Chứng khoán tháng 6 sẽ ảm đạm?
Chứng khoán tháng 6 sẽ ảm đạm?
Nói về diễn biến trong tháng 6, các chuyên gia thiên về kịch bản thị trường sẽ tiếp tục dao động và tích lũy trong vùng gần 1,000 điểm. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư được khuyến nghị nắm giữ tiền mặt nhiều hơn và tập trung quản trị rủi ro.
Diễn biến tích lũy trong tháng 6
Nhận xét về diễn biến thị trường trong tháng 5, ông Ngô Thế Hiển – Trưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận xét thị trường giao dịch ảm đạm với nền thanh khoản thấp không phải là một điều gì quá khó hiểu vì như thống kê trong lịch sử thì tháng 5 là một trong những tháng có diễn biến tiêu cực nhất với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Hiển kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 6 sẽ có diễn biến tích cực hơn tuy nhiên nhiều khả năng vẫn tiếp tục dao động trong vùng 945 -1,000 điểm. Trong trường hợp xấu, nếu VN-Index đánh mất vùng hỗ trợ quanh mốc 945 điểm thì chỉ số có thể sẽ quay trở lại kiểm định vùng hỗ trợ mạnh quanh mốc 900 điểm, đây cũng là mốc dưới của kênh tích lũy rộng từ 900 điểm - 1,050 điểm của VN-Index từ tháng 7/2018 tới nay sau quá trình điều chỉnh từ mức đỉnh lịch sử 1,211 điểm.
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc Kinh doanh của CTCK VNDirect (VND) thì nhận định thị trường nhiều khả năng sẽ ảm đạm trong tháng 6 tới. Diễn biến ảm đạm chủ yếu là do áp lực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đồng thời hoạt động dòng vốn ngoại cũng cũng góp phần làm tình hình ảm đạm hơn.
Cụ thể, dòng vốn ngoại đang được cơ cấu theo hai thái cực. Một là dòng vốn Đông Á đang vào thị trường theo diện hợp tác chiến lược. Các tập đoàn lớn đầu tư vào các cổ phiếu bluechip. Lượng vốn đầu tư lớn tuy nhiên lại không đóng góp cho thị trường chung.
Ở thái cực còn lại, hoạt động cơ cấu các quỹ đầu tư chỉ số hay P – notes đang khiến tiền bị rút ra khỏi thị trường. Điển hình, trong các phiên cuối tháng 5, khối ngoại bán ròng mạnh trong ATC.
Nhìn chung, ông Tuấn cho rằng thị trường vẫn vận động đi ngang theo hướng giảm trong vùng 900 – 1,000 điểm.
Tiếp tục theo dõi chiến tranh thương mại
Trong giai đoạn tới, diễn biến đàm phán và các thông tin liên quan tới cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được ông Hiển nhận xét sẽ là tiếp tục là yếu tố chủ chốt mà nhà đầu tư quan tâm.
Bên cạnh đó các diễn biến khác khác như việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, diễn biến Brexit tại Anh cũng là những yếu tố khó lường và có thể có những tác động tới thị trường chung. Mặc dù Việt Nam đang là một trong các thị trường có diễn biến tốt nhất trong nhóm cận biên thời gian gần đây, tuy nhiên cũng khó tránh khỏi những tác động nếu thị trường quốc tế biến động mạnh, do vậy nhà đầu tư cần theo dõi sát các yếu tố trên để chủ động khi tham gia thị trường.
Liên quan tới diễn biến thế giới, ông Tuấn nhận xét: “Trong giai đoạn này, các nhóm ngành hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, thủy sản, đồ gỗ sẽ tiếp tục có diễn biến tốt. Tuy nhiên, các thông tin tốt hầu như đã được phản ánh trong thời gian qua. Đó đó, các nhóm ngành này sẽ không có biến động rõ nét trong tháng tới”.
Nên đầu tư thận trọng trong tháng 6 tới
Khuyến nghị đầu tư, ông Tuấn cho rằng nhà đầu tư nên theo có chiến lược phòng thủ thích hợp, tăng tỷ trọng tiền mặt hoặc chuyển sang đầu tư trái phiếu Chính phủ để hưởng lãi suất với rủi ro thấp. Tuy nhiên, cũng không nên phòng thủ quá tiêu cực. Nhà đầu tư nên theo dõi các nhóm ngành thay đổi có biến đổi về nội tại theo hướng tích cực, tận dụng các nhịp điều chỉnh để cơ cấu danh mục đầu tư.
Về phần mình, ông Hiển cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn thời gian tới nên hạn chế những hoạt động giải ngân mới, ưu tiên hoạt động quản trị rủi ro đối với danh mục đang nắm giữ. Đối với những nhà đầu tư đang nắm tiền mặt và tìm kiếm cơ hội trung và dài hạn thì có thể xem xét tận dụng những nhịp điều chỉnh mạnh (nếu có) của thị trường để quan sát và tích lũy các cổ phiếu tốt, có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Các nhóm ngành quan tâm có thể kể đến như viễn thông - công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, tiện ích công cộng, cảng biển - logistics, bất động sản khu công nghiệp.
FILI