị… và được phân phối rộng rãi trong nước cũng như xuất khẩu sang nhiều quốc gia.

Vượt cơn bĩ cực

Trong lĩnh vực mỹ phẩm, Thorakao có lẽ là một trong những thương hiệu “phủ sóng” rộng nhất. Ngoài ra còn rất nhiều thương hiệu khác như Bột Bích Chi, Nước tương Nam Dương, Gạch Đồng Tâm, Bông Bạch Tuyết… đều đã chìm nổi nhiều phen trong suốt nửa thế kỷ qua, để trụ lại và phát triển trên thương trường hiện nay.

Người tiêu dùng mua sản phẩm mang thương hiệu Thorakao tại chi nhánh ở quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Năm 1957, bà Lan Hảo thành lập một cơ sở chế biến hóa mỹ phẩm mang tên mình, bắt đầu sản xuất các sản phẩm làm đẹp từ nguyên liệu thiên nhiên. Năm 1961, cơ sở này chính thức được đăng ký thành Công ty Lan Hảo, với các dòng sản phẩm mang thương hiệu Thorakao có chất lượng tốt và giá phải chăng. Cộng thêm việc thị trường khi ấy còn ít đối thủ cạnh tranh nên các sản phẩm của hãng nhanh chóng làm mưa làm gió từ Nam ra Bắc.

Đến đầu những năm 1990, các thương hiệu mỹ phẩm ngoại theo nhau vào thị trường Việt Nam, lấn át các công ty mỹ phẩm trong nước. Thorakao chấp nhận gia công cho đối thủ, nhưng ban lãnh đạo công ty quyết tâm giữ thương hiệu này, từ chối lời đề nghị trị giá 30 triệu USD của một số tập đoàn nước ngoài.

“Qua cơn bĩ cực”, Thorakao tiếp tục phát triển với dòng sản phẩm tự nhiên như kem nghệ, dầu gội hoa bưởi, tinh chất dưỡng tóc (kết hợp tinh dầu bưởi, dầu dừa và dầu ô liu…) tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu khắp thế giới.

Vẫn còn chật vật để tìm lại chỗ đứng, nhưng câu chuyện về Xà bông Cô Ba có lẽ là một trong những câu chuyện thú vị nhất. Thương hiệu này ra đời vào năm 1932, do ông Trương Văn Bền, một doanh nhân gốc Hoa nổi tiếng khởi nghiệp.

Thời điểm đó, thị trường xà bông tại Việt Nam bị thống trị bởi các sản phẩm nhập khẩu từ Pháp, nhưng ông Bền đã dũng cảm cạnh tranh bằng cách tạo ra một loại xà bông phù hợp với thói quen sử dụng của người Việt; lại sử dụng nhiều chiêu thức khôn khéo để quảng bá, tiếp cận người tiêu dùng. Xà bông Cô Ba nhanh chóng trở thành “thương hiệu quốc dân”, không chỉ cạnh tranh sòng phẳng với hàng Pháp, mà thậm chí từng đánh bật sản phẩm nhập ngoại khỏi thị trường trong nước.

Tuy nhiên, sau năm 1975, Xà bông Cô Ba gần như biến mất khỏi thị trường. Gần đây, một số đơn vị đã cố gắng phục hồi thương hiệu này, đưa sản phẩm trở lại với hình ảnh truyền thống và cải tiến công thức để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng hiện đại.

Anh Thư

SGGP

- 09:21 01/04/2025





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thủ tướng: Chuẩn bị sẵn sàng để vận hành bộ máy mới của chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 01/07

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ động hướng dẫn, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương chuẩn bị...

50 năm non sông liền một dải - Bài 6: Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM - Khẳng định vai trò đầu tàu trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Trải qua 25 năm, từ một thị trường chứng khoán sơ khai, non trẻ với chỉ 2 mã chứng khoán được niêm yết, đến nay Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã phát triển...

Sau sáp nhập, hình thành 'siêu' thành phố quy mô 2,5 triệu tỷ, góp 26% ngân sách

Sau khi sáp nhập, một 'siêu thành phố' sẽ hình thành, với quy mô kinh tế chiếm khoảng 24% GDP cả nước và đóng góp hơn 26% vào ngân sách quốc gia.

50 năm non sông liền một dải - Bài 5: Biến đầm lầy thành đô thị phồn vinh

Một trong những dấu ấn đặc biệt của TPHCM sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là việc biến những vùng ngoại thành hoang vu trở thành nơi phát triển...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Trưa 14/4, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà...

Quốc hội sẵn sàng xem xét các chính sách miễn, giảm, giãn thuế đối với các doanh nghiệp Mỹ

Đây là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong phát biểu khai mạc phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng ngày 14/4.

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết "CHUNG TAY MỞ RA KỶ NGUYÊN PHÁT TRIỂN MỚI CỦA QUAN HỆ HỮU NGHỊ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC" của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban...

50 năm thống nhất đất nước - Ngày 14/4/1975: Chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng đảo Song Tử Tây

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch đặt tên Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Chi tiết dự kiến tên gọi và vị trí đặt trung tâm chính trị - hành chính của 34 tỉnh, thành phố sau sắp xếp

Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên và 52 đơn vị sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập.

Thủ tướng: Tháo gỡ vướng mắc về thể chế để giải phóng sức sản xuất

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thể chế là điểm nghẽn lớn nhất nhưng cũng dễ tháo gỡ nhất, và yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện 6 dự án, dự thảo...


Hotline: 0908 16 98 98