Vladimir Putin: Nga và Ả-rập Xê-út đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu, có thể kéo dài thêm 9 tháng

29/06/2019 23:20
29-06-2019 23:20:43+07:00

Vladimir Putin: Nga và Ả-rập Xê-út đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu, có thể kéo dài thêm 9 tháng

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến tới thỏa thuận với Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed Bin Salman để gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ trong khoảng thời gian còn lại của năm 2019 và có khả năng kéo dài sang đầu năm 2020.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến tới thỏa thuận với Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed Bin Salman

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản, Tổng thống Nga cho biết có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng – vốn hết hạn vào cuối tháng 6/2019 – thêm 6 hoặc 9 tháng. Nhận định của ông khiến cuộc họp của OPEC+ ở Vienna vào tuần tới trở thành một cuộc họp đã biết trước kết quả và củng cố thêm vai trò của ông Putin như là người ra chính sách cuối cùng trong nhóm OPEC+.

Ả-rập Xê-út và Nga đã dẹp bỏ nhiều năm thù hằn vào năm 2016 để hợp tác kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu trong một nỗ lực hỗ trợ giá. Phiên bản hiện tại của thỏa thuận OPEC+ kêu gọi cắt giảm sản lượng 1.2 triệu thùng mỗi ngày.

“Chúng tôi đã đồng ý là sẽ tiếp tục thỏa thuận”, ông Putin cho biết ở Osaka. “Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi sẽ ủng hộ gia hạn thỏa thuận, cả Nga và Ả-rập Xê-út, theo mức sản lượng đã nhất trí trước đó”.

Tuyên bố của ông Putin đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cấp cao từ OPEC+ báo hiệu, thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể cần phải kéo dài sang năm 2020. Điều này phản ánh một triển vọng khá u ám của nguồn cung và nhu cầu dầu vào năm tới vì nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ tăng mạnh.

Thỏa thuận thương mại

Thỏa thuận giữa Nga và Ả-rập Xê-út đã tiếp nối một thỏa thuận trước đó giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cụ thể, Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại và Mỹ sẽ ngừng áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc tại thời điểm này.

“Thỏa thuận giữa Nga và Ả-rập Xê-út, cùng với kết quả tích cực từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại hội nghị G20, sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn”, Amrita Sen, Trưởng bộ phận phân tích dầu tại công ty tư vấn Energy Aspects ở Luân Đôn, cho hay.

Liên minh giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất bên ngoài đã có những thành quả trái chiều trong việc hỗ trợ giá dầu, một phần là do một số thành viên có lúc sản xuất quá mức cho phép. Kể từ lúc Nga và Ả-rập Xê-út cùng nhau kiểm soát thị trường dầu vào cuối năm 2016, giá dầu Brent đã dao động trong phạm vi 45-85 USD/thùng. Trong ngày thứ Sáu (28/06), hợp đồng dầu Brent tương lai khép phiên ở mức 64.74 USD/thùng.

Cuộc đàm phán giữa ông Putin và ông Mohammed cho thấy cam kết của hai quốc gia trong việc đảm bảo sự ổn định trên thị trường dầu, Bộ Năng lượng Nga cho biết trong một tuyên bố. Cuộc đàm phán cũng thể hiện “mức độ thấu hiểu cao” giữa hai nhà sản xuất dầu lớn giữa lúc xuất hiện những bất ổn trên thị trường dầu, trích từ tuyên bố này.

Đối với Moscow, họ có thêm một động lực để kéo dài thỏa thuận thêm 9 tháng, khi các công ty dầu khí của Nga khó khăn trong việc tăng sản lượng trong mùa đông. Bằng cách gia hạn thỏa thuận vào năm 2020, Nga có thể ở vị trí tốt hơn để bơm dầu nhiều hơn trong mùa xuân năm tới.

Một đợt gia hạn dài cũng có thể là một sự thừa nhận của Nga về tác động của việc ngừng hoạt động đường ống dẫn đầu Druzhba tới năng lực sản xuất của nước này. Sản lượng dầu của nước này đã giảm trong những tuần gần đây do dòng chảy dầu thông qua đường ống này không liên tục, một phần trong đó đã bị đình chỉ từ hai tháng trước trong bối cảnh khủng hoảng dầu thô bị ô nhiễm.

Năm nay, liên minh OPEC+ đã cắt giảm sản lượng hơn mức cam kết 1,2 triệu thùng/ngày do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela đã cắt giảm sản lượng từ cả hai nước này. Ả-rập Xê-út cũng đơn phương thực hiện giảm hơn, bơm 9.7 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2019, so với mức trần 10.3 triệu thùng mà OPEC+ đặt ra.

Thỏa thuận bằng lời giữa ông Putin và Thái tử Mohammed trong ngày thứ Bảy (29/06) làm nổi bật tầm quan trọng của hội nghị G20 như là một diễn đàn quan trọng để ra quyết định chính sách cho thị trường dầu. Năm 2018, ông Putin và Thái tử Mohammed đã tận dụng hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires (Argentina) để lên tiếng ủng hộ gia hạn thỏa thuận OPEC+ sang nửa đầu của năm 2019. Vài ngày sau đó, với sự chỉ đạo rõ ràng từ các nhà lãnh đạo, các bộ trưởng dầu mỏ đã gặp và đồng ý về các thông tin chi tiết của thỏa thuận.

Hội nghị G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) trong năm 2016 cũng là một hội nghị đánh dấu bước ngoặt cho thị trường dầu, trong đó ông Putin và Thái tử Mohammed tiến tới hòa giải. Kể từ cuộc họp đó, cả hai quốc gia đã hợp tác về chính sách sản lượng như là những nhà lãnh đạo thực thụ của liên minh OPEC+, trong đó bao gồm tất cả thành viên của OPEC cộng với nhiều nhà sản xuất độc lập như Mexico, Azerbaijan và Kazakhstan.

“Hợp tác chiến lược trong nội bộ OPEC+ đã tạo ra sự ổn định trên thị trường dầu”, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Kirill Dmitriev, Trưởng bộ phận của Russian Direct Investment Fund, cho biết trong ngày thứ Bảy sau cuộc đàm phán Ả-rập Xê-út và Nga.

Để chứng minh thêm về tầm quan trọng của G20 đối với các cuộc đàm phán của OPEC, Ả-rập Xê-út và Nga gần đây đã vận động các quốc gia OPEC+ sắp xếp lại cuộc họp ở Vienna của họ, lùi lại vài ngày để các bộ trưởng dầu mỏ sẽ tập trung ngay sau khi ông Putin ngồi lại với Thái tử Mohammed, thay vì trước hội nghị G20 như dự kiến ban đầu. OPEC+ sẽ gặp nhau tại thủ đô của Áo vào ngày 01-02/07.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Dầu tăng hơn 1% sau dữ liệu kinh tế gây thất vọng của Mỹ

Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng vào ngày thứ Năm (25/04), khi thị trường cân nhắc giữa tăng trưởng kinh tế Mỹ gây thất vọng và nguy cơ địa chính trị từ cuộc xâm...

Giá xăng, dầu đồng loạt giảm từ 15h chiều ngày 25/4

Từ 15h ngày 25/4, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh giảm 310 đồng, còn xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, giá xăng RON 95 đã có 10 lần tăng và 7...

Dầu WTI rớt mốc 83 USD/thùng

Giá dầu WTI dao động dưới mức 83 USD/thùng vào ngày thứ Tư (24/04), giảm nhẹ sau khi tăng gần 2% trong phiên trước đó.

Dầu WTI tăng gần 2%, vượt mức 83 USD/thùng

Giá dầu WTI tăng gần 2% vào ngày thứ Ba (23/04) lên trên mức 83 USD/thùng, nhờ sự lạc quan rằng dữ liệu sản xuất yếu có thể đẩy nhanh việc hạ lãi suất.

Dầu giảm nhẹ khi căng thẳng ở Trung Đông dịu bớt

Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm nhẹ vào ngày thứ Hai (22/04), sau khi Iran cho biết sẽ không leo thang xung đột với Israel.

Đề xuất cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện dự án sử dụng LNG nhập khẩu

Theo dự thảo Nghị định, đến năm 2030, Chính phủ quy định tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn ở mức tối thiểu bằng 70% trong thời gian trả nợ của dự án...

Dầu giảm mạnh trong tuần qua

Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh trong tuần qua khi nhà đầu tư nhận thấy rủi ro hạn chế rằng cuộc tấn công trả đũa của Israel vào Iran sẽ gây ra một cuộc...

Dầu tăng 4%, vàng thế giới lập đỉnh mới sau thông tin về vụ nổ ở Iran

Giá dầu và vàng tăng vọt sau khi xuất hiện thông tin xảy ra vụ nổ ở gần thành phố Isfahan của Iran.

Điện khí LNG có giá tới 2.800 đồng/kWh, nhiều đề xuất khó cho đàm phán mua điện

Điện khí LNG góp phần giảm phát thải, song giá thành điện khí LNG sẽ ở mức 2.400 - 2.800 đồng/kWh. Trong khi đó tỷ trọng điện khí ngày càng tăng khiến việc đàm phán...

Dầu diễn biến trái chiều khi lo ngại về xung đột giảm bớt

Các hợp đồng dầu thô tương lai diễn biến trái chiều vào ngày thứ Năm (18/04) khi nhà đầu tư giảm bớt lo ngại về một cuộc chiến giữa Israel và Iran có thể làm gián...

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98